Những bước đi "thần tốc" của VinFast khiến nhiều người nhớ về Vinaxuki khát vọng một thời.
Thương hiệu xe hơi VinFast đang thực sự "đốt nóng" truyền thông trong và ngoài nước sau hàng loạt sự kiện đánh dấu chặng đường khởi đầu thành công và đáng tự hào. Tuy nhiên, điều này cũng làm nhiều người hoài niệm, gợi nhớ về khát vọng xe hơi thương hiệu Việt đã "chết yểu" - Vinaxuki.
Những dấu mốc thật sự "thần tốc" của VinFast trong vòng 13 tháng kể từ ngày bắt đầu khởi công dự án:
Giấc mơ ô tô "Made in Vietnam" đầu tiên được nhen nhóm vào thời điểm năm 2004 khi công ty ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki) của người đàn ông đầy tâm huyết - Bùi Ngọc Huyên được cấp phép sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam.
Những thời kỳ đầu, Vinaxuki từng là một trong những công ty sản xuất các sản phẩm xe thương mại (xe tải các loại) có tiếng trên thị trường. Có thời Vinaxuki là đối thủ cạnh tranh đáng kể so với Trường Hải và cũng là một trong số ít những công ty Việt Nam có mặt trong VAMA (Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam).
Mọi chuyện chính thức bước sang giai đoạn mới khi Vinaxuki quyết tâm đầu tư sản xuất xe con "Made in Vietnam". Những điểm yếu về kỹ thuật, công nghệ khiến những chiếc xe hơi sản xuất ra bị cho là chất lượng thấp và không an toàn. Bên cạnh đó là sự yếu kém về quản trị cũng như "tiềm lực" không đủ khiến công ty mất dần khả năng cân đối tài chính, dẫn tới khó khăn ngày một chồng chất.
Bây giờ, khi nhìn vào những thành công vang dội bước đầu của VinFast khiến người ta không khỏi bùi ngùi cho Vinaxuki. Một thời có những đoạn quảng cáo trên tivi: "có cầu, có đường là có Vinaxuki" vào mỗi tối trên truyền hình. Nhưng giờ đây, khi những bánh xe của thương hiệu Việt Nam VinFast lăn bánh ở một trong những triển lãm ô tô nổi tiếng và lâu đời bậc nhất thế giới (Paris Motor Show), giấc mơ xe hơi của Vinaxuki đã "trật bánh" từ bao giờ.
Hai thương hiệu đều có hình chữ "V" với cùng một giấc mơ "ô tô của người Việt". Một bên đang hâm nóng cả thế giới, và trở thành niềm tự hào của những người yêu xe hơi tại Việt Nam. Một bên đang lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, nhà máy đóng cửa từ lâu.