Sáng 28/6, Văn phòng Chủ tịch nước đã họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về công bố các Luật vừa được Quốc hội Khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 5.
Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Giang Sơn đã công bố Lệnh của Chủ tịch nước về việc công bố 7 Luật gồm: Luật Quốc phòng; Luật Cạnh tranh; Luật Tố cáo; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thế dục, thể thao; Luật Đo đạc và bản đổ; Luật An ninh mạng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch.
Trao đổi về Luật Cạnh tranh sửa đổi, ông Trần Quốc Khánh - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, Luật Cạnh tranh lần đầu tiên được ban hành vào năm 2004 đã đánh dấu mốc quan trọng, đó là tạo lập hành lang pháp lý thống nhất cho các hoạt động cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường, đặc biệt luật này đã trở thành một công cụ quan trọng để nhà nước kiểm soát các hành vi có tính chất phản cạnh tranh.
Tuy nhiên, sau hơn 12 năm có luật thì các điều kiện kinh tế - xã hội cũng như môi trường pháp lý và xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế, Luật Cạnh tranh năm 2004 đã bộc lộ những hạn chế, bất cập. Chính vì vậy, Dự án Luật Cạnh tranh sửa đổi đã được đưa vào chương trình sửa đổi của Quốc hội và đã được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 5.
So với Luật Cạnh tranh năm 2004, luật cạnh tranh mới đã được xây dựng trên cơ sở kết hợp chặt chẽ giữa tư duy kinh tế với tư duy pháp lý. Trong đó có nhấn mạnh mục tiêu tăng cường hiệu quả thực thi và có những điểm sửa đổi, bổ sung rất quan trọng trên tinh thần tôn trọng tối đa quyền tự do kinh doanh của các doanh nghiệp, tôn trọng các hoạt động bình thường của doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường, nhưng có sự quản lý phù hợp để đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh và chỉ để bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh.
Ông Khánh nêu ra một số điểm mới của Luật Cạnh tranh 2018.
Thứ nhất, mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng. Luật quy định điều chỉnh cả hành vi hạn chế cạnh tranh và tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đến thị trường của Việt Nam, bất kể hành vi này được thực hiện ở trong hay ngoài lãnh thổ Việt Nam.
Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh nhằm một số mục tiêu như tạo ra hành lang pháp lý để có thể điều tra và xử lý toàn diện mọi hành vi hạn chế cạnh tranh, nếu có tác động hay có khả năng gây tác động tiêu cực đến môi trường cạnh tranh tại Việt Nam, thì đây sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để chúng ta có thể xử lý.
Tiếp đến là tạo ra cơ sở pháp lý để cơ quan cạnh tranh của Việt Nam có thể hợp tác với các cơ quan cạnh tranh của các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới trong quá trình điều tra, xử lý các vụ việc hạn chế cạnh tranh, tạo điều kiện thực thi các cam kết về cạnh tranh mà Việt Nam đã đưa ra trong các hiệp định thương mại. Luật mới cũng quy định bổ sung đối tượng áp dụng nhằm bao quát mọi chủ thể có thể thực hiện hành vi vi phạm luật cạnh tranh.
Thứ hai, luật đã sửa đổi, bổ sung và làm rõ những hành vi bị cấm đối với cơ quan nhà nước. Đây là điểm kế thừa của Luật Cạnh tranh năm 2004, tuy nhiên luật có sửa đổi, bổ sung hành vi bị cấm đối với cơ quan nhà nước. Theo đó, cơ quan nhà nước bị nghiêm cấm thực hiện một số hành vi gây cản trở cạnh tranh trên thị trường.
Quy định này hết sức cần thiết, bởi vì quyền lực nhà nước được trao cho các cơ quan là quyền lực hết sức đặc biệt và cơ quan nhà nước có khả năng lạm dụng các quyền này để thực hiện các hành vi gây cản trở cạnh tranh trên thị trường. Cơ quan nhà nước là một chủ thể đặc thù có luật cạnh tranh, cho nên luật cạnh tranh đã dành riêng một quy định, điều khoản điều chỉnh hoạt động của cơ quan nhà nước.
Thứ ba, hoàn thiện quy định kiểm soát thỏa thuận hạn chế cạnh tranh và bổ sung quy định về chính sách khoan hồng để tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật cạnh tranh. Quy định kiểm soát thỏa thuận hạn chế cạnh tranh đã được sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện theo hướng mở rộng và thay đổi cách quy định. Trước đây chúng ta cấm các hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh dựa trên một số tiêu chí, ví dụ dựa trên mức thị phần kết hợp giữa các doanh nghiệp tham gia khi cạnh tranh, thì luật cạnh tranh lần này quy định các tiêu chí đánh giá tác động hoặc khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh. Bên cạnh đó, điểm mới của luật cũng đưa ra quy định chính sách khoan hồng để tăng cường khả năng phát hiện điều tra các hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh hiện đang có xu hướng ngầm hóa.
Thứ tư, bổ sung tiêu chí xác định sức mạnh thị trường đáng kể để làm cơ sở xác định doanh nghiệp và nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường. Luật quy định bổ sung thêm yếu tố khác ngoài yếu tố thị phần để xác định doanh nghiệp và nhóm doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường. Điều này phù hợp để bảo đảm và xác định chính xác sức mạnh thị trường của doanh nghiệp và phản ánh đúng thực lực cạnh tranh trên thị trường của doanh nghiệp.
Thứ năm, thay đổi căn bản cách tiếp cận để hoàn thiện các quy định kiểm soát tập trung kinh tế. Cách tiếp cận tập trung kinh tế trong luật lần này có sự thay đổi hết sức căn bản. Theo đó, tập trung kinh tế được coi là quyền của doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh. Luật không quy định cấm tập trung kinh tế một cách cứng nhắc dựa trên mức thị phần kết hợp như trước đây. Trước đây nếu 2 doanh nghiệp tập trung kinh tế như sáp nhập lại và có mức thị phần chiếm trên 50% thì bị cấm. Nhưng luật mới tôn trọng quyền tự do kinh doanh của các doanh nghiệp, coi hoạt động sáp nhập, mua lại doanh nghiệp là hoạt động tự nhiên trên thị trường.
Tuy nhiên, sẽ trao trách nhiệm cho ủy ban cạnh tranh xem xét, đánh giá tác động hạn chế cạnh tranh. Nếu gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể, khi đó sẽ có những biện pháp phù hợp để lập lại môi trường cạnh tranh trên thị trường, còn nếu gây tác động tích cực hoặc tác động tích cực lớn hơn rất nhiều so với tác động tiêu cực thì được phép tập trung kinh tế.
Với quy định như vậy, luật đã thể hiện quan điểm tiến bộ là tôn trọng và cho phép doanh nghiệp được quyền thông qua hoạt động tập trung kinh tế để phát triển kinh doanh và phát triển doanh nghiệp. Nhà nước chỉ thực hiện quyền kiểm soát bằng pháp luật để bảo đảm rằng việc tập trung kinh tế này không gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường cạnh tranh, và chỉ can thiệp trong trường hợp tập trung kinh tế có nguy cơ gây tổn hại cho môi trường cạnh tranh quốc gia.
Thứ sáu, luật đã hoàn thiện quy định về kiểm soát hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, luật không tiếp tục quy định một số hành vi cạnh tranh không lành mạnh đã được quy định trong một số luật khác và khẳng định nguyên tắc các hành vi cạnh tranh không lành mạnh đã được quy định tại các luật khác được thực hiện theo pháp luật từng ngành đó.
Thứ bảy, tổ chức lại cơ quan cạnh tranh. Luật quy định thành lập cơ quan cạnh tranh quốc gia trên quan điểm tổ chức lại các cơ quan cạnh tranh trong Luật Cạnh tranh năm 2004, sáp nhập cơ quan quản lý cạnh tranh hiện nay là Cục cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng với Hội đồng cạnh tranh và Văn phòng Hội đồng cạnh tranh. Đây là điểm mới rất quan trọng nhằm tăng cường hiệu quả thực thi của cơ quan cạnh tranh.
Luật cũng quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia nhằm bảo đảm tính độc lập của cơ quan này. Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia là một cơ quan vừa thực thi quản lý nhà nước trong lĩnh vực cạnh tranh, nhưng cũng đồng thời thực thi tố tụng cạnh tranh. Có thể hiểu “nôm na” là cơ quan “bán tư pháp”, vừa quản lý nhà nước nhưng cũng có hoạt động tố tụng điều tra xử lý các vụ việc hạn chế cạnh tranh.
Về phần tố tụng, ông Khánh giải thích thêm, đây là phần được thực hiện hoàn toàn độc lập, các ủy viên tham gia vào hội đồng xử lý các vụ việc hạn chế cạnh tranh do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, khi thành lập hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh, các ủy viên này chỉ có một nhiệm vụ duy nhất là tuân thủ đúng theo pháp luật, không chịu sự chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương, cũng như không chịu sự chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia.
Thứ tám, luật đã hoàn thiện các quy định về trình tự thủ tục trong tố tụng cạnh tranh theo hướng đơn giản, nhiều hoạt động được rút ngắn thời gian và có sự phân định rõ hơn các khâu, cũng như trách nhiệm trong việc tiến hành tố tụng và xử lý các vụ việc hạn chế cạnh tranh.