Những “toan tính” trong thương vụ GTNFoods và Vilico

NGUYỄN VIỆT 16/03/2021 15:00

Công ty Cổ phần GTNfoods (GTN) mới đây đã công bố tỷ lệ hoán đổi khi sáp nhập vào Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam (Vilico-VLC).

Với tỷ lệ hoán đổi là 1,6 : 1, Vilico sẽ phát hành tối đa 156,25 triệu cổ phiếu để hoán đổi 250 triệu cổ phiếu GTN, sau khi hoàn tất các cổ đông của GTN sẽ trở thành cổ đông Vilico.

Sau sáp nhập, Vilico định hướng trở thành đơn vị lớn trong lĩnh vực ngành chăn nuôi và chế biến sản phẩm thịt tại Việt Nam.

Sau sáp nhập, Vilico định hướng trở thành đơn vị lớn trong lĩnh vực ngành chăn nuôi và chế biến sản phẩm thịt tại Việt Nam.

Bình luận về thương vụ sáp nhập này, theo quan điểm của Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), tỷ lệ sở hữu thực tế tăng cùng với việc tiết kiệm chi phí từ tối ưu hóa chi phí trùng lắp (ví dụ, chi phí quản lý) giữa GTNfoods và Vilico là các diễn biến tích cực đối với Vinamilk.

Tiết kiệm chi phí trùng lắp

Công ty Chứng khoán SSI đánh giá kế hoạch sáp nhập GTNfoods với Vilico và sau đó là hủy niêm yết GTNfoods là hợp lý. "GTNfoods không trực tiếp hoạt động ngành nghề kinh doanh cốt lõi nào, mà chỉ đơn thuần là công ty nắm giữ cổ phần tại các công ty con (Vilico, qua đó gián tiếp nắm Mộc Châu Milk) và công ty liên kết. Do đó, việc duy trì công ty mẹ như GTNfoods là không cần thiết", chuyên gia của SSI nhận định.

Cùng với đó, việc này cũng giúp đơn giản hóa cấu trúc doanh nghiệp của Vinamilk (công ty mẹ của GTNfoods) và tăng cường tập trung vào các hoạt động kinh doanh cốt lõi của Vinamilk.

Còn theo phân tích của Công ty Chứng khoán Mirae Asset, việc sáp nhập GTN vào VLC sẽ giúp nhóm công ty cắt giảm được 10 - 12 tỷ đồng chi phí quản lý/năm, tương đương 4% lợi nhuận sau thuế hợp nhất của nhóm GTN năm 2020.

Sau sáp nhập, Vilico định hướng trở thành đơn vị lớn trong lĩnh vực ngành chăn nuôi và chế biến sản phẩm thịt tại Việt Nam. Doanh nghiệp đánh giá quy mô thị trường thịt Việt Nam khoảng 10 tỷ USD (trong đó mặt hàng trâu/bò là hơn 2 tỷ USD). Xu hướng tăng trưởng thịt trâu/bò 6-7%/năm, gấp đôi thịt heo, gà...

Tổng đàn trâu, bò trong nước gần như không tăng qua các năm, chủ yếu là thịt trâu, bò nhập khẩu. Quy mô thị trường thịt trâu/bò trong nước 500.000 tấn/năm thì nhập nhập khẩu 300.000 tấn/năm.

Thịt bò cao cấp, chế biến sẵn nhập khẩu khoảng 60.000 tấn/năm, tăng nhanh qua các năm gần đây. Thị trường thịt bò mát hiện chưa phát triển do thói quen tiêu dùng và hạn chế nhập khẩu.

Vì vậy, công ty chủ trương đầu tư trang trại bò thịt quy mô khai thác 20.000 con/năm với tổng vốn đầu tư không quá 1.700 tỷ đồng. Hình thức đầu tư là tự làm hoặc tìm đối tác có tiềm lực và kinh nghiệm tốt trong lĩnh vực này để thực hiện dự án.

Theo đánh giá của lãnh đạo doanh nghiệp, thương vụ sáp nhập trên sẽ giúp Vilico thực hiện tăng quy mô vốn mà không phải huy động từ bên ngoài và không làm giảm lưu lượng tiền mặt của doanh nghiệp sau sáp nhập.

Đồng thời, doanh nghiệp sau sáp nhập có thể tiết giảm chi phí cố định (so với tổng chi phí từ Vilico và GTNFoods hoạt động riêng lẻ).

GTNFoods hiện có vốn điều lệ 2.500 tỷ đồng, trong đó Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) nắm 75% vốn và là công ty mẹ trực tiếp. Trong năm 2020, doanh nghiệp này ghi nhận 2.826 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 5% so với năm trước.

Tuy nhiên, nhờ tiết giảm chi phí giá vốn, công ty ghi nhận lợi nhuận sau thuế 251 tỷ đồng, tăng gần 3.500% so với mức lợi nhuận 7 tỷ đồng của năm 2019.

“Bước ngoặt" trong tương lai

GTN tiền thân là Công ty cổ phần Đầu tư và Sản xuất Thống Nhất được thành lập năm 2011 với mô hình công ty đầu tư chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp chế biến và khai thác khoáng sản.

Mirae Asset nhận định việc tồn tại của GTN là không cần thiết.

Mirae Asset nhận định, việc tồn tại của GTN là không cần thiết.

Năm 2015 - 2017, GTN thoái toàn bộ các mảng đầu tư ban đầu và tập trung danh mục đầu tư vào các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp được cổ phần hóa. Công ty đã sở hữu chi phối một số doanh nghiệp thông qua đấu giá cổ phần như Tổng công ty Chè Việt Nam (Vinatea), VLC, Công ty cổ phần Dược phẩm Cửu Long, Mộc Châu Milk (MCM).

Để có thể tham gia các cuộc đấu giá, GTN tăng vốn điều lệ từ mức 680 tỷ đồng thời điểm chào sàn năm 2014 lên 2.500 tỷ đồng năm 2016 và duy trì đến nay.

Nhờ thâu tóm Mộc Châu Milk, doanh thu của GTN tăng trưởng từ năm 2016 lên 2017. Tuy nhiên lợi nhuận công ty mẹ thời điểm đó chỉ 40 tỷ, rồi trượt dốc qua các năm. Chính giai đoạn đốt tiền để M&A này mà khoản lợi nhuận thuộc về cổ đông công ty mẹ bị bào mòn, để lại hệ luỵ lớn tới số liệu tài chính của công ty trong những năm sau.

Tuy nhiên, lợi nhuận năm 2020 của GTN hồi phục nhờ sự góp mặt của Vinamilk. Báo cáo tài chính hợp nhất 2020 của GTN cho thấy công ty đã thoái toàn bộ vốn tại các mảng đầu tư ngoài lĩnh vực nông nghiệp và 100% doanh thu thuần của GTN đến từ Vilico. Do đó, Mirae Asset nhận định việc tồn tại của GTN là không cần thiết. 

Điểm sáng của GTN chính là lượng tiền dồi dào khi tiền và tiền gửi ngân hàng dưới 12 tháng ở mức hơn 2.270 tỷ đồng, chiếm gần 84% tổng tài sản.

Trong khi đó, với VLC, bên cạnh các chỉ số kinh doanh ổn định giai đoạn trước và tăng trưởng tốt trong 3 năm gần nhất, doanh nghiệp này có lợi thế là quản lý danh mục quỹ đất hơn 17 ha ở nhiều tỉnh, thành phố.

Theo giải trình của công ty, thì kết quả hoạt động của Vilico năm 2020 chủ yếu được phản ánh qua công ty con chủ lực là Mộc Châu Milk khi chiếm trên 90% doanh thu. Đặc điểm giống với GTN là tại thời điểm cuối năm 2020, đó là VLC có lượng tiền mặt lớn, khoảng 1.200 tỷ đồng tiền và tiền gửi ngắn hạn, chiếm 74% tổng tài sản.

Ngành nghề kinh doanh chính của Vilico là chăn nuôi bò sữa và sản xuất, chế biến, kinh doanh các sản phẩm từ sữa; kinh doanh thương mại, dịch vụ. Có thể nói, một doanh nghiệp trong lĩnh vực chăn nuôi như Vilico là một điểm cộng, khá hấp dẫn với Vinamilk bởi thị trường thịt, đặc biệt là thịt bò được coi là lựa chọn hoàn hảo với Vinamilk.

Mirae Asset nhận định đầu tư chăn nuôi và chế biến thịt bò, là một hướng đi sống còn với Vinamilk sau khi tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận chậm lại do thị trường sữa đã đi vào giai đoạn bão hòa.

Ngoài ra, báo cáo của Mirae Asset còn phân tích, một loạt những tập đoàn thực phẩm lớn nhất Việt Nam như Masan hay Hòa Phát đều nhìn thấy tiềm năng của thị trường thịt nhưng chỉ mới tham gia vào chăn nuôi thịt lợn, gà, cá do thời gian thu hoạch ngắn.

Trong khi đó, chăn nuôi bò cần không chỉ cần lượng vốn lớn hơn mà còn yêu cầu thời gian dài hơn, thức ăn là cỏ có giá trị dinh dưỡng cao. Do đó theo Mirae Asset thì thịt bò là một thị trường đầy tiềm năng và có "size" đủ lớn để tạo ra một bước ngoặt cho sự phát triển của Vilico và cả Vinamilk trong tương lai.

Và nếu có được sự hậu thuẫn của Vinamilk cùng với những kinh nghiệm, chuyên môn kỹ thuật tốt nhất trong chăn nuôi bò và tận dụng 150.000 con bò sữa tại tất cả các vùng ở Việt Nam của Vinamilk thì Vilico có đầy đủ thế mạnh để phát triển mảng kinh doanh bò thịt này.

Theo ước tính của Mirae Asset thì dự án này sẽ đóng góp thêm 1.000 tỷ đồng mỗi năm (bằng 35% doanh thu 2020 của Vilico) và giúp doanh thu của Vinamilk tăng thêm 2% so với kết quả năm 2020 nếu vận hành hết công suất.

Có thể bạn quan tâm

  • Sáp nhập ngược GTN và VLC: Thương vụ chưa có tiền lệ

    Sáp nhập ngược GTN và VLC: Thương vụ chưa có tiền lệ

    15:05, 02/03/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Những “toan tính” trong thương vụ GTNFoods và Vilico
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO