Hơn 42% chưa có giá dịch vụ, cơ sở khám chữa bệnh sẽ vận dụng giá nào?

NGUYỄN VIỆT 06/01/2023 16:41

Hiện nay, Bộ Y tế mới chỉ xác định 10% giá dịch vụ kỹ thuật, 48% dịch vụ thực hiện quy đổi giá, còn hơn 42% dịch vụ chưa có giá kéo dài nhiều năm.

>>Quốc hội phê chuẩn ông Trần Hồng Hà và Trần Lưu Quang giữ chức Phó Thủ tướng

Vậy, hơn 42% chưa có giá dịch vụ thì ai chịu trách nhiệm, cơ sở khám chữa bệnh sẽ vận dụng giá nào? 

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân (TP. HCM). Ảnh: QH

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân (TP. HCM). Ảnh: QH

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân (TP. HCM) nêu băn khoăn tại phiên thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), ngày 6/1.

Hiện nay có 19.150 dịch vụ kỹ thuật cần phải định giá

Góp ý vấn đề liên quan đến tự chủ của cơ sở khám chữa bệnh, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân đề nghị cần có nguyên tắc về tự chủ của cơ sở khám chữa bệnh rõ ràng hơn. Trong đó, cần quy định cụ thể nguyên tắc về tự chủ tổ chức và nhân sự.

“Còn nếu đợi hướng dẫn của Chính phủ thì liệu hướng dẫn đó có phù hợp với suy nghĩ của đại biểu Quốc hội và mong muốn như vậy không? Vì trong tổ chức nhân sự, ngoài bộ máy, biên chế, tuyển dụng, có nội dung phải trả lương chính sách cho cán bộ và chưa có quy định nào cấp luật về vấn đề này”, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân nói.

Về tài chính, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, dự thảo nêu tự chủ theo quy định của pháp luật nhưng chưa rõ là theo Luật nào, đề nghị nên nêu rõ theo nguyên tắc tự chủ nào, và theo quy định pháp luật nào, sớm hoàn thiện để trình nội dung này.

Về thẩm quyền của Bộ Y tế liên quan đến giá khám chữa bệnh, đại biểu cho rằng, Bộ trưởng Y tế chỉ hướng dẫn chi tiết phương pháp xác định giá mà Luật Giá đã quy định. Cho rằng hiện nay có 19.150 dịch vụ kỹ thuật cần phải định giá, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân băn khoăn Bộ Y tế định giá gì.

Hiện nay Bộ Y tế mới chỉ xác định 10% giá dịch vụ kỹ thuật, 48% dịch vụ thực hiện quy đổi giá, còn hơn 42% dịch vụ chưa có giá kéo dài nhiều năm. Đại biểu băn khoăn hơn 42% chưa có giá dịch vụ thì ai chịu trách nhiệm, cơ sở khám chữa bệnh sẽ vận dụng giá nào? Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, nếu Bộ Y tế chưa công bố giá, định giá thì cơ sở khám chữa bệnh được làm.

Nhấn mạnh Luật càng phức tạp thì càng phải chặt chẽ, đại biểu cho rằng, không để nội dung trái với luật khác được quy định trong Luật này. Cần nhìn bài học 10 năm qua, những luật nào Chính phủ trình mà không kèm theo Nghị định thì sau này sẽ rất khó khăn, do đó đại biểu Nguyễn Thiện Nhân kiến nghị chỉ trình Luật này khi kèm theo Nghị định hướng dẫn để kiểm soát, đồng thời cần lấy ý kiến của 100 bệnh viện trên cả nước trước khi trình.

>>Quốc hội phê chuẩn miễn nhiệm Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam

>>Trình Quốc hội xem xét miễn nhiệm hai Phó Thủ tướng

Hai mâu thuẫn từ quy định bệnh viện tự chủ

Phát biểu góp ý vào dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đánh giá cao ban soạn thảo tiếp thu, chỉnh sửa nhiều nội dung liên quan đến giá dịch vụ y tế và tự chủ bệnh viện.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Hà Nội). Ảnh: QH

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Hà Nội). Ảnh: QH

Đại biểu Hoàng Văn Cường đồng tình với nguyên tắc giá dịch vụ tính đúng, tính đủ chi phí khám chữa bệnh, đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, cơ sở khám chữa bệnh và người bệnh. Tuy nhiên, các nội cụ thể của dự thảo luật lại chưa cụ thể hóa các nguyên tắc vừa nêu.

Về tự chủ, đại biểu Hoàng Văn Cường cho biết dự thảo quy định các đơn vị tự chủ được chi thường xuyên, chi đầu tư, được quyền xác định giá, tự chủ về tổ chức, lao động, nhưng khi đọc kỹ dự thảo cho thấy các quyền này gần như không được thực hiện. Để tự chủ, điều quan trọng nhất là bệnh viện hay cơ sở khám, chữa bệnh phải có đủ khả năng tự quyết định những vấn đề khám, chữa bệnh.

Như vậy năng lực về tự chủ hay năng lực về quyết định những vấn đề của bệnh viện phải là điều kiện tiên quyết cho việc quyết định đơn vị đó có tự chủ hay không. Vì vậy, dự thảo phải đưa ra một điều hoặc mục quy định về điều kiện đơn vị khám, chữa bệnh được tự chủ.

Hơn nữa, tự chủ có nhiều mức khác nhau tuy nhiên trong dự thảo luật này chỉ đề cập đến một loại bệnh viện là tự đảm bảo chi thường xuyên, chi đầu tư, như vậy chưa phát huy, khuyến khích các bệnh viện từ các mức tự chủ thấp lên tự chủ cao.

Về giá dịch vụ khám, chữa bệnh, đại biểu Hoàng Văn Cường cho biết, hiện nay đang quy định những bệnh viện tự chủ cao nhất được quyền xác định giá dịch vụ khám, chữa bệnh trong phạm vi khung giá hay mức giá cao nhất của Bộ Y tế quy định. Quy định như vậy đại biểu cho rằng có 2 điều mâu thuẫn.

Thứ nhất, vô hình chung tất cả những dịch vụ y tế của bệnh viện tự chủ đều được xác định một mức giá cao hơn giá do nhà nước quy định, bởi được tự chủ quyết định không vượt quá khung. Như vậy, vô hình chung đã loại bỏ cơ hội cho những người thu nhập thấp không thể nào tiếp cận được những bệnh viện tự chủ. 

Thứ hai, giá dịch vụ cao nhưng không vượt quá khung của nhà nước quy định, sẽ có một số dịch vụ cần sử dụng những biện pháp kỹ thuật cao, cần phải có chi phí nhiều hơn sẽ không thực hiện được. Như vậy, người dân có khả năng chi trả, muốn được sử dụng các dịch vụ cao hơn hẳn cũng không đáp ứng được và phải sang khu vực bệnh viện tư nhân. 

“Quy định như vậy vừa loại bỏ cơ hội tiếp cận của người thu nhập thấp, vừa loại bỏ cơ hội, mong muốn được hưởng dịch vụ cao của người thu nhập cao, vừa loại bỏ cơ hội để cho các bệnh viện tự chủ vươn lên, nâng cao trình độ”, đại biểu Hoàng Văn Cường bày tỏ.

Có thể bạn quan tâm

  • Quốc hội phê chuẩn ông Trần Hồng Hà và Trần Lưu Quang giữ chức Phó Thủ tướng

    16:48, 05/01/2023

  • Quốc hội phê chuẩn miễn nhiệm Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam

    15:38, 05/01/2023

  • Trình Quốc hội xem xét miễn nhiệm hai Phó Thủ tướng

    13:23, 05/01/2023

  • Kỳ vọng vào những quyết sách quan trọng tại kỳ họp bất thường lần 2, Quốc hội khóa XV

    09:07, 05/01/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hơn 42% chưa có giá dịch vụ, cơ sở khám chữa bệnh sẽ vận dụng giá nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO