Đại hội đại biểu toàn quốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam lần thứ VII, nhiệm kỳ 2021 – 2026 đã nhất trí thông qua Nghị quyết của Đại hội.
>>Thủ tướng: Sinh khí mới cho Doanh nghiệp vững mạnh - Quốc gia hùng cường, thịnh vượng
Cụ thể, Đại hội tán thành những nội dung cơ bản của Báo cáo tổng kết công tác khoá VI, nhiệm kỳ 2015 – 2020 và phương hướng, nhiệm vụ công tác khoá VII, nhiệm kỳ 2021 – 2026 do Ban Chấp hành khóa VI trình Đại hội.
Đánh giá kết quả công tác nhiệm kỳ 2015 – 2020
Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, VCCI đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ công tác chủ yếu Đại hội VCCI lần thứ VI đề ra và những nhiệm vụ khác được Đảng, Nhà nước giao. Các hoạt động chính của VCCI như xây dựng pháp luật, chính sách, cải thiện môi trường kinh doanh, xúc tiến thương mại – đầu tư, đào tạo, tư vấn, cung cấp thông tin cho doanh nghiệp,… đã được đẩy mạnh, tăng 20% so với nhiệm kỳ trước, đạt mức độ tăng trưởng bình quân 7,5%/năm.
Các mặt công tác được triển khai toàn diện và chất lượng được nâng cao theo hướng chuyên nghiệp hóa. Vai trò của VCCI trong tham gia xây dựng thể chế, chính sách pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính ngày càng được khẳng định và đề cao.
VCCI đã chú trọng tăng cường tính liên kết và nâng cao năng lực của các hiệp hội, cơ bản hoàn thành việc thành lập và triển khai hoạt động của các hiệp hội doanh nghiệp cấp tỉnh; phát huy chức năng đại diện cho người sử dụng lao động… Vị thế, uy tín của VCCI được nâng cao ở trong nước và quốc tế.
Tuy nhiên, hoạt động của VCCI trong nhiệm kỳ còn bộc lộ một số khuyết điểm và hạn chế, trong đó những hạn chế cơ bản là: Hoạt động hỗ trợ và liên kết các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp còn hạn chế, Công tác phát triển và phục vụ doanh nghiệp hội viên chưa theo kịp sự phát triển và yêu cầu ngày càng cao của cộng đồng doanh nghiệp; Chưa thực hiện được nhiều hoạt động hỗ trợ xây dựng văn hóa doanh nghiệp và bản sắc văn hóa riêng của doanh nhân Việt Nam, nhất là nội dung xây dựng chuẩn mực đạo đức và văn hóa kinh doanh của doanh nghiệp, doanh nhân; Tổ chức bộ máy, phương thức hoạt động của VCCI còn một số tồn tại, hạn chế. Chưa phát huy hết nguồn lực con người, hệ thống tổ chức và cơ sở vật chất kỹ thuật của VCCI.
Phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ công tác nhiệm kỳ 2021 – 2026
Phương hướng, mục tiêu
Với quan điểm định hướng hoạt động của VCCI phải đồng bộ với định hướng phát triển của đất nước, tầm nhìn của VCCI là: Doanh nghiệp vững mạnh – Quốc gia hùng cường, thịnh vượng. Sứ mệnh của VCCI là liên kết, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp bền vững, văn minh, hội nhập và ngang tầm thế giới, cùng phấn đấu xây dựng Việt Nam đến năm 2045 trở thành quốc gia phát triển, phồn vinh, hạnh phúc.
Phương hướng hoạt động của VCCI nhiệm kỳ tới là: (1) Thúc đẩy xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi; (2) Tiên phong xây dựng văn hoá kinh doanh Việt Nam; (3) Tăng cường vai trò của VCCI trong liên kết liên ngành, liên kết theo chuỗi giá trị, liên kết vùng; (4) Phát huy tinh thần đoàn kết, đẩy mạnh kết nối và phát triển hiệp hội doanh nghiệp; (5) Thúc đẩy thực hiện chuyển đổi số thực chất và toàn diện trong doanh nghiệp; (6) Tăng cường vai trò của tổ chức đại diện cho người sử dụng lao động; (7) Đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của VCCI trên tinh thần chủ động, sáng tạo, phát huy vai trò định hướng và lan toả.
