Mỹ “sẽ chưa có hành động cụ thể nào với Việt Nam ” liên quan đến cáo buộc thao túng tiền tệ

Diendandoanhnghiep.vn Đại diện Thương mại Hoa Kỳ tuyên bố hiện không thực hiện bất kỳ hành động cụ thể nào liên quan đến các phát hiện về cáo buộc thao túng tiền tệ, nhưng sẽ tiếp tục đánh giá tất cả các tiêu chí sẵn có.

Liên quan đến việc Việt Nam bị Mỹ gắn mác thao túng tiền tệ theo Mục 301, mới đây, đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR), ông Robert E. Lighthizer đã đưa ra tuyên bố: Các hành vi, chính sách và thực tiễn của Việt Nam bao gồm cả việc can thiệp quá mức vào thị trường ngoại hối và các hành động liên quan khác, xét trong tổng thể là không hợp lý, gây gánh nặng và hạn chế thương mại đối với Hoa Kỳ, góp phần vào việc định giá thấp tiền tệ gây hại cho người lao động và doanh nghiệp Hoa Kỳ và cần phải được giải quyết.

Ông Robert E. Lighthizer, đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR)

Ông Robert E. Lighthizer, đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR)

 “Tôi hy vọng, Hoa Kỳ và Việt Nam có thể tìm ra con đường giải quyết các mối quan tâm của chúng tôi. Tuy nhiên, USTR hiện không thực hiện bất kỳ hành động cụ thể nào liên quan đến các phát hiện, nhưng sẽ tiếp tục đánh giá tất cả các tiêu chí sẵn ”, ông Robert E. Lighthizer khẳng định.

Trước đó, tại Báo cáo tháng 12/2020, theo Đạo luật Cạnh tranh và thương mại quốc tế Omnibus năm 1988, Việt Nam (cùng với Thuỵ Sỹ) đáp ứng 3 tiêu chí và bị Bộ Tài chính Mỹ xác định là thao túng tiền tệ.

Theo quy định của Đạo luật Xúc tiến và tăng cường thương mại năm 2015 của Hoa Kỳ, Bộ Tài chính Hoa Kỳ cần thực hiện phân tích nâng cao về chính sách tỷ giá và kinh tế đối ngoại của các đối tác thương mại lớn thỏa mãn các tiêu chí về thặng dự thương mại song phương với Hoa Kỳ, thặng dư cán cân vãng lai và can thiệp ngoại tệ.

Các tiêu chí này được lượng hóa cụ thể như sau: (i) Thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Hoa Kỳ ít nhất 20 tỷ USD; (ii) Thặng dư cán cân vãng lai tương đương ít nhất 2% GDP; (iii) Can thiệp một chiều và kéo dài trên thị trường ngoại tệ, thể hiện qua việc mua ròng ngoại tệ trong ít nhất 6 tháng trên giai đoạn 12 tháng với tổng lượng ngoại tệ mua ròng tương đương ít nhất 2% GDP trong giai đoạn 12 tháng.

Ngay sau đó, Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định việc điều hành tỷ giá những năm qua – trong khuôn khổ chính sách tiền tệ chung - nhằm thực hiện mục tiêu nhất quán là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng. Thặng dư thương mại song phương với Hoa Kỳ và thặng dư cán cân vãng lai là kết quả của hàng loạt các yếu tố liên quan tới các đặc thù của nền kinh tế Việt Nam.

Việc NHNN mua ngoại tệ can thiệp thời gian qua nhằm đảm bảo hoạt động thông suốt của thị trường ngoại tệ trong bối cảnh nguồn cung ngoại tệ dồi dào, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời củng cố Dự trữ ngoại hối Nhà nước vốn ở mức thấp so với các nước trong khu vực để tăng cường an ninh tài chính tiền tệ quốc gia.

Đồng thời, hồi cuối tháng 12/2020, trong cuộc điện đàm giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với Tổng thống Mỹ Donald Trump, Thủ tướng Chính phủ cũng khẳng định Việt Nam là nước đang phát triển, tiềm lực kinh tế còn hạn chế, điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, điều hành tỷ giá không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp, Tiến Sĩ Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) cho biết, việc Mỹ gắn mác thao túng tiền tệ với Việt Nam là do 3 chỉ số của Việt Nam đã đáp ứng các tiêu chí theo quy định của Mỹ về thao túng tiền tệ. Quy định của Mỹ đặt ra là để áp dụng chung cho tất cả các đối tác thương mại với quốc gia này, vì vậy sẽ không thể có một bộ chỉ số riêng nào cho từng quốc gia.

TS Nguyễn Đức Độ cũng nhận định: Phía Mỹ có thể sẽ không gây áp lực với Việt Nam về vấn đề này, bởi lẽ, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung khiến kinh tế giữa 2 nước trở nên căng thẳng. Mục tiêu mà Mỹ muốn hướng đến là Trung Quốc chứ không phải Việt Nam hay một nước thứ 3 nào. Về tổng cung – cầu trên toàn thế giới là một định lượng không thay đổi, các doanh nghiệp Trung Quốc bị áp thuế dẫn đến “bỏ rơi” thị trường Mỹ làm giảm nhập siêu hàng hoá của Trung Quốc vào Mỹ, vậy thị trường này sẽ được chuyển sang Việt Nam hay Indonesia hoặc các quốc gia khác.

"Việc Việt Nam tăng cường xuất siêu sẽ là điều dễ hiểu trong trường hợp này. Đồng thời, trong giai đoạn tới, khi nền kinh tế phục hồi trở lại, Ngân hàng nhà nước sẽ giảm được áp lực mua ngoại tệ để ổn định tỷ giá. Vấn đề này sẽ không ảnh hưởng quá lớn đến quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ", vị Tiến sĩ nhận định.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Mỹ “sẽ chưa có hành động cụ thể nào với Việt Nam ” liên quan đến cáo buộc thao túng tiền tệ tại chuyên mục DIỄN ĐÀN TÀI CHÍNH của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1713528506 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1713528506 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10