Bức tranh như thơ như họa của Hồ Bản Viết, Cao Bằng đã làm nao lòng biết bao du khách. Một lần đặt chân đến đây sẽ chẳng muốn quay về.
>>Đắk Lắk phát triển sản phẩm du lịch sinh thái
Hồ Bản Viết là một trong những thắng cảnh đẹp nhất Cao Bằng nhưng không nhiều khách Du lịch Thác Bản Giốc Cao Bằng biết đến và ghé thăm. Đi từ thác Bản Giốc khoảng 3km du khách sẽ thấy một hồ nước ngọt nhân tạo rộng tới 5ha trong xanh giữa khung cảnh thiên nhiên yên bình Cao Bằng. Đến đây, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng một bức tranh thủy mặc đẹp mê hoặc mà còn được khám phá cuộc sống đầy thú vị của người dân miền cao.
Hồ Bản Viết Cao Bằng tọa lạc ở xóm Bản Viết, Tân Phong, Phong Châu, Cao Bằng. Theo những người dân nơi này kể lại, từ những năm 1976 hồ đã được cải tạo để điều tiết nước tưới tiêu cho đất canh tác nông nghiệp của các xóm phía Nam xã Phong Châu và các xóm ở vùng lân cận. Người ta chia hồ thành 4 nhánh lọt thỏm giữa núi rừng bao la, bát ngát. Với độ sâu 50m và dài hơn 6km, hệ sinh thái quanh hồ vô cùng đa dạng và phong phú đã tạo nên một bức tranh thiên nhiên sinh động, đầy màu sắc nhưng không kém phần nên thơ.
Từ trên những cung đường cao, du khách dễ dàng chọn được vị trí thuận lợi để có thể chiêm ngưỡng toàn cảnh hồ Bản Viết thơ mộng giữa núi rừng. Càng đến gần, vẻ đẹp ấy càng trở nên huyền ảo hơn nữa. Cảm giác vô cùng tuyệt vời khi xuôi thuyền theo dòng nước trôi lững lờ xanh ngọc bích, hít hà cái không khí trong lành khiến lòng người thêm lưu luyến và thêm yêu mến thiên nhiên và đất trời nơi này.
Theo nhiều khách du lịch thác Bản Giốc Cao Bằng kể lại, hồ Bản Viết lúc nào cũng đẹp nhưng đẹp nhất chính là vào buổi sáng. Khi ấy, sương lãng đãng phủ kín mặt hồ đầy huyền ảo, khiến người ta hư hư thực thực, tưởng chừng như lạc vào cõi tiên. Còn một khoảnh khắc tuyệt đẹp tại hồ Bản Viết Cao Bằng mà bạn không nên bỏ lỡ chính là hoàng hôn yên bình. Khi ánh chiều tà soi rọi xuống mặt hồ, toàn bộ không gian trở nên lung linh và rực rỡ. Du khách có thể thưởng ngoạn vẻ đẹp như thơ như họa bằng xe ô tô tự lái hoặc xe máy xuyên qua cánh rừng khùng khánh bạt ngàn lá phong vào sáng sớm hoặc hoàng hôn.
>>Du lịch nông thôn mang bản sắc văn hóa Việt
Thời điểm này đến với Bản Viết sẽ cảm nhận được cái tiết trời mát mẻ đầy dễ chịu, xua tan đi cái nằng hè oi ả nơi phố thị. Nhưng thời điểm cuối thu đầu đông mới là thời điểm đẹp nhất của Bản Viết. Bởi thời điểm này cũng là lúc thiên nhiên hồ Bản Viết thay màu áo mới du khách sẽ có những tấm hình checkin vô cùng ấn tượng như giữa trởi Âu khi những tán cây xanh xì bắt đầu chuyển sang sắc đỏ vàng, khiến khung cảnh trở nên thơ mộng chẳng khác nào trong truyện cổ tích.
Nằm ẩn sâu giữa rừng núi hùng vĩ, hồ nước mang một nét đẹp rất yên bình, êm đềm, là địa điểm lý tưởng để du khách trải nghiệm các hoạt động dã ngoại, cắm trại, trekking.
Phía xung quanh hồ Bản Viết là những ngôi làng, bản nhỏ của người dân tộc Tày và Nùng. Họ sống một cuộc sống bình yên với công việc làm nông là chủ yếu. Hồ Bản Viết cũng là nguồn nước sinh hoạt hàng ngày và chủ yếu của người dân nơi đây. Vì vậy, đến với hồ Bản Viết Cao Bằng du khách không chỉ có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp tiên cảnh của hồ Bản Viết, mà còn có cơ hội khám phá cuộc sống thường nhật của người dân vùng cao.
Nhiều du khách chọn đi bộ, len lỏi trong cánh rừng lắng nghe tiếng chim hót, hít hà mùi hương của cỏ cây, tận hưởng bầu không khí trong lành của thiên nhiên. Thăm thú các bản làng và khám phá những ngôi nhà sàn của người dân sống bên hồ; tìm hiểu văn hóa bản địa và cuộc sống bình dị, mộc mạc của những con người nơi đây…
Cô gái Tày Bùi Thu Hoài - người sáng lập kênh TikTok Caobangreview chia sẻ, cô muốn mang đến mọi người những hình ảnh về một Cao Bằng rất khác, không chỉ là đến ngắm những nơi nổi tiếng quá quen thuộc như Pác Bó, Bản Giốc, mà còn khám phá những thắng cảnh ít người biết, thưởng thức đặc sản địa phương, tìm hiểu cuộc sống của đồng bào các dân tộc tỉnh Cao Bằng.
Với giọng kể gần gũi, hình ảnh video chân thực, TikToker Bùi Thu Hoài đã đưa người xem đi khắp Cao Bằng cùng những trải nghiệm độc đáo, lạ lùng, như vào rừng nhặt hạt dẻ ở Chí Viễn (huyện Trùng Khánh), cắm trại qua đêm ở núi Mắt Thần (huyện Trà Lĩnh), thăm làng nghề làm hương Phia Thắp (huyện Quảng Uyên), thám hiểm hố sụt Ngũ Lão (huyện Hòa An), chinh phục đèo 15 tầng Khau Cốc Chà và chợ phiên Bảo Lạc (huyện Bảo Lạc)... Thiên nhiên, con người vùng Ðông Bắc hiện lên mộc mạc mà thi vị, đầy màu sắc.
Đồng thời cô cũng là một hướng dẫn viên quen thuộc của du khách trong nước và quốc tế khi đến với Cao Bằng trong các hoạt động dã ngoại trong vườn dẻ cổ thụ và chế biến hạt dẻ tại chỗ, tham quan trang trại dâu tây hoặc vườn hoa cẩm tú cầu, chạm vào băng tuyết trên đỉnh núi Phia Oắc... bên cạnh đó, cô đã nỗ lực nâng cao chất lượng các tour trải nghiệm, đồng thời phát triển nội dung về nông sản và nghề thủ công truyền thống của Cao Bằng để tìm thị trường tiêu thụ rộng hơn, như các sản phẩm cơm lam, miến dong, lạp sườn, đường phên, hay dệt thổ cẩm, làm nón và chiếu cói...
Cô khẳng định, Du lịch bền vững là du lịch gắn liền với cộng đồng. Mỗi người đều có thể là một hướng dẫn viên, một người truyền cảm hứng du lịch Cao Bằng, góp phần giúp bà con phát triển kinh tế từ du lịch.
Có thể bạn quan tâm
Liên kết địa phương tạo nội lực đưa du lịch phát triển bền vững
00:10, 06/05/2023
Quảng Ninh: Tăng cường chuyển đổi số trong du lịch để phát triển bền vững
00:06, 06/05/2023
Quảng Ninh: Doanh nghiệp du lịch vận hành trên nền tảng số
22:50, 05/05/2023
Thúc đẩy ngành du lịch với thẻ Du lịch Quốc gia
20:54, 05/05/2023
Vân Đồn, Đảo Phú Quý đón lượng khách du lịch cao kỷ lục dịp nghỉ lễ 30/4-1/5
09:00, 05/05/2023