Các mục tiêu chung của nhiệm kỳ là: Chủ động, tích cực tham gia xây dựng pháp luật, chính sách, tăng cường phối hợp công tác hiệu quả với các cơ quan liên quan để thúc đẩy hoàn thiện môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hẹp khoảng cách về năng lực cạnh tranh quốc gia với các nước ASEAN-4; Mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động hỗ trợ phát triển doanh nghiệp theo hướng xanh, bền vững, thực hiện chuyển đổi số, nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh trong hội nhập, khai thác hiệu quả các cơ hội từ quá trình thực thi các FTA thế hệ mới, dịch chuyển lên vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu; Thúc đẩy phát triển số lượng doanh nghiệp hướng tới mục tiêu đến năm 2025 có 1,5 triệu doanh nghiệp, xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có tinh thần dân tộc,đồng thời xây dựng văn hoá kinh doanh Việt Nam, hình thành các chuẩn mực kinh doanh văn minh và thúc đẩy môi trường thông tin, truyền thông lành mạnh hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; Nâng cao vai trò tổ chức quốc gia đại diện cộng đồng doanh nghiệp, là trung tâm liên kết, hỗ trợ phát triển các hiệp hội doanh nghiệp, thực hiện tốt các chức năng đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên, đồng thời thúc đẩy xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp; Đổi mới tổ chức, nâng cao năng lực cán bộ, hiệu quả hoạt động của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam xứng tầm là tổ chức quốc gia đại diện của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
Phấn đấu đạt các chỉ tiêu: (1) Tổ chức đánh giá, xếp loại hàng năm Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI, thúc đẩy cải thiệnmôi trường kinh doanh tại các tỉnh, thành phố; (2) Thu hút 5000 doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trên toàn quốc áp dụng Bộ chỉ số Doanh nghiệp bền vững (CSI); (3) Xây dựng và triển khai Bộ chỉ số Xanh (Green Index), thúc đẩy công tác bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu tại các địa phương, doanh nghiệp; (4) Xây dựng và triển khai hiệu quả từ 5 – 10 chương trình, dự án, nhiệm vụ ở quy mô quốc gia hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh như; (5) Tổ chức mỗi năm ít nhất 20 chương trình, sự kiện hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập quốc tế; (6) Xây dựng và triển khai các quy ước, quy tắc về ứng xử và đạo đức kinh doanh, hình thành Hệ giá trị văn hóa kinh doanh Việt Nam; (7) Tăng 10-15% số lượng hội viên chính thức và thu hút 40% các hiệp hội doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước tham gia là hội viên tập thể của VCCI; (8) Thành lập các hội đồng doanh nghiệp khu vực tại 7 vùng kinh tế trọng điểm của đất nước; (9) Hỗ trợ vận động thành lập các hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, thành phố, phấn đấu đạt đủ 63/63 tỉnh, thành phố; (10) Thực hiện tốt vai trò đại diện cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong các tổ chức quốc tế và trong các cơ chế hợp tác đa phương như: WTO, APEC, ASEAN, GMS, ACMECS, PECC, ICC, CACCI, ASEAN CCI...
Các nhiệm vụ và giải pháp
Chủ động, tích cực tham gia xây dựng pháp luật, chính sách, thúc đẩy thuận lợi hóa môi trường kinh doanh. Trong đó chú trọng các giải pháp: Nâng cao chất lượng hoạt động góp ý, xây dựng pháp luật, chính sách theo hướng sát với thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình thực thi pháp luật; Thúc đẩy thuận lợi hoá môi trường kinh doanh nhằm phát triển nhanh doanh nghiệp, mở rộng thu hút vốn đầu tư FDI, hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục và mở rộng sản xuất kinh doanh; Thúc đẩy môi trường truyền thông lành mạnh thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, nâng cao tinh thần kinh doanh.
Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Tập trung vào các giải pháp giải pháp chính như: Thúc đẩy các sáng kiến hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững; Tăng cường hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp do phụ nữ và thanh niên làm chủ; Thúc đẩy phát triển và tăng cường liên kết các doanh nghiệp đầu ngành; Hỗ trợ và thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số; Hỗ trợ hiệu quả hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; Đẩy mạnh hoạt động đào tạo nguồn nhân lực và nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp.
Tăng cường hoạt động kết nối, hỗ trợ phát triển hiệp hội doanh nghiệp và hội viên. Tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm: Phát triển và kết nối hệ thống các hiệp hội doanh nghiệp, nâng cao năng lực các hiệp hội doanh nghiệp; Hỗ trợ nâng cao năng lực giới sử dụng lao động; Phát triển hội viên và nâng cao chất lượng hỗ trợ hội viên; Tăng cường liên kết vùng và hợp tác với chính quyền địa phương trong hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp.
Phát triển đội ngũ doanh nhân, tiên phong thúc đẩy xây dựng hoá kinh doanh Việt Nam. Chú trọng xây dựng, phát triển đội ngũ doanh nhân cả về số lượng và chất lượng; Tiên phong thúc đẩy xây dựng văn hoá kinh doanh Việt Nam, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng đội ngũ doanh nhân có tinh thần cống hiến cho dân tộc, có chuẩn mực văn hóa, đạo đức tiến bộ, tích cực thực hiện trách nhiệm xã hội và tham gia phát triển xã hội như Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra. Trong văn hóa kinh doanh cần chú trọng xây dựng đạo đức kinh doanh và văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân.
Tăng cường kết nối và nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế. Tập trung vào các giải pháp cụ thể là: Tiếp tục tăng cường kết nối doanh nghiệp Việt Nam với cộng đồng quốc tế; Hỗ trợ doanh nghiệp khai thác tốt các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do, nhất là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mang lại. Đồng thời, tăng cường công tác bảo vệ doanh nghiệp và hỗ trợ thích ứng trong hội nhập.
Đổi mới tổ chức, phương thức hoạt động, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của VCCI. Một số giải pháp trọng tâm gồm: Đổi mới tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả; Đổi mới phương thức cơ chế hoạt động theo hướng chuyên nghiệp; Tăng cường công tác quản lý, phát triển và khai thác hiệu quả các nguồn lực.
Các đột phá chiến lược
Thúc đẩy xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, chủ động tham gia sâu hơn, tích cực và hiệu quả hơn vào quá trình xây dựng pháp luật, chính sách, cải thiện môi trường kinh doanh quốc gia cũng như các địa phương. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nhà nước, đồng thời hỗ trợ, phối hợp các hiệp hội doanh nghiệp tham gia quá trình xây dựng chính sách, nhất là các chính sách chuyên ngành.
Tiên phong xây dựng văn hóa kinh doanh Việt Nam, hình thành và thúc đẩy thực hiện các quy ước, chuẩn mực chung về đạo đức kinh doanh, văn hóa doanh nhân, doanh nghiệp. Xây dựng hệ giá trị văn hoá kinh doanh Việt Nam bao gồm các giá trị văn hoá tinh hoa của dân tộc và các giá trị chuẩn mực của thế giới, nâng cao nhận thức về trách nhiệm xã hội, hướng tới mục tiêu phát triển doanh nghiệp bền vững, vì lợi ích con người và cho các thế hệ mai sau. Xây dựng, củng cố niềm tin xã hội đối với doanh nghiệp và sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp Việt Nam.
Đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong doanh nghiệp, tạo nền tảng để doanh nghiệp nắm bắt các cơ hội mới của cách mạng công nghiệp 4.0, thay đổi mô hình kinh doanh, cơ cấu lại sản phẩm và thị trường, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của từng doanh nghiệp cũng như cả cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, khai thác, phát huy các tiềm năng kinh tế và lợi thế của Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu.
Thông qua các Báo cáo kiểm điểm công tác của Ban Chấp hành và Ban Kiểm tra VCCI khóa VI, nhiệm kỳ 2015 – 2020. Giao Ban Chấp hành, Ban Kiểm tra VCCI khóa VII, nhiệm kỳ 2021 – 2026 tiếp thu ý kiến của Đại hội, phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong nhiệm kỳ tới.
Đổi tên Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thành Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, tên gọi tắt và tên tiếng Anh vẫn giữ nguyên là VCCI - Vietnam Chamber of Commerce and Industry; Sửa đổi và thông qua Điều lệ Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
Thông qua kết quả hiệp thương bầu Ban Chấp hành VCCI khóa VII, nhiệm kỳ 2021 – 2026 gồm 94 ủy viên và Ban Kiểm tra VCCI khóa VII, nhiệm kỳ 2021 – 2026 gồm 7 ủy viên.
Giao Ban Chấp hành VCCI khóa VII lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hóa và tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội VCCI lần thứ VII.
Với tầm nhìn “Doanh nghiệp vững mạnh – Quốc gia hùng cường, thịnh vượng”, Đại hội kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và các hội viên trong cả nước phát huy cao độ truyền thống yêu nước, tinh thần “Đoàn kết – Đổi mới – Sáng tạo – Trách nhiệm”, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức, nắm bắt các cơ hội mới, thúc đẩy doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp phát triển, hội nhập và ngang tầm thế giới, góp phần xây dựng Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, phồn vinh, hạnh phúc, sánh vai với các cường quốc năm châu, như tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu và khát vọng của toàn dân tộc.
Có thể bạn quan tâm
ĐẠI HỘI VCCI LẦN THỨ VII: VCCI là chỗ dựa vững chắc của doanh nghiệp
12:25, 31/12/2021
ĐẠI HỘI VCCI LẦN THỨ VII: Công bố danh sách nhân sự Ban Thường trực, Ban Kiểm tra VCCI khoá VII
10:38, 31/12/2021
ĐẠI HỘI VCCI LẦN THỨ VII: Công bố danh sách trúng cử Ban chấp hành VCCI khoá VII
10:30, 31/12/2021
ĐẠI HỘI VCCI LẦN THỨ VII: Tâm thế sẵn sàng bắt tay để cùng đầu tư, phát triển và chia sẻ lợi ích
10:18, 31/12/2021
ĐẠI HỘI VCCI LẦN THỨ VII: Thúc đẩy tinh thần kinh doanh trong cộng đồng doanh nhân trẻ
09:47, 31/12/2021