Những tầm cao mới

MINH ĐĂNG thực hiện 25/04/2023 16:07

Vị trí của VCCI ngày càng nâng cao, mở ra nhiều hoạt động phong phú, trở thành một tổ chức kinh tế, chính trị, xã hội có uy tín ở trong nước cũng như trên trường quốc tế.

Diễn đàn Doanh nghiệp đã có cuộc trò chuyện với ông Đoàn Duy Thành – Nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng; nguyên Chủ tịch VCCI (giai đoạn 1993 – 2002), người có công lao to lớn đưa vị thế của VCCI lên một tầm cao mới.

- Năm 1993, VCCI tổ chức Đại hội toàn quốc lần thứ II, đánh dấu một thời kỳ phát triển mới, ông có thể chia sẻ thêm một số hoạt động đáng nhớ trong thời kỳ này?
Năm 1993, VCCI chính thức tách khỏi Bộ Ngoại thương, trực thuộc lãnh đạo của Trung ương Đảng và Chính phủ. Sau khi VCCI tổ chức Đại hội lần thứ II, tôi được bầu làm Chủ tịch VCCI. Khi đó, VCCI chưa có cơ sở vật chất gì nhiều, các hoạt động cũng chưa có gì quan trọng, nói chung, gần như “tay trắng”. Bởi vậy, gánh nặng trách nhiệm trong tôi khá lớn, nhưng với bản lĩnh “dám nghĩ dám làm”, và cũng xuất phát từ kinh nghiệm đã làm ở Hải Phòng, Bộ Ngoại thương và Bộ Kinh tế đối ngoại, Viện Quản lý kinh tế Trung ương… tôi đã “vượt khó” để xây dựng được một hệ thống cơ sở vật chất khá đầy đủ cho VCCI để hoạt động từ Bắc vào Nam.
Khi nhận quyết định làm Chủ tịch VCCI, trong tôi đã định hướng về 3 việc lớn phải làm, đó là: Xây dựng cơ chế cho VCCI; Xây dựng cơ sở vật chất cho Phòng, đồng thời bảo đảm ngân sách của Phòng được ổn định, từng bước đi lên một cách vững bền; và phải xác lập cho được vai trò của doanh nghiệp trong xã hội, là lực lượng nòng cốt trong việc xây dựng nền kinh tế đất nước, bảo đảm cho mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của Đảng được vững chắc.

- VCCI được coi là đơn vị mở đường cho doanh nghiệp Việt tiếp cận thị trường nước ngoài, quan điểm của ông về vấn đề này, thưa ông?
Đúng vậy! Nhiệm vụ quan trọng thời kỳ đầu của VCCI đặt ra là “khai phá” các thị trường mới, nhiều tiềm năng để mở đường cho doanh nghiệp Việt đi ra “biển lớn”.
Một trong những thị trường lớn và rất nhiều tiềm năng đối với doanh nghiệp Việt Nam chính là Mỹ, bởi vậy, tháng 9/1994, sau 7 tháng Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại đối với Việt Nam, đoàn doanh nghiệp Việt Nam gần 200 doanh nghiệp do tôi dẫn đầu sang thăm Mỹ và tham gia triển lãm tại thành phố San Francisco, bang California. Đoàn doanh nghiệp Việt Nam rất phấn khởi và tự hào. Cuộc triển lãm đã thành công ngoài mong đợi và đã được Bộ Ngoại giao ghi vào Báo cáo đối ngoại năm 1994 là 1 trong 10 sự kiện lớn nhất về đối ngoại của Việt Nam thời kỳ đó.
Có thể nói chuyến đi lịch sử của đoàn doanh nghiệp Việt Nam sang Hoa Kỳ thời gian đó là bước đột phá cho kỷ nguyên mới về chính sách hội nhập quốc tế của Việt Nam là làm bạn với tất cả các nước trên thế giới. Chuyến đi cũng mở ra một thời kỳ mới trong quan hệ kinh tế thương mại giữa hai cộng đồng doanh nghiệp hai nước.
Ngoài ra, một cuộc hội thảo về “Biến chiến trường thành thị trường” do Chính phủ Thái Lan tổ chức tại Bangkok - Thái Lan năm 1998 và mời Việt Nam tham gia cũng là một sự kiện quan trọng trong quá trình tìm kiếm thị trường, hợp tác đầu tư cho doanh nghiệp Việt Nam. Khi đó, 3 cơ quan quan trọng là Phòng Thương mại Thái Lan, Hiệp hội Công nghiệp Thái Lan và Hiệp hội Ngân hàng Thái Lan cũng đã có sự ủng hộ Việt Nam cũng như VCCI rất mạnh mẽ. Đây cũng là lần đầu tiên VCCI dẫn đoàn DN sang Thái Lan, được gặp gỡ với các đối tác trong khu vực ASEAN, thực sự là cơ hội quý giá để VCCI, với sứ mệnh dẫn dắt của mình, tìm con đường hội nhập trong khu vực ASEAN cho cộng đồng DN Việt còn non trẻ lúc bấy giờ...
- Còn vấn đề cải thiện môi trường kinh doanh, VCCI đã tích cực tham gia như thế nào, thưa ông?
Cùng với quá trình tìm đường cho hàng hóa, doanh nghiệp Việt Nam hội nhập thế giới, VCCI cũng tích cực trong việc xây dựng một môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp. Có thể nói, VCCI cũng đã tạo nên dấu ấn quan trọng trong quá trình xây dựng và soạn thảo Luật Doanh nghiệp năm 1999 - được thực thi vào năm 2000. Bộ Luật đã mang một luồng gió mới đến cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam lúc bấy giờ.
Trong quá trình soạn thảo Luật, lần đầu tiên VCCI có vai trò tham vấn và đóng góp xây dựng Luật. Khi đó, VCCI đã phối hợp với Viện quản lý kinh tế Trung ương, các cơ quan liên quan tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm với sự tham gia của đông đảo cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp đóng góp ý kiến. Chính những sự kiện đó khiến cho Luật Doanh nghiệp 1999 được xây dựng tốt, nhiều điều khoản hợp lý, rõ ràng, thực tế, được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. Và cũng vì thế mà việc thực thi cũng được thuận lợi hơn.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện Luật cũng không dễ dàng. Để thúc đẩy việc thực hiện Luật, Thủ tướng Phan Văn Khải đã thành lập Tổ Công tác của Thủ Tướng do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Tổ trưởng, và VCCI cũng có 2 thành viên trong Tổ. Tổ Công tác đã phải làm việc với các doanh nghiệp để phát hiện ra trên 400 giấy phép con, đề xuất bãi bỏ trên 200 giấy phép con, “cởi trói” cho doanh nghiệp hoạt động…
- Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Những tầm cao mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO