Mô hình ngân hàng liên kết trong thời đại số

THS. NGUYỄN HOÀNG NAM 04/08/2023 11:20

Thời đại công nghệ số mở ra những cạnh tranh ngành nghề trong các tổ chức định chế tài chính.

>>>Kiểm soát chất lượng Bancassurance: Áp chỉ số như phân loại nợ xấu

Tuy là "bình cũ" nhưng mô hình ngân hàng liên kết trên thị trường đang được rót vào những loại "rượu mới".

"Bình cũ rượu mới" trong thời đại số

Mô hình ngân hàng liên kết là mô hình liên kết kinh doanh giữa ngân hàng và các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động ở những lĩnh vực khác nhau. Nằm trong chuỗi ngành tài chính, mô hình ngân hàng liên kết gắn liền giữa 4 lĩnh vực trụ cột: ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm và bất động sản.

ngân hàng

Sự liên kết của các ngân hàng đang mang lại những biến đổi tích cực trong công cuộc chuyển đổi số để thích ứng với thời đại mới. Ảnh minh họa

Theo dữ liệu thống kê thống kê từ Social Listening (Social monitoring) của Reputa -một ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong việc giám sát hoạt động truyền thông trên không gian mạng, sự liên kết của các ngân hàng đang mang lại những biến đổi tích cực trong công cuộc chuyển đổi số để thích ứng với thời đại mới. Trong đó, mô hình ngân hàng liên kết được thực hiện kết hợp ứng dụng giao dịch chứng khoán, ngân hàng liên kết bảo hiểm (Bancassurance) hay ngân hàng tư vấn phát hành trái phiếu. Ngoài ra, ngân hàng còn có sự kết hợp với các mô hình gọi vốn, đơn cử như gọi vốn cộng đồng và cho vay ngang hàng được triển khai dưới mô hình tài chính thay thế, còn khá mới tại Việt Nam và nhiều tiềm năng trong thời gian tới.

Hiện nay, mô hình ngân hàng có thể được phân chia làm 2 loại: tự thân liên kết và hợp tác liên kết. Tự thân liên kết là việc xây dựng hệ sinh thái ngân hàng mẹ - doanh nghiệp con với tư cách là các công ty liên doanh, liên kết trực thuộc ngân hàng mẹ, phổ biến là mô hình liên kết ngân hàng với lĩnh vực chứng khoán. Một số ngân hàng tự thân liên kết có thể kể đến như: Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) liên kết với Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS); Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) liên kết với Công ty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS) hay Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) liên kết với Công ty CP Chứng khoán Kỹ thương (TCBS),... Các ngân hàng trên đều xây dựng một hệ sinh thái liên kết với các công ty con, công ty liên kết trong lĩnh vực chứng khoán, tuân thủ theo quy định trong Luật các tổ chức tín dụng 2010 và Luật chứng khoán 2019.

Còn mô hình hợp tác liên kết là thỏa thuận giữa các bên dưới hình thức ký kết văn bản hợp tác chiến lược, đơn cử như thỏa thuận hợp tác độc quyền phân phối sản phẩm bảo hiểm nhân thọ trong thời hạn 15 năm tại Việt Nam giữa ACB liên kết với Công Ty TNHH Bảo Hiểm Nhân Thọ Sun Life Việt Nam kể từ năm 2020; thỏa thuận phân phối độc quyền sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư giữa Vietcombank và Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ FWD Việt Nam (FWD), hợp tác độc quyền có thời hạn 15 năm kể từ năm 2019.

Bên cạnh đó, một mô hình liên kết khác nhằm mở rộng giao dịch tài chính cho xã hội đó là mô hình đại lý ngân hàng. Về bản chất, nguyên tắc tổ chức và giới hạn hoạt động của những đại lý ngân hàng dựa trên nội dung ủy quyền, nhưng vẫn nằm trong sự quản lý, giám sát của ngân hàng. Do đó, mô hình đại lý ngân hàng là cánh tay nối dài của ngành ngân hàng, được Viện chiến lược ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đưa vào nghiên cứu và thí điểm từng bước từ những năm 2012 thông qua nhiều hoạt động như: Thanh toán không dùng tiền mặt theo Nghị định số 101/2012/NĐ-CP, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính cho người dân nông thôn, vùng sâu, vùng xa theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, Đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế theo Quyết định số 1726/QĐ-TTg, Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định số 1813/QĐ-TTg,…

>>>Fintech: Phần tất yếu trong quá trình đổi mới sáng tạo

Trên thực tế, nhiều mô hình đại lý ngân hàng được triển khai, tiêu biểu là vào năm 2010, mô hình phối hợp giữa Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) với Viettel để mở rộng tiếp thị và kết nối các dịch vụ ngân hàng hiện đại qua 3 gói dịch vụ Bank Plus, bao gồm: tài khoản Bankplus, thẻ Bankplus, Mobile Bankplus hay mô hình thí điểm giữa Vietcombank với Công ty CP Dịch vụ Di động Trực tuyến (M_Sevice) triển khai dịch vụ thanh toán ví điện tử MoMo trực tuyến từ năm 2011.

