Tín dụng - Ngân hàng

Lãi suất liên ngân hàng luôn duy trì mức thấp, vì sao?

Lê Mỹ 09/07/2025 04:19

Ngân hàng Nhà nước cho biết thời gian qua đã luôn duy trì lãi suất ở mức thấp để hỗ trợ tăng trưởng của nền kinh tế.

Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), mặt bằng lãi suất liên tục giảm từ cuối năm 2022 đến nay, tính riêng từ đầu năm đến nay, lãi suất cho vay bình quân đã giảm thêm 0,6%/năm.

Để duy trì được mặt bằng lãi suất thấp, NHNN đã điều tiết hỗ trợ thanh khoản và duy trì lãi suất liên ngân hàng thấp, song song chỉ đạo các ngân hàng thương mại phải tiết giảm chi phí hoạt động, ứng dụng công nghệ để phấn đấu hạ lãi suất cho vay.

Việc sớm ban hành danh mục phân loại xanh là yêu cầu cấp thiết để khơi thông dòng vốn tín dụng xanh
Theo NHNN, để có lãi suất thấp thì phải có sự đánh đổi, trong đó có tỷ giá. Ảnh minh họa; Quốc Tuấn

Ngành ngân hàng cũng triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi được cho vay thấp hơn so với mặt bằng chung như gói 100.000 tỷ đồng cho vay nông, lâm thủy sản giảm tối thiểu 1-2% lãi suất cho vay, hay chính sách cho vay nhà ở xã hội cũng vừa được điều chỉnh giảm 0,2% lãi suất vay xuống còn 5,9%/năm.

Những chính sách này đang góp phần giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận các khoản vay với lãi suất thấp hơn, có điều kiện phục hồi sản xuất kinh doanh. Đây cũng là điều kiện quan trọng để kết quả tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm hết sức ấn tượng, tăng gần 10% - cao nhất từ 2023 đến nay.

"Duy trì mức lãi suất thấp như thế chúng ta phải có những đánh đổi nhất định, trong đánh đổi đó có vấn đề tỷ giá. Chúng tôi luôn duy trì điều hành chính sách tiền tệ để hỗ trợ cho các tổ chức tín dụng có thanh khoản dồi dào và tiếp cận nguồn vốn có chi phí thấp từ NHNN. Vì vậy, mặt bằng lãi suất VND của chúng ta trên thị trường liên ngân hàng thời gian qua luôn duy trì mức thấp để đảm bảo cho các tổ chức tín dụng có thanh khoản, có chi phí vốn thấp, từ đó có mức giá vốn cho vay hấp dẫn cho nền kinh tế theo đúng chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ", ông Phạm Chí Quang - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết.

Lãnh đạo NHNN cũng cho biết mặc dù nhìn cán cân thanh toán của Việt Nam vẫn ổn định, cán cân thương mại vẫn thặng dư nhưng dòng tiền chuyển đổi rất nhanh do dòng vốn ngoại trên thị trường chứng khoán liên tục rút vốn từ năm 2024 đến nay, gây sức ép lớn lên thị trường ngoại hối.

Thời gian tới, theo Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ (NHNN), Việt Nam vẫn sẽ chịu tác động bởi rất nhiều yếu tố của thị trường tài chính toàn cầu, đặc biệt là chính sách thuế quan của Mỹ. Do có độ mở lớn, cụ thể là xuất khẩu/GDP của Việt Nam có thời điểm lên tới trên 200% nên chính sách thuế của Mỹ thời gian tới sẽ tác động lớn đến không chỉ dòng vốn đầu tư, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam mà còn tác động mạnh tới các đối tác lớn của Việt Nam.

Hành động của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tới đây cũng ảnh hưởng lớn đến lãi suất, tỷ giá, theo ông Phạm Chí Quang. Từ đầu năm đến nay, Fed đã trì hoãn giảm lãi suất 2 lần do chính sách thuế của chính quyền Trump. Mặc dù lạm phát các nước Châu Âu, Nhật Bản có xu hướng giảm nhưng lạm phát ở Mỹ lại rất bấp bênh. Trong khi đó chính sách điều hành lãi suất của Fed là dựa trên các số liệu, đặc biệt là dữ liệu việc làm, mà dữ liệu này lại đang có rất nhiều ẩn số.

Theo Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà, định hướng điều hành thời gian tới của NHNH sẽ tiếp tục chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác góp phần ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đồng thời ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Trong đó: (i) Tiếp tục chỉ đạo các TCTD tiết giảm chi phí hoạt động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và các giải pháp khác để giảm lãi suất cho vay; (ii) Tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường quốc tế và trong nước, điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường, phối hợp đồng bộ với các công cụ CSTT nhằm ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát; (iii) Tiếp tục thực hiện các giải pháp điều hành tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chỉ đạo các TCTD tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; (iv) Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025; đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu; triển khai các biện pháp phòng ngừa, hạn chế phát sinh nợ xấu mới...

Đặc biệt, liên quan đến yếu tố lãi suất, Phó Thống đốc nhấn mạnh trong tháng 7 và 6 tháng cuối năm, NHNN sẽ tiếp tục hỗ trợ thanh khoản thông qua điều tiết và sử dụng các công cụ trên thị trường mở, để các ngân hàng thương mại có nguồn vốn giá rẻ đảm bảo thúc đẩy mở rộng tín dụng, giữ mặt bằng lãi suất thấp, theo mục tiêu đạt tăng trưởng tín dụng 16%.

Lai suat LNH
Lãi suất thị trường liên ngân hàng.

Những động thái gần nhất của NHNN đang cho thấy nỗ lực hỗ trợ thanh khoản và duy trì mặt bằng lãi suất thấp xuyên suốt trong bối cảnh thị trường vẫn còn tâm lý quan ngại về các biến động, với kỳ vọng tỷ giá và lạm phát còn cao.

Dữ liệu thống kê của Yuanta Việt Nam ghi nhận trong tuần trước (tuần đầu tháng 7), NHNN tiếp tục sử dụng kênh tín phiếu bên cạnh kênh mua kỳ hạn điều tiết trên thị trường liên ngân hàng. Qua đó đã phát hành 17,4 nghìn tỷ tín phiếu kỳ hạn 7 ngày với lãi suất 3,5%. Đồng thời, NHNN cũng bơm thêm 62,4 nghìn tỷ qua kênh mua kỳ hạn với lãi suất 4% ở các kỳ hạn từ 7 ngày tới 91 ngày. Với 22,5 nghìn tỷ đáo hạn tín phiếu và 58,1 nghìn tỷ đáo hạn kênh mua kỳ hạn, kết tuần, NHNN bơm ròng 9,4 nghìn tỷ vào hệ thống, giảm 76,6% so với tuần trước. Giá trị lưu hành trên kênh mua kỳ hạn và tín phiếu lần lượt ở mức 94,6 nghìn tỷ và 17,4 nghìn tỷ tại cuối tuần trước.

Thanh khoản ổn định hơn sau ngày chốt quý với ghi nhận diễn biến lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh đầu tuần tại ngày 30/6 với kỳ hạn qua đêm lên tới 645%, 1 tuần 6,53%, tuy nhiên sau đó đã giảm dần và kết tuần lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm giảm 78đpt về mức 4,9%%, 1 tuần giảm 60đpt về 4,3%, 2 tuần giảm 83đpt về 4, 3% và 1 tháng giảm 50đpt về 4,4%. Qua đó, chênh lệch lãi suất qua đêm VND-USD thu hẹp về mức -0,3%.

Tại Công điện số 104, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục yêu cầu NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường chuyển đổi số… để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, hỗ trợ cho sản xuất, kinh doanh.

Với các chủ trương và diễn biến thị trường như ghi nhận, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích CTCK Yuanta Việt Nam cho rằng, nhìn chung, mặt bằng lãi suất huy động vẫn ở mức thấp, trong khi nhu cầu tín dụng sẽ tăng mạnh hơn vào nửa cuối năm. Do đó, theo nhà phân tích, tín dụng không những đạt mà có thể vượt mức mục tiêu 16%, và việc duy trì lãi suất ở mức thấp là khá thách thức với các NHTM.

"Chúng tôi cho rằng lãi suất huy động có thể đi ngang và nhích tăng nhẹ trong thời gian tới trong khi lãi suất cho vay vẫn ở vùng thấp để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế", ông Nguyễn Thế Minh nhìn nhận.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Lãi suất liên ngân hàng luôn duy trì mức thấp, vì sao?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO