Lafooco đã trải qua đầy đủ những thăng trầm của một công ty từ đỉnh cao xuống vực thẳm và giờ đây đang nỗ lực tìm lại ánh hào quang dựa trên những bài học kinh nghiệm quá khứ.
Các cổ đông Lafooco đang trao niềm tin cho một vị tổng giám đốc trẻ tuổi, nhưng đầy kinh nghiệm trên thương trường với kỳ vọng anh sẽ dẫn dắt công ty phát triển ổn định và bền vững.
Lối thoát
Trong quá khứ, Công ty Lafooco đã sở hữu nhiều cái nhất trong ngành điều Việt Nam. Đây là một doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu với năng lực sản xuất chế biến điều rất lớn và tạo dựng được thương hiệu trên thị trường nước ngoài. Lafooco cũng là người tiên phong nhập khẩu nguyên liệu từ châu Phi về để chế biến xuất khẩu khi vùng nguyên liệu tại Việt Nam không cung cấp đủ nhu cầu. Đây cũng chính là bệ đỡ cho sự tăng trưởng vượt bậc của Lafooco, nhưng đồng thời là nguyên nhân đầy doanh nghiệp đến bờ vực phá sản.
Nhắc đến việc nhập khẩu nguyên liệu của Lafooco là xuất phát ở thời điểm giá nguyên liệu điều tại Việt Nam đột ngột tăng mạnh, khiến cho không thể cân đối chi phí đầu vào nguyên liệu và giá thành phẩm. Các hợp đồng ký kết trước đó với đối tác nước ngoài đã chốt giá nên không thể đàm phán lại. Điều này có nghĩa rằng, càng xuất khẩu Lafooco càng lỗ nặng. Có một giải pháp là dừng giao hàng, nhưng đồng nghĩa uy tín đã xây dựng hàng chục năm cũng trôi theo.
Và nguồn nguyên liệu châu Phi chính là cứu cánh cho Lafooco trong thời điểm đó, đồng thời mang lại các giá trị lợi ích kinh doanh rất lớn. Trong suốt giai đoạn từ 2006 - 2011, doanh thu của công ty tăng từ 500 cho đến gần 1.000 tỷ đồng và lợi nhuận cũng gia tăng tương ứng. Cách chơi này của Lafooco cũng mở đường cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam thực hiện chiến lược tương tự và là một yếu tố góp phần đưa Việt Nam vào nhóm xuất khẩu điều hàng đầu của thế giới.
Kinh doanh trong ngành điều và chứng khoán có điểm giống nhau là đều phải dự đoán giá và kỳ vọng giá tăng trong tương lai
Với nguồn nguyên liệu mới và dồi dào, Lafooco đã thực hiện chiến lược mua về dự trữ và bán dần trong cả năm. Bởi vì ban lãnh đạo Lafooco khi đó luôn tin rằng, giá xuất khẩu luôn cao hơn giá nguyên liệu (điều này đã được minh chứng trong một giai đoạn rất dài).
Thế nhưng đến năm 2012, mọi thứ đột ngột đảo chiều. Giá nguyên liệu giảm mạnh đồng thời đẩy giá nhân điều giảm theo, trong khi đó, Lafooco đã tích trữ một lượng lớn nguyên liệu mua với giá cao trước đó. Hệ quả không quá khó đoán, Lafooco lỗ 152 tỷ đồng, mất gần hết vốn điều lệ và không thể phục hồi được kinh doanh những năm sau đó.
Lafooco đã tránh được tình trạng phá sản nhờ vào việc Tập đoàn Pan mua lại và thực hiện chiến lược tái cấu trúc toàn diện, cũng như đưa vào các nguồn lực tài chính mới và nhân lực điều hành mới.