Nhiều cơ hội, lắm thách thức với những rủi ro tiềm ẩn

Quan điểm ngân hàng chỉ hoạt động như một tổ chức tín dụng đơn thuần đã không còn phù hợp. Trong môi trường hội nhập toàn cầu, ngân hàng không chỉ là kênh trung gian cho vay giữa các bên, mà còn thúc đẩy các sản phẩm liên kết như bảo hiểm, chứng khoán và bất động sản. Điều này mang lại lợi ích cho cả 3 bên: bên liên kết, bên được liên kết và người tiêu dùng.

Tính đến đầu năm 2023, tỷ lệ liên kết với ngân hàng chiếm tới hơn 90% số lượng các công ty Fintech. Ảnh minh họa

Tính đến đầu năm 2023, tỷ lệ liên kết với ngân hàng chiếm tới hơn 90% số lượng các công ty Fintech. Ảnh minh họa

Đối với ngân hàng, mô hình liên kết ngân hàng giúp ngân hàng đa dạng hoá sản phẩm, tận dụng nguồn lực sẵn có để tối ưu nguồn thu cho tổ chức. Đối với bên được liên kết, với những sản phẩm tiềm năng, các bên liên kết sẽ giới thiệu sản phẩm đến với khách hàng thông qua kênh ngân hàng. Ở chiều ngược lại, những khách hàng có nhu cầu phân bổ tài chính vào nhiều kênh khác nhau cũng có thể nhận tư vấn từ nhân viên của bên được liên kết. Đối với khách hàng, bằng việc tạo ra chuỗi liên kết tài chính, khách hàng dễ dàng tiếp cận sản phẩm ở nhiều nơi, có thêm ưu đãi khi tham gia các sản phẩm kết hợp và cân nhắc nhiều lựa chọn phức hợp: Ngân hàng và Bảo hiểm, Ngân hàng và Chứng khoán, Ngân hàng và Bất động sản.

Năm 2017, công nghệ tài chính (Fintech) bắt đầu xuất hiện tại nước ta, nhiều doanh nghiệp (kể cả doanh nghiệp khởi nghiệp) được thành lập trong lĩnh vực này và đang dần phát triển. Tính đến đầu năm 2023, tỷ lệ liên kết với ngân hàng chiếm tới hơn 90% số lượng các công ty Fintech. Để kiểm soát những thách thức về sự phát triển của công nghệ số ở khía cạnh bảo mật và mức độ an toàn của ngân hàng, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 100 NQ-CP về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng và đang trong tiến trình lấy ý kiến cho dự thảo Nghị định liên quan. Tuy nhiên, khung pháp lý về cơ chế Sandbox tại Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu kiểm soát rủi ro trong hệ thống tài chính ngân hàng nói chung và mô hình ngân hàng liên kết nói riêng.

Trong thời đại số, các hoạt động trên được thực hiện từ xa thông qua mạng viễn thông, ứng dụng trực tuyến, mạng xã hội hay thậm chí là phần mềm trí tuệ nhân tạo như robot, thiết bị AI,… Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro trong hệ thống hoạt động giao dịch và tư vấn, liên quan đến vấn đề pháp lý. Cụ thể, nhân viên ngân hàng bán bảo hiểm, tư vấn, giới thiệu chứng khoán hay hỗ trợ giao dịch bất động sản cũng cần nắm rõ thông tin sản phẩm, tư vấn chính xác và đầy đủ để hạn chế rủi ro cho người tham gia. Bên cạnh đó, tôn trọng quyền lựa chọn của khách hàng, không lợi dụng hay xúi giục người thân, bạn bè tham gia với động cơ sinh lời cá nhân, bỏ mặc những hậu quả phát sinh sau này.

Chính vì vậy, các ngân hàng cần xây dựng hệ thống giao dịch trực tuyến thuận lợi cho khách hàng, cũng như nâng cao chất lượng đội ngũ nhân viên tư vấn, tập trung cải thiện trình độ, đề cao đạo đức nghề nghiệp và tinh thần cống hiến, vừa hiệu quả trong công việc, vừa mang lại sự an toàn, tin cậy cho khách hàng.

Có thể bạn quan tâm

  • VCCI: Quy định tỷ lệ sở hữu tối đa ngân hàng không thực sự phát huy tác dụng

    VCCI: Quy định tỷ lệ sở hữu tối đa ngân hàng không thực sự phát huy tác dụng

    11:00, 03/08/2023

  • Câu trả lời của ngân hàng Việt trước yêu cầu 20 tỷ USD

    Câu trả lời của ngân hàng Việt trước yêu cầu 20 tỷ USD

    16:31, 02/08/2023

  • Lợi nhuận ngân hàng tiếp tục bị giảm tốc bởi tăng trưởng tín dụng

    Lợi nhuận ngân hàng tiếp tục bị giảm tốc bởi tăng trưởng tín dụng

    12:00, 01/08/2023

  • KQKD ngân hàng quý II và 6 tháng/2023: Phân hóa lợi nhuận

    KQKD ngân hàng quý II và 6 tháng/2023: Phân hóa lợi nhuận

    05:30, 31/07/2023

  • KQKD ngân hàng quý 2/2023: Nhóm Big 3

    KQKD ngân hàng quý 2/2023: Nhóm Big 3 "gánh" tăng trưởng lợi nhuận

    12:42, 30/07/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Mô hình ngân hàng liên kết trong thời đại số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO