Nông nghiệp “đa giá trị”

Bài: THY HẰNG – THUỲ LINH Ảnh: NGUYỄN GIANG – QUỐC TUẤN Thiết kế: THUỲ LINH 13/08/2021 11:30

Dù đã, đang hay sẽ đầu tư vào nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan tin rằng, các doanh nghiệp đều được sợi dây bền chặt mang tên “Khát vọng Nông nghiệp Việt Nam” nối kết lại với nhau.

Theo đó, ngành nông nghiệp chuyển từ “tư duy sản xuất” sang “tư duy kinh tế”, hướng tới những “giá trị xanh” được tạo nên từ “chuyển đổi xanh, tiêu dùng xanh, kinh tế xanh”. Bên cạnh việc duy trì, cải thiện năng suất, sản lượng, nền nông nghiệp cần phát triển tích hợp “đa giá trị”.

- Thưa Bộ trưởng, đại dịch Covid-19 với những thay đổi của “thế giới mới” đang tạo ra những chuyển biến lớn trong nông thôn, nông nghiệp, đặc biệt khi chúng ta đang phải chứng kiến “cuộc hồi hương bất đắc dĩ” về nông thôn?

Bên cạnh những khó khăn, thách thức bởi diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid 19, ngành nông nghiệp đứng trước lựa chọn chủ động thay đổi, chuyển đổi mô hình tăng trưởng để thích ứng lâu dài, phát triển bền vững.

Để tiếp tục đảm trách tốt vai trò “trụ đỡ” vững chắc của nền kinh tế theo định hướng lãnh đạo của Đảng, của Chính phủ, cần đến sự vào cuộc của toàn ngành nông nghiệp, sự hỗ trợ, đồng hành của cả hệ thống chính trị, cùng sự chung sức, đồng lòng của xã hội, cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã và bà con nông dân.

Tại buổi làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Thủ tướng Chính phủ đã gợi mở quan điểm tiếp cận và hành động: “Nông dân là trung tâm, nông thôn là nền tảng và nông nghiệp là động lực. Mọi hoạt động của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn phải xoay quanh người nông dân, phải nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho người nông dân”.

Song song đó, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XV đã cho ý kiến về chủ trương đầu tư Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025. Xây dựng nông thôn mới không chỉ dừng lại ở việc đầu tư hạ tầng, các tiêu chí “phần cứng”, mà quan trọng hơn là phát triển kinh tế nông thôn, dựa trên nâng cao năng lực thích ứng của cộng đồng dân cư nông thôn, chuyển đổi mô hình phát triển và không gian phát triển.

Theo đó, nông thôn mới hướng đến văn minh, hiện đại, nhưng vẫn lưu giữ hồn cốt, bản sắc văn hoá làng quê, với bao giá trị trầm tích, kết tinh từ không gian sống, không gian cộng đồng và không gian sản xuất.

Nông thôn mới được hình thành từ những “ngôi làng thông minh”, trong đó người dân biết tìm tòi, chịu khó học hỏi, tiếp cận công nghệ thông tin, chuyển đổi số, để chủ động kết nối với nhau và với thế giới thay đổi không ngừng bên ngoài không gian làng xã. Khi ấy, nông thôn thực sự là miền quê đáng sống, chứ không chỉ là điểm tạm lánh cho những “cuộc hồi hương bất đắc dĩ”, yên ắng chờ qua tháng ngày nguy khó do dịch bệnh kéo dài.

- Với kinh tế nông nghiệp, những nguy cơ mới cụ thể là gì và chúng ta phải thay đổi thích ứng ra sao để tránh những “cú sốc”, thưa Bộ trưởng?

Chúng ta đang sống trong thế giới được mô tả với các thuộc tính “biến động - bất định - phức tạp - mơ hồ”. Thế giới hôm nay thế này, chỉ ngày mai đã có thể khác. “Thay đổi” dường như là từ khoá thường xuyên được nhắc đến, từ Bắc chí Nam, từ Đông sang Tây, từ chính khách cho đến người nông dân, từ quốc gia phát triển cho đến quốc gia đang phát triển, từ xứ sở văn minh cho đến nơi bắt đầu bắt nhịp dòng chảy của sự tiến bộ. Có người đưa ra nhận định: “Sự thay đổi diễn ra nhanh đến nỗi cái mới vừa ra đời, chưa kịp định hình, thì đã có cái mới hơn xuất hiện, sẵn sàng thay thế”.

Không đứng ngoài dòng chảy của sự thay đổi, ngành nông nghiệp cần tìm lời giải thoả đáng cho bài toán “ba chữ biến”: biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển xu thế tiêu dùng.

Trong bối cảnh hiện nay, những chỉ tiêu, con số, kế hoạch sản xuất mang tính “chỉ dấu”, “dẫn đường” cho sản xuất dường như không còn phù hợp, dễ trở thành áp lực, thậm chí là lực cản với công tác chỉ đạo, điều hành. Thiếu kịch bản ứng phó, thiếu phương án dự phòng cho nhiều tình huống phát sinh dễ dẫn đến sự bị động, lúng túng.

Thay vào đó, cần đến tầm hạn quản trị sâu rộng với khả năng thích ứng nhanh nhạy với sự thay đổi. Cần đến khả năng cân đối hài hoà các nguồn lực có giới hạn, chủ động, linh hoạt xoay sở với rủi ro và tình huống bất ngờ.

- Biến đổi này lại một lần nữa đặt ra vấn đề mà Bộ trưởng từng trăn trở đó là câu chuyện mất cân đối cung – cầu, chúng ta giải quyết vấn đề này thế nào, thưa Bộ trưởng?

Câu chuyện mất cân đối cung - cầu đến từ thực trạng“mù mờ” thông tin, gây phân mảnh, chia cắt chuỗi cung ứng ngành hàng. Khâu nuôi trồng cứ gói gọn trong nuôi trồng, khâu mua bán cứ mải miết trong mua bán. Tính gắn kết, hỗ trợ, đồng bộ giữa các khâu gần như không có. Dữ liệu về sản lượng, cách thức nuôi trồng, thời điểm thu hoạch,… hầu như các cơ quan quản lý chuyên ngành không thể cập nhật đầy đủ thông tin. Đến khi lúa vàng đầy đồng, trái chín đầy cây, cá thả đầy ao, thì mới tất bật tìm biện pháp.

Nguyên lý kinh tế học: “sản xuất cái gì, sản xuất như thế nào, sản xuất cho ai” không chỉ dừng lại ở lý thuyết học thuật, mà cần đi vào thực tế sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp.

Để hạn chế rủi ro do đứt khúc cung - cầu thì phải làm bằng được việc ghi nhận, tích hợp đầy đủ thông tin, cập nhật thường xuyên và chuyển tải kịp thời từ “đầu cung” đến cơ quan chuyên ngành, rồi từ cơ quan chuyên môn đến “đầu cầu”.

Do đó, chuyển đổi số trong nông nghiệp đang có tính cấp bách hơn lúc nào hết, nhằm tạo ra nền tảng thông tin minh bạch, đầy đủ, kịp thời, phục vụ cho người sản xuất, cho người kinh doanh, cho người tiêu dùng nông sản và cho cơ quan quản lý chuyên ngành. Tích hợp dữ liệu, phân tích, đánh giá để chuyển hoá thành thông tin hữu ích, rồi minh bạch hoá sẽ giúp vượt qua tình trạng “mù mờ” trong ngành nông nghiệp hiện nay.

- Vậy còn với doanh nghiệp, đại dịch cũng khiến các doanh nghiệp nông nghiệp “điêu đứng” vì giảm công suất nhà máy, xuất khẩu gặp khó khăn, thậm chí nguy cơ mất thị