VCCI đã có sáng kiến liên kết kinh tế bốn địa phương Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng và Quảng Ninh dọc theo đường cao tốc Hà Nội - Móng Cái.
>> ABAC III: Kết nối và kiến tạo
Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhấn mạnh: “Liên kết kinh tế bốn địa phương sẽ mở rộng không gian phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu. Bốn địa phương khi liên kết lại sẽ có đầy đủ tiềm năng và điều kiện để tạo thành một khu vực kinh tế phát triển năng động như có cảng biển lớn quốc tế (tại Hải Phòng), có cửa khẩu trên bộ và trên biển với thị trường lớn nhất thế giới Trung Quốc (tại Quảng Ninh), có sân bay quốc tế (ở Hải Phòng, Quảng Ninh), có nguồn nhân lực còn dồi dào (tại Hải Dương và Hưng Yên) cùng không gian phát triển kinh tế còn rộng lớn và nhiều tiềm năng (như tại Hải Dương và Hưng Yên).
Theo đánh giá của VCCI, liên kết giữa các địa phương ở Việt Nam không mới nhưng đã có rất nhiều tiền lệ với nhiều hạn chế, thách thức như: sự liên kết lỏng lẻo, sự hợp tác chưa thực chất, không có thiết chế vùng điều phối và thiếu định hướng thực tiễn.
Tuy nhiên, khác với nhiều mô hình liên kết khác, sự liên kết giữa Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương và Hưng Yên là sự liên kết mang lại lợi ích cho tất cả các địa phương, có tính bổ sung lẫn nhau và không loại trừ nhau. Chẳng hạn như Hải Phòng với bề dày phát triển, có cảng biển lớn, ngành dịch vụ công nghiệp có truyền thống, dịch vụ vận tải, logistics đã phát triển… hoàn toàn có thể đóng vai trò là trung tâm logistics, dịch vụ công nghiệp… của cả vùng.
Quảng Ninh với kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, hệ thống hạ tầng dịch vụ du lịch phát triển có thể trở thành cơ sở lưu trú, giải trí của chủ doanh nghiệp, chuyên gia cho toàn vùng. Những trung tâm lưu trú, giải trí cao cấp là yếu tố không thể thiếu được cho một khu vực kinh tế phát triển. Hải Dương và Hưng Yên với lợi thế nổi bật về nguồn nhân lực sẵn có, chất lượng tương đối cao, mặt bằng sản xuất còn tương đối nhiều… có thể là những địa bàn phù hợp tổ chức sản xuất kinh doanh, đào tạo và cung ứng nguồn lao động có chất lượng…
Ở cấp độ doanh nghiệp thì việc liên kết giữa các địa phương, mở rộng không gian hoạt động mang lại hiệu quả nhờ lợi thế quy mô. Chẳng hạn một trường đào tạo nghề thay vì đào tạo cho một địa phương có thể đào tạo cho cả 4 địa phương và chuyên sâu vào một lĩnh vực. Chẳng hạn đào tạo chuyên sâu ngành nghề cơ khí tại Hải Dương, logistics tại Hải Phòng, dịch vụ du lịch tại Quảng Ninh… Và có cơ chế để kết nối giữa các trường nghề với các doanh nghiệp trong vùng. Lợi thế này có thể mở rộng ra rất nhiều lĩnh vực khác.
Việc liên kết giữa các địa phương hiện đang bị vướng bởi một số hạn chế và thiếu định hướng thực tiễn. Vì vậy, khi mô hình kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông hình thành chỉ lựa chọn số lượng địa phương vừa đủ, đặc biệt có sự cam kết của người đứng đầu địa phương.
Sáng kiến kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông hướng tới việc xây dựng một mô hình liên kết kinh tế tiểu vùng, tạo thành một không gian kinh tế mới có môi trường kinh doanh thuận lợi, tăng trưởng kinh tế cao và có cộng đồng doanh nghiệp phát triển mạnh, tạo ra cực tăng trưởng trong vùng đồng bằng sông Hồng và khu vực phía Bắc.
Với góc nhìn doanh nghiệp, ông Huang Jinxing, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp Jinko Solar chia sẻ, 4 tỉnh nói chung và Quảng Ninh nói riêng hội tụ đầy đủ nhất các yếu tố hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư. Trong đó, nổi trội là hệ thống hạ tầng giao thông đa dạng, đồng bộ, hiện đại; công tác cải cách hành chính, đồng hành cùng doanh nghiệp ngày càng đạt được hiệu quả thực chất…
Theo ước tính của VCCI, cộng đồng doanh nghiệp có quy mô lớn được hình thành với hơn 50 nghìn doanh nghiệp. Đây là cơ sở để các tỉnh tổ chức xúc tiến thương mại với quy mô cấp vùng và thống nhất chính sách ưu đãi, thu hút các dự án đầu tư lớn, có chất lượng cao. Đặc biệt, các địa phương hướng tới mục tiêu khai thác tốt nhất lợi thế về cảng biển, cửa khẩu quốc tế và hạ tầng giao thông, logistics của Hải Phòng và Quảng Ninh, tăng hiệu suất và năng lực cạnh tranh của các khu công nghiệp, tiến tới đưa vùng trở thành một trung tâm logistics lớn, quan trọng của khu vực và cả nước.
Các nội dung kết nối sẽ được cụ thể hoá bằng các các chương trình, kế hoạch hoạt động được xây dựng riêng cho từng hoạt động, có sự đồng thuận, thống nhất của các bên tham gia. Bên cạnh các hoạt động sản xuất thương mại, các tỉnh trong trục cao tốc phía Đông còn có thế mạnh phát triển du lịch dịch vụ rất lớn. Đây là cơ sở quan trọng để hình thành thương hiệu du lịch riêng của vùng góp phần đưa ngành du lịch, dịch vụ của vùng phát triển mạnh mẽ, có kết nối chặt chẽ với nhau.
Ông Nguyễn Văn Ba – Giám đốc Công ty xây dựng 507 Quảng Ninh cũng đồng tình: những kết nối “hạ tầng cứng” sẽ được thuận lợi hơn nữa nếu “hạ tầng mềm” với môi trường đầu tư thuận lợi và nâng cao năng lực cạnh tranh của các tỉnh hơn nữa. Ông Ba cũng đề nghị các tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành kịp thời nắm bắt, xử lý những vướng mắc và vấn đề phát sinh cho doanh nghiệp.
Để đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, với mô hình kết nối quy mô gọn chỉ 4 tỉnh, Hội đồng Vùng sẽ có hai đồng chủ tịch gồm VCCI và một địa phương luân phiên giữ vai trò chủ tịch hàng năm. Mô hình kết nối này có ý nghĩa như một thử nghiệm góp phần thực hiện Nghị quyết 57/NQ-CP ngày 21/4/2022 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp hoàn thiện thể chế liên kết vùng kinh tế - xã hội.
Có thể bạn quan tâm
00:22, 31/07/2022
14:26, 30/07/2022
23:43, 28/07/2022
17:25, 28/07/2022
16:45, 28/07/2022