Về giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025, VCCI cho rằng cần có Nghị quyết riêng về phát triển doanh nghiệp cho cả nhiệm kỳ.
>>>[TRỰC TIẾP] Diễn đàn kinh tế 2023: Cùng doanh nghiệp "vượt sóng"
Phát biểu khai mạc Diễn đàn “Kinh tế 2023: Cùng doanh nghiệp “vượt sóng””, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh, bất chấp những bất ổn của thế giới, kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục hồi phục mạnh mẽ.
Theo Phó Chủ tịch VCCI, sự phục hồi ấn tượng của Việt Nam sau đại dịch COVID-19 được các tổ chức quốc tế và truyền thông nước ngoài ghi nhận. Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng “đáng kinh ngạc” 13,7% trong quý III so với cùng kỳ năm ngoái, đồng thời nâng dự báo tăng trưởng năm 2022 của Việt Nam lên 7,2%, tăng đáng kể so với mức dự báo 5,3% đưa ra 4 tháng trước đó. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam ở mức 6,5% trong năm 2022, cao nhất Đông Nam Á.
Để đạt được kết quả tích cực này là nhờ Chính phủ đã triển khai quyết liệt Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, đẩy mạnh Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nỗ lực hỗ trợ và tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp vượt qua thời điểm khó khăn.
Đặc biệt, Đảng ta đã sâu sát, kịp thời đề ra các định hướng, quyết sách lớn và thúc đẩy sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị quyết liệt thực hiện các mục tiêu đề ra, vừa thúc đẩy kinh tế phát triển, vừa bảo đảm an sinh xã hội theo phương châm không để ai bị bỏ lại phía sau.
Cũng theo ông Hoàng Quang Phòng, có được sự phát triển như vậy không thể không khẳng định sức đóng góp và sự sáng tạo không biết mệt mỏi của doanh nghiệp. Tuy vậy, những sai phạm của một bộ phận nhỏ doanh nghiệp vừa qua cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế của khu vực này.
“Hơn thế, dù khu vực doanh nghiệp đông về số lượng, nhưng quy mô và tiềm lực không mạnh, sức chống chịu và khả năng cạnh tranh còn hạn chế”, Phó Chủ tịch VCCI nhận định.
Bởi, thống kê cho thấy bình quân một tháng có 18.100 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động thì có 12.500 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Nói cách khác, trong nền kinh tế cứ 10 doanh nghiệp gia nhập mới và quay trở lại thì có 7 doanh nghiệp tạm thời hoặc vĩnh viễn rút lui khỏi thị trường.
“Điều này phản ánh khu vực doanh nghiệp vẫn bị tổn thương nghiêm trọng trước những khó khăn của kinh tế thế giới và trong nước”, Phó Chủ tịch VCCI nhận định.
>>>Diện mạo kinh tế năm 2023: Đổi mới để tạo đột phá
>>>Doanh nghiệp đối mặt khó khăn chưa từng có
Ông Hoàng Quang Phòng cho biết, mới nhất, trong văn bản góp ý Nghị quyết của Chính phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025, VCCI đã nhất trí với việc cần phải có Nghị quyết riêng về phát triển doanh nghiệp cho cả nhiệm kỳ.
“Mục tiêu của VCCI mong muốn là doanh nghiệp tư nhân đăng ký chính thức theo Luật Doanh nghiệp đến năm 2025 có đóng góp 15% GDP, năm 2030 có đóng góp 20% của GDP. Hiện tại, con số đóng góp mới khoảng 9% GDP. Có ít nhất 10 tập đoàn tư nhân trong nước quy mô lớn trong lĩnh vực công nghiệp và 10 tập đoàn tư nhân trong nước quy mô lớn trong lĩnh vực dịch vụ”, Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Đặc biệt, sự phát triển của doanh nghiệp cũng cần phát triển theo hướng phát triển bền vững: Đến năm 2025, có ít nhất 20% số doanh nghiệp sản xuất được vận hành theo cơ chế kinh tế tuần hoàn.
Hơn thế, VCCI cũng đề nghị các doanh nghiệp nỗ lực năng lực tự chủ tự cường, tự lập, nâng cao tính kết nối của doanh nghiệp tư nhân trong tham gia chuỗi sản xuất: Tỷ lệ nội địa hoá các ngành tăng thêm 10% tới năm 2025.
Nhưng để đáp ứng được yêu cầu doanh nghiệp, VCCI cũng mong muốn năm 2025, tỷ lệ lao động có kỹ năng tăng 10 bậc so với hiện tại theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế Thế giới - WEF (hiện Việt Nam xếp hạng 93/141 quốc gia); tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35%.
Cho biết năm 2023 là năm sơ kết, đánh giá giữa kỳ các kế hoạch 5 năm về kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, đầu tư công, tài chính công… Phó Chủ tịch VCCI khẳng định các kết quả đạt được của năm 2023 sẽ là cơ sở quan trọng để nước ta tiếp tục phấn đấu thực hiện các mục tiêu 5 năm đã đề ra. Tuy nhiên, sơ bộ đánh giá cho thấy năm 2023 cũng là năm dự kiến có rất nhiều khó khăn, thách thức, cả quốc tế và trong nước.
Trong bối cảnh khó khăn, thách thức đó, các doanh nghiệp Việt càng phải nỗ lực hơn, quyết tâm hơn và đổi mới sáng tạo hơn để thực sự phát triển.
“Đồng hành với doanh nghiệp, VCCI vẫn tiếp tục đề cao sứ mệnh của mình góp phần “hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thực chất hơn thủ tục hành chính” VCCI tiếp tục tổ chức các hoạt động tham vấn góp ý chính sách pháp luật; tập hợp và phản ánh ý kiến của doanh nghiệp, phản ánh và báo cáo kịp thời cho Chính phủ và các cơ quan nhà nước có liên quan”, ông Hoàng Quang Phòng chia sẻ.
Đặc biệt, VCCI cũng đẩy mạnh hoạt động định hướng, vận động xây dựng đạo đức doanh nhân, văn hoá kinh doanh trong cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam. Tăng cường kết nối doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp tham gia xây dựng và triển khai các quy hoạch, các liên kết kinh tế vùng và địa phương.
Phó Chủ tịch VCCI hi vọng, các nhà quản lý, các chuyên gia, doanh nghiệp sẽ thẳng thắn trao đổi đưa ra các khuyến nghị nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh, giúp các doanh nghiệp hoạch định chính sách, chiến lược trong kinh doanh năm 2023 và những năm tiếp theo.
Có thể bạn quan tâm
11:26, 17/11/2022
03:45, 17/11/2022
01:00, 16/11/2022
23:00, 15/11/2022