Nam Định: Doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản lao đao

Lan Vũ 14/11/2019 05:00

Người nuôi và các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản Nam Định lao đao từ khi Trung Quốc “đóng biên”.

Nam Định là địa phương có tiềm năng phát triển kinh tế biển, trong đó ngao, cá bống bớp, tép moi… là những mặt hàng thủy sản chủ lực. Ngoài tiêu thụ nội địa các sản phẩm này còn được xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Tuy nhiên, từ khi Trung Quốc siết chặt chính sách biên mậu, người nuôi và các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản gặp rất nhiều khó khăn. Người nuôi phải giảm diện tích nuôi, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu phải giảm số lượng thu mua.

Thị trường tiềm năng sang Trung Quốc bị siết chặt, ngày càng khó khăn nên ông Sơn và một số chủ cơ sở khác đành phải phát triển thị trường tiêu thụ nội địa

Thị trường Trung Quốc bị siết chặt, ông Sơn và một số chủ cơ sở khác đành phải phát triển thị trường tiêu thụ nội địa (Ảnh: Mai Chiến)

Anh Nguyễn Như Ngọc (xã Nam Điền, Nghĩa Hưng) có 6 ao nuôi cá bống bớp (rộng 1ha) nhưng thời điểm này có 3 ao đang được tháo cạn. Bởi, từ năm 2019 giá cá bống bớp giảm sâu, chỉ còn 170.000 – 200.000 đồng/kg. Trong khi, giá thành sản xuất 1kg cá bống bớp rơi vào khoảng 200.000 đồng, mà nuôi hơn 1 năm mới được thu hoạch. Càng nuôi càng lỗ, nhiều chủ ao phải giảm diện tích nuôi hoặc chuyển sang nuôi con khác có thể tiêu thụ nội địa tốt, không phụ thuộc vào biến động của thị trường nước ngoài – anh Ngọc cho biết.

Theo báo cáo, cá bống bớp là con nuôi chủ lực của huyện Nghĩa Hưng, giai đoạn 2015 - 2017, toàn huyện Nghĩa Hưng có hơn 400 ha mặt nước nuôi cá bống bớp, sản lượng bình quân khoảng 1.200 – 1.300 tấn. Nhưng đến năm 2019, diện tích nuôi chỉ còn khoảng 200 ha.

Đầu ra cho cá bống bớp thương phẩm gặp khó, nhiều chủ ao giảm diện tích nuôi cho nên các cơ sở ương nuôi cá giống cũng chật vật không kém. Đơn cử, gia đình ông Nguyễn Văn Sơn (Thị trấn Rạng Đông, Nghĩa Hưng) có 150 bể và 40 ao ương nuôi nhưng 2/3 bể đã phải dừng nhiều tháng nay.

đến năm 2019, diện tích nuôi cá bống bớp chỉ còn khoảng 200 ha

Đến năm 2019, diện tích nuôi cá bống bớp huyện Nghĩa Hưng chỉ còn khoảng 200 ha thay vì 400 ha giai đoạn 2015 - 2017 (Ảnh: Mai Chiến)

"Nếu năm 2018, cá bống bớp giống có giá 5.000 – 6.000 đồng/con thì nay chỉ còn 3.000 đồng/con (giảm 50%). Giá đã giảm sâu nhưng cũng không bán được bởi đầu ra hạn chế nên người nuôi không mặn mà" – ông Sơn chia sẻ.

Ngoài sản xuất cá giống, ông Sơn còn liên kết với khoảng 300 hộ nuôi cá bống bớp để xuất khẩu sang Trung Quốc. Nhưng từ khi nước này siết chặt hoạt động thương mại theo đường tiểu ngạch, mỗi ngày ông chỉ xuất bán được khoảng 400 – 500kg (trước đó là  2 – 3 tấn/ngày). Tắc đầu ra, ông Sơn buộc phải giảm thu mua cá của các hộ nuôi từ 40 – 50 tấn/tháng xuống còn 10 – 15 tấn/tháng. Số hàng này chủ yếu được bán tại thị trường nội địa.

Không chỉ riêng hộ ông Sơn, tại Nam Định các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản như: Thành Vui, Chính Vui, Hùng Vương, Sơn Nguyệt… đều đang gặp nhiều khó khăn trong việc đáp ứng điều kiện để xuất khẩu thủy sản qua thị trường Trung Quốc.

Trước đây, mỗi ngày Công ty kinh doanh hải sản Thành Vui (huyện Hải Hậu) xuất khẩu 20 – 30 tấn hải sản (chủ yếu là cá thu, cá đao) qua đường tiểu ngạch. Nhưng từ cuối năm 2018, các mặt hàng này đều không thể thông quan được qua biên giới vì chưa có trong danh mục được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc.

Ông Đỗ Văn Thành – Giám đốc Công ty Thành Vui cho biết, công ty được đầu tư xây dựng cảng và quản lý rất chặt chẽ. Ngay sau khi tàu khai thác cập cảng, cá được đưa vào kho lạnh tại chỗ để bảo quản. Tất cả các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, quy cách đóng gói, bao bì sản phẩm và tem nhãn, đảm bảo an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, có nhiều thủ tục ngoài phạm vi quyền hạn và khả năng của doanh nghiệp. Đó là mặt hàng cá thu, cá đao chưa có trong danh mục được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc.

Được biết, Công ty Thành Vui có 7 kho lạnh, công suất trữ khoảng 500 tấn nhưng thời điểm này hàng ứ đọng khoảng 400 tấn. Vì vậy, công ty đã phải cắt thu mua của 3 tàu khai thác.

Có thể bạn quan tâm

  • Nam Định: Phập phù nghề thổi thuỷ tinh Xối Chì

    Nam Định: Phập phù nghề thổi thuỷ tinh Xối Chì

    13:16, 28/08/2019

  • Nam Định:br class=

    Nam Định: Dự án bệnh viện gần nghìn tỷ hoang hóa.

    21:41, 24/07/2019

  • Nam Định :br class=

    Nam Định : Khu công nghiệp Mỹ Trung “ đất vàng” để hoang phí

    01:05, 07/07/2019

Theo ông Trần Xuân Lại - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Chất lượng nông lâm thủy sản Nam Định, để xuất được chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp Nam Định phải đáp ứng được các yêu cầu của thị trường này. Tuy nhiên, hầu hết các sản phẩm thủy sản của Nam Định đều chưa nằm trong danh mục xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Do đó, từ khi Trung Quốc siết chặt chính sách biên mậu, người dân và doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sẳn gặp bế tắc đầu ra.

Trước tình hình trên, Sở Nông nghiệp Nam Định đã tập trung tháp gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và các hộ nuôi, như hướng dẫn doanh nghiệp đi học các lớp tập huấn, quy hoạch lại vùng nuôi theo hướng an toàn, VietGAP, xây dựng thương hiệu, cơ sở sản xuất, chế biến theo tiêu chuẩn HACCP, thậm chí sang Trung Quốc nắm bắt thị trường, tình hình thực tế. Nhưng đối với từng khâu cụ thể để giải quyết khó khăn thì còn rất nhiều vướng mắc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nam Định: Doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản lao đao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO