Trên một số tuyến phố lớn của Hà Nội, các cửa hàng kinh doanh, quán ăn, shop thời trang… đều đã niêm yết mã QR địa điểm để khách hàng quét mã.
Đã gần 1 tháng kể từ ngày Hà Nội nới lỏng giãn cách, cho phép một số loại hình dịch vụ, cửa hàng hoạt động trở lại với các quy định nghiêm ngặt về phòng chống dịch, trong đó đặc biệt là yêu cầu quét mã QR, nhằm truy vấn dữ liệu liên quan khi có các ca nghi nhiễm.
Theo quan sát của phóng viên, trên một số tuyến phố lớn của Hà Nội, các cửa hàng kinh doanh, quán ăn, shop thời trang… đều đã niêm yết mã QR địa điểm để khách hàng quét mã.
Chị Quế Trà, chủ sở hữu 2 cửa hàng quần áo trên Phố Phạm Ngọc Thạch và Kim Liên cho biết, ngay từ khi được phép mở lại cửa hàng, chị đã lập tức tạo mã QR tại chỗ, phục vụ khách hàng quét mã. Đối với chị Trà, việc tạo mã địa điểm khá dễ dàng theo hướng dẫn của Trung tâm công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 quốc gia.
“Trong một hai ngày đầu, khách chưa quen nên nhân viên cửa hàng mình phải phải nhắc liên tục, có một vài người tỏ ra không thoải mái lắm. Nhưng hiện tại, lượng khách ra vào mỗi ngày tại mỗi cửa hàng của mình khoảng hơn chục người, hầu như đều đã quen với việc tự giác quét mã. Chưa nhìn thấy vị trí quét, họ còn chủ động hỏi”, chị Trà cho biết.
Bà Kim Giao, 68 tuổi ở Ngọc Hà thường xuyên phải tự mình đi chợ nên dù trước kia bà chỉ dùng điện thoại “cục gạch”, các con bà gần đây đã đưa một chiếc smartphone để bà chuyên dùng cho việc quét mã QR. Cứ đi siêu thị hay đến các điểm có yêu cầu quét mã, là bà lấy smartphone ra quét. Bà Giao cho biết, bà thường xuyên theo dõi tin tức truyền hình về tình hình dịch bệnh và hiểu rằng, việc quét mã QR này là cần thiết cho việc phòng chống, dịch nên bà thực hiện nghiêm túc và không thấy phiền gì.
Tuy nhiên hiện nay, vẫn còn nhiều cửa hàng ngại nhắc khách quét QR và nhiều khách hàng không muốn quét khi vào nơi công công. Ông Hoàng Đình Tuấn, thành viên Trung tâm công nghệ Phòng chống Covid Quốc gia cho biết, thông qua hệ thống dasboad, Trung tâm công nghệ có thể ngay lập tức biết được địa điểm nào làm tốt, địa điểm làm chưa làm tốt việc thực hiện kiểm soát vào ra bằng mã QR. Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ phối hợp cùng với Hà Nội để tiến hành hậu kiểm những nơi yếu kém, để từ đó đưa ra những biện pháp điều chỉnh phù hợp
Theo Trung tâm công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 quốc gia, trong giai đoạn bắt đầu mở cửa sau giãn cách, mỗi ngày Hà Nội có hơn 20.000 địa điểm được tạo mã QR, 90.000 địa điểm có mã QR hoạt động thường xuyên.
Một đại diện của Trung tâm cho biết, để có được kết quả này không phải là điều dễ dàng, trong những ngày đầu, nhiều hộ kinh doanh cá thể có tâm lý sợ mất khách hàng vì thủ tục phiền phức hoặc họ chỉ tạo mã để đó cho có. Chưa kể, nhiều khách hàng khi được yêu cầu quét mã thì thậm chí bỏ đi hoặc đứng ngoài đường chờ người nhà chứ không chịu quét mã.
Tuy nhiên, với sự ra quân phối hợp của Đoàn Thanh Niên, tham gia hướng dẫn, trợ giúp và tư vấn, sự quyết liệt của chính quyền các cấp và các Bộ, Ngành… người dân Hà Nội, cơ sở kinh doanh, cơ quan, tổ chức và các địa điểm tập trung đông người, đã dần hình thành thói quen quét QR code, coi đây như một phần tất yếu của thời kỳ bình thường mới.
Trong một vài tuần trở lại đây, số ca mắc mới COVID-19 tại Hà Nội theo công bố của CDC đã giảm rất sâu, mỗi ngày chỉ 1 vài ca đã được cách ly. Một vài ổ dịch nhỏ như tại bệnh viện Việt Đức, phường La Khê, phường Kiến Hưng… đều đã lập tức được khoanh vùng, dập dịch nhanh chóng. Thành quả này có được một phần nhờ vào quá trình truy vết dữ liệu từ việc quét mã QR.
Tính đến ngày 11/10, toàn quốc có 2.229.990 địa điểm đăng ký quét QR, trong đó có 200.000 địa điểm hoạt động thường xuyên và mỗi ngày có khoảng 500 nghìn người thực hiện quét QR và tổng số lượt quét là 76.423.859. Quảng Ninh là địa phương đứng thứ 2 (sau Hà Nội) về số lượt quét mã QR. Kết quả tại Bà Rịa – Vũng Tàu cũng rất khả quan, chỉ trong vòng 1 tháng, số lượng địa điểm có đăng ký mã QR tại Vũng Tàu đã tăng 6 lần, từ 7.700 lên đến 42.000 điểm.
Mỗi người dân được cấp 1 mã QR cá nhân duy nhất và được tạo trên ứng dụng PC-Covid. Khi vào, ra các cơ quan tổ chức chốt kiểm dịch, bệnh viện, địa điểm công cộng… người dân phải quét mã QR.
Thông qua mã QR đã quét tại các địa điểm, tổ chức có thẩm quyền có thể truy vấn dữ liệu liên quan phục vụ công tác phòng, chống dịch trong trường hợp phát sinh các ca nghi nhiễm. Từ đó nhanh chóng xác định nguy cơ lây nhiễm và khuyến cáo cho người dân, cũng như chủ địa điểm có xuất hiện ca nghi nhiễm, xử lý kịp thời ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Mỗi người dân đều có một mã QR cá nhân. Việc ra vào các nơi như cơ quan, công sở, quán ăn, nhà hàng hay các tụ điểm công cộng… đều được kiểm soát bằng mã QR này. Các tiếp xúc gần của từng người cũng được ghi nhận bởi ứng dụng Bluezone trên điện thoại. Tất cả được mã hóa và lưu lại trên hệ thống của Nền tảng hỗ trợ truy vết F0.
Cùng với đó, xét nghiệm chốt chặn tại các bệnh viện trở thành điều kiện bắt buộc khi người dân có biểu hiện ho, sốt và đến khám tại các cơ sở y tế. Dữ liệu xét nghiệm của mỗi người đều được cập nhật lên hệ thống truy vết.
Khi phát hiện F0, hệ thống sẽ lập tức tự tìm ra F0 này đã tiếp xúc với những ai, đã đến mốc dịch tễ (nơi F0 từng đến) nào, tại mốc dịch tễ đó có những ai từng có mặt… rồi tự động chuyển những thông tin này về đội truy vết tại các địa phương liên quan.
Quy trình này chỉ mất vài chục giây và hoàn toàn tự động thay vì các nhân viên y tế mất thời gian gọi điện thông báo đến các nơi một cách thủ công. Đối mặt với COVID-19, làm chủ thời gian chính là điều kiện tiên quyết để dập tắt mầm mống của dịch bệnh.
Không chỉ hỗ trợ truy vết thần tốc, sự “chỉ điểm” của hệ thống còn giúp việc khoanh vùng hiệu quả, giúp xác định rõ đối tượng đã tiếp xúc trực tiếp với F0 cần được cách ly, thay vì phải gom hết kiểu “bắt nhầm hơn bỏ sót”.
Chia sẻ về triết lý của chiến lược sẵn sàng cho việc sống chung cùng COVID-19, ông Nguyễn Tử Quảng, Kiến trúc sư trưởng của Trung tâm phòng, chống dịch COVID-19 Quốc gia, cho biết: “Khi một ca F0 vừa xuất hiện, ổ dịch khi đó chỉ mới vài ca cho đến vài chục ca, như các đốm lửa nhỏ. Mấu chốt của vấn đề sống chung với COVID là chúng ta cần lập tức phát hiện ra các ca F0 chỉ điểm để truy vết, gom triệt để các F1, F2, không để các đốm lửa nhỏ bùng lên thành đám cháy lớn. Nền tảng truy vết F0 giúp chúng ta làm được điều đó. Và như vậy, giải pháp 5K + Vaccine + Công nghệ sẽ giúp Việt Nam có được cuộc sống bình thường mới. Dịch thi thoảng vẫn tồn tại chỗ này, chỗ kia, nhưng ở mức thấp, mọi sinh hoạt của chúng ta vẫn có thể diễn ra bình thường”.
Có thể bạn quan tâm
05:00, 14/10/2021
13:48, 13/10/2021
13:23, 13/10/2021
22:05, 12/10/2021
20:26, 12/10/2021
17:12, 12/10/2021
10:01, 12/10/2021
03:30, 11/10/2021