Mới đây, Hội đồng Tư vấn và Hỗ trợ Khởi nghiệp quốc gia phía Nam tổ chức tổng kết hoạt động năm 2020 và ký kết Hợp tác với trường Đại học Kinh tế TP.HCM.
Theo đó, Hợp đồng ghi nhớ được ký kết với các nội dung như: Hai bên phối hợp cùng tham gia giảng dạy các kiến thức về kỹ năng mềm dành cho sinh viên; phối hợp chia sẻ kinh nghiệm để phát triển các nhóm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; tổ chức Tọa đàm, Hội thảo giải quyết các vấn đề mang tính thời sự với các chủ đề mà hai bên quan tâm; phối hợp triển khai chương trình mentoring cho sinh viên; tham gia giao lưu chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn, tư vấn hướng nghiệp cho sinh viên.
Bà Võ Thị Phương Lan – Chủ tịch Hội đồng Tư vấn và Hỗ trợ khởi nghiệp quốc gia phía Nam cho biết, với sứ mệnh Ươm mầm doanh nhân Việt, năm 2014, Hội đồng Tư vấn và Hỗ trợ khởi nghiệp quốc gia phía Nam chính thức được thành lập, theo Quyết định của Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Thành viên của Hội đống bao gồm các doanh nhân, giảng viên các trường Đại học, Cao đẳng khu vực phía Nam, với tinh thần tự nguyện đã đào tạo, chia sẻ, tư vấn cho hàng chục nghìn sinh viên tại các trường Đại học, Cao đẳng phía Nam.
Trong năm 2020, Hội đồng đã tổ chức 3 lớp đào tạo TOT nâng cao, 4 buổi chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao kỹ năng giảng dạy khởi nghiệp dành cho thành viên Hội đồng; 6 lớp khởi nghiệp kinh doanh cho sinh viên thanh niên; 7 buổi giao lưu; tham gia làm giám khảo 7 cuộc thi khởi nghiệp và hàng trăm giờ chấm thi, mentor phát triển dự án và mentor phát triể bản thân cho sinh viên. Tổng cộng có hơn 12.000 sinh viên, thanh niên tham gia chương trình.
Năm 2020, cũng là năm đầu tiên Hội đồng khởi nghiệp phía Nam trở thành “thí sinh” tham gia giải thưởng ISTAR do Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM tổ chức. Vượt qua hơn 300 ứng cử viên “nặng ký”, Hội đồng khởi nghiệp phía Nam đã cùng với 10 đơn vị khác được nhận giải thưởng với thành tích đã có nhiều đóng góp thiết thực cho hoạt đông khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của TP.HCM.
“Bước sang năm 2021, tiếp trục với sứ mệnh Ươm mầm doanh nhân Việt, Hội đồng khởi nghiệp phía Nam đã thông qua kế hoạch hoạt động của năm 2021 với việc thành lập Câu lạc bộ Mentoring để hỗ trợ cho các thanh niên, sinh viên, những người có tâm huyết và có những ý tưởng khởi nghiệp, nhằm hướng dẫn cho các em “thành nhân, trước khi thành doanh”. Đồng thời thành lập Ban hỗ trợ và phát triển dự án, nhằm hỗ trợ các dự án đạt thành tích cao tại các cuộc thi đi vào thực tiễn kinh doanh. Đặc biệt, Hội đồng sẽ thành lập Quỹ đầu tư để đầu tư vào các dự án, đây cũng là một hoạt động mới của Hội đồng”, bà Phương Lan chia sẻ.
Phát biểu tại buổi lễ ký kết hợp tác, TS. Bùi Quang Hùng – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế TP.HCM cho biết, với vai trò và vị trí của mình tại khu vực phía Nam, ngoài việc đào tạo, nghiên cứu liên quan đến các lĩnh vực đào tạo, trường ĐH Kinh tế TP.HCM luôn quan tâm đến xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, cũng như khích lệ tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của sinh viên.
Theo TS Bùi Quang Hùng, bắt đầu từ năm 2021, trường ĐH Kinh tế TP.HCM sẽ triển khai một chuyên ngành đào tạo Quản trị chuyên ngành và đổi mới sáng tạo. Trường mong nhận được sự hợp tác của các doanh nghiệp, cũng như các thành viên của Hội đồng Tư vấn và Hỗ trợ khởi nghiệp Quốc gia.