Anh Nguyễn Duy Tuân, Tổng giám đốc Lafooco cho biết, ngành điều có sự lệch pha giữa việc mua nguyên liệu và bán sản phẩm, thường mua nguyên liệu vào đầu năm do đây là thời điểm thu hoạch, nhưng mùa bán hàng lại rơi vào cuối năm. Khoảng thời gian chờ bán là thời điểm trữ hàng. Và từ đây có 2 vấn đề xảy ra. Các doanh nghiệp ngành điều thường kỳ vọng mua được nguyên liệu giá rẻ và bán được giá cao trong tương lai; có khi bán trao tay nguyên liệu, chứ không cần làm ra sản phẩm nhân điều, đem lại lợi nhuận rất lớn. Ngược lại, giá giảm thì rủi ro không kém và chính Lafooco đã rơi vào trường hợp này. “Đây cũng là tình trạng chung của các doanh nghiệp ngành điều Việt Nam, chứ không thể nói rằng, ban lãnh đạo Lafooco yếu kém”, anh Tuân nói.
Theo anh Tuân, nhận diện được rủi ro từ việc đầu cơ nguyên liệu, đánh cược với thị trường trước đây nên ban điều hành mới của Lafooco đã triển khai chiến lược kinh doanh đầy cẩn trọng. Sử dụng các hợp đồng phái sinh để mua nguyên liệu nhằm tránh gây tổn thất một khi thị trường có biến động. Đồng thời tập trung vào phát triển các sản phẩm vốn là lợi thế và đã tạo dựng thương hiệu cho Lafooco từ lâu nay. Một loạt các giải pháp khác cũng được đưa ra, như đầu tư mạnh cho công nghệ để tăng năng suất, tìm kiếm phát triển và mở rộng thị trường cho các mặt hàng có giá trị gia tăng. Sau hơn 3 năm đổi chủ, Lafooco đã có những tín hiệu hết sức lạc quan. Các chỉ số tài chính bắt đầu tốt lên, doanh thu gia tăng, khoản lỗ nặng nề đã biến mất nhường cho các khoản lợi nhuận tăng trở lại. Các mặt hàng chế biến sâu đã gia tăng tỷ trọng lên gần 30% doanh thu, lợi nhuận biên khá cao, lên đến 80%.
Tầm nhìn dài hạn
Trong lịch sử hoạt động của Lafooco, người giữ vị trí tổng giám đốc công ty thời điểm này là một người có tuổi đời lẫn kinh nghiệm trong ngành điều còn rất trẻ. Tuy nhiên có lý do để các cổ đông Lafooco quyết định trao niềm tin cho vị tổng giám đốc có trách nhiệm dẫn dắt công ty hướng đến một giai đoạn phát triển mới.
Tự nhận là người hoàn toàn mới trong ngành điều và còn phải học hỏi rất nhiều, nhưng anh Nguyễn Duy Tuân lại rất dày dạn trong lĩnh vực tài chính với gần 10 năm đảm nhiệm vị trí Giám đốc Chi nhánh Hà Nội của Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI).
Bước chân vào nghề chứng khoán năm 2007 và chỉ tận hưởng niềm vui ngắn ngủi khi thị trường bùng nổ, ở thời điểm mà theo anh Tuân, cứ mở mắt ra là thấy tiền. Và ngay sau đó thị trường đảo chiều. Những năm tiếp theo, sức ép về mặt tâm lý và kinh doanh rất lớn.
“Giai đoạn cả thị trường đi xuống, áp lực từ khách hàng lên những người làm nghề là rất khủng khiếp, vì mình là người giữ tiền cho họ, chưa kể phải duy trì chỉ tiêu kinh doanh”, anh Tuân nhớ lại.
Thăng trầm trong nghề chứng khoán anh đã nếm trải đủ và chính nó làm nền tảng giúp anh có nhiều kinh nghiệm phân tích thị trường và bản lĩnh chống chọi trước các biến động. Dưới góc nhìn của mình anh Tuân nhận xét, kinh doanh trong ngành điều và chứng khoán có điểm giống nhau là đều phải dự đoán giá và kỳ vọng giá tăng trong tương lai. Nhưng có điểm khác biệt là trên thị trường chứng khoán có các phân tích báo cáo rõ ràng để làm nền cho các quyết định đầu tư. Với ngành điều, vấn đề khó nhất chính là dự đoán mùa vụ yếu tố sẽ ảnh hưởng đến chiến lược giá trong tương lai. Nhưng để dự đoán mùa vụ không hề dễ, vì liên quan đến yếu tố thời tiết. Các tổ chức uy tín trên thế giới cũng thực hiện các báo cáo mùa vụ về điều, nhưng tỷ lệ chính xác vẫn có giới hạn.
Yếu tố tiếp theo được xem là tình trạng chung mà cả Lafooco lẫn các doanh nghiệp Việt Nam khác đối diện là quá phụ thuộc vào nguyên liệu điều nhập khẩu từ châu Phi. Theo anh Tuân, điều này đặt việc kinh doanh của các doanh nghiệp vào thế rủi ro khó đoán định, vì chỉ cần những thay đổi chính sách từ các nước này là cả ngành điều Việt Nam không có nguyên liệu để sản xuất, vì hiện nay, nguyên liệu trong nước chỉ cung cấp từ 30-35% và toàn bộ phần còn lại đến từ nhập khẩu. Trong khi đó, uy tín trong kinh doanh của các nước châu Phi rất thấp.
Với vai trò người đứng đầu, các yếu tố khó khăn trong ngành điều chắc chắn đặt áp lực nặng nề lên vai anh. Theo anh Tuân, nhiệm vụ trọng yếu trong thời điểm hiện nay của Lafooco là chiến lược phát triển bền vững. Để hóa giải bớt rủi ro từ giá và nguyên liệu thì Lafooco xem xét chọn đối tác cung cấp nguyên liệu có uy tín. Lafooco cũng chấp nhận biên lợi nhuận thấp đi một chút bằng việc ký kết hợp đồng cùng lúc nguyên liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra. Để an toàn và phát triển ổn định hơn trong tương lai, hiện Lafooco đã hợp tác với nông dân xây dựng vùng nguyên liệu điều sạch để làm các sản phẩm hạt điều organic.
Về chiến lược sản phẩm với hạt điều nhân, Lafooco vẫn duy trì lợi thế thương hiệu với các khách hàng tốt nhất thế giới và tiếp tục mở rộng thị trường. Các sản phẩm chế biến sâu đã phát triển rất khả quan suốt 4 năm qua, xuất khẩu sang các thị trường Canada, Trung Quốc, Hồng Kông,…
“Sản phẩm giá trị gia tăng cao sẽ là mảng kinh doanh cốt lõi của Lafooco trong tương lai. Phát triển sản phẩm này đòi hỏi tiếp cận với người tiêu dùng cuối cùng, vốn yêu cầu rất khắt khe về chất lượng. Quy trình sản xuất của Lafooco hiện nay có thể truy xuất nguồn gốc. Nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm. Đó là phải xây dựng tốt bộ phận nghiên cứu sản phẩm, phát triển thị trường và bộ phận kinh doanh quốc tế... Các trụ cột này sẽ quyết định thành công của chiến lược sản phẩm giá trị gia tăng của Lafooco”, anh Tuân nói p
Cách Lafooco thoát hiểm và chiến lược kinh doanh
* Thực hiện chiến lược mua nguyên liệu về dự trữ và bán dần trong cả năm
* Tái cấu trúc toàn diện, đưa vào các nguồn lực tài chính và nhân lực điều hành mới.
* Sử dụng các hợp đồng phái sinh để mua nguyên liệu tránh gây tổn thất khi thị trường có biến động
* Tập trung vào phát triển các sản phẩm vốn là lợi thế đã tạo dựng thương hiệu từ lâu nay
* Đầu tư mạnh cho công nghệ để tăng năng suất và mở rộng thị trường cho các mặt hàng giá trị gia tăng
* Hợp tác với nông dân xây dựng vùng nguyên liệu điều sạch để làm các sản phẩm hạt điều organic
Đăng Lãm