“Với việc hợp tác này, Hội đồng sẽ kết hợp với nhà trường xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, khích lệ tinh thần khởi nghiệp của sinh viên, cũng như hợp tác nghiên cứu những dự án liên quan. Đặc biệt, trường ĐH Kinh tế TP.HCM luôn quan tâm và đầu tư cho sinh viên có cơ hội để trải nghiệm kinh nghiệm, thông qua các học kỳ doanh nghiệp trong quá trình đào tạo. Do đó, Hội đồng sẽ là cầu nối đề nhà trường thực hiện được mục tiêu đào tạo của mình là gắn đào tạo với thực tiễn”, TS. Bùi Quang Hùng nhấn mạnh.
Là một đơn vị có nhiều hoạt động phối hợp cùng Hội đồng Tư vấn và Hỗ trợ khởi nghiệp quốc gia phía Nam, TS. Nguyễn Quốc Cường – Hiệu trưởng trường Đại học Thủ Dầu Một cho rằng, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước và ngay từ năm 2016, khi Đề án 844 ra đời, Sở Khoa học và Công nghệ Bình Dương đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ cho phong trào khởi nghiệp tại địa phương. Đến nay, tỉnh Bình Dương đã cơ bản hình thành khung pháp lý chính sách hỗ trợ cho các hoạt động khởi nghiệp, trong đó có lĩnh vực giáo dục.
Riêng đối với trường Đại học Thủ Dầu Một, TS. Cường cho biết, từ năm 2017, trường đã thành lập Trung tâm Hợp tác doanh nghiệp khởi nghiệp, nhằm điều phối các hoạt động khởi nghiệp của trường, với diện tích khoảng 500m2 để hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của sinh viên, là nơi để sinh viên có thể chia sẻ ý tưởng, trang bị kiến thức kỹ năng về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và hiện thực hóa ý tưởng, dưới sự hỗ trợ của đội ngũ giảng viên lòng cốt.
“Nhằm tạo cho các bạn sinh viên hình thành ý tưởng và tạo môi trường để các bạn có thể trải nghiệm thực tế. Trong thời gian qua, nhà trường đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm khuyến khích cho các bạn sinh viên như: phối hợp đào tạo, giao lưu, ký kết hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; tổ chức các lớp tập huấn đào tạo nâng cao kỹ năng khởi nghiệp, thu hút được trên 2.000 lượt giảng viên, sinh viên tham gia. Qua đó tuyển chọn ra được nhiều dự án khởi nghiệp có chất lượng tham gia các cuộc thi khởi nghiệp và mang về kết quả cao, đặc biệt là đạt giải Nhì cuộc thi Khởi nghiệp quốc gia năm 2020 do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức”, TS. Nguyễn Quốc Cường cho biết.
TS Cường cho rằng, khởi nghiệp ở Việt Nam hiện nay chủ yếu là theo hướng phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới theo định nghĩa của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, trong thực tế, ở Việt Nam hiện nay chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo TS Cường, hướng khởi nghiệp sắp tới các doanh nghiệp, doanh nhân chỉ cần đặt ra vấn đề mà doanh nghiệp đang cần, để các bạn sinh viên với kiến thức và kỹ năng của mình có thể giải quyết được vấn đề của doanh nghiệp.
“Giải pháp này nếu được các doanh nhân, doanh nghiệp chấp nhận, thì xem như ý tưởng của các bạn sinh viên đã được hiện thực hóa. Bởi phần lớn các nhóm khởi nghiệp hiện nay đang làm thường là bắt chước và được Việt hóa, rất ít các sản phẩm được thực hiện bằng những ý tưởng mới. Nên theo tôi, chúng ta chuyển sang hướng giải quyết vấn đề của doanh nghiệp, hay nói cách khác là giải quyết nỗi đau của doanh nghiệp, đây là hướng giải quyết phù hợp trong giai đoạn hiện nay”, TS Cường chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
Trực tiếp: Chung kết Cuộc thi Khởi nghiệp Quốc gia 2020
13:38, 26/12/2020
Chung kết Cuộc thi Khởi nghiệp Quốc gia 2020: Dự án Kẹo dẻo hỗ trợ phòng đột quỵ C-NATO
17:18, 26/12/2020
Chung kết Cuộc thi Khởi nghiệp Quốc gia 2020: Dự án giường ngủ thông minh
16:30, 26/12/2020
Chung kết Cuộc thi Khởi nghiệp Quốc gia 2020: Dự án Centimedia - Nền tảng kết nối toàn diện cộng đồng Video-makers và người dùng
16:07, 26/12/2020
Chung kết Cuộc thi Khởi nghiệp Quốc gia 2020: Dự án “Sản xuất và thương mại gỗ Dừa CCF”
15:10, 26/12/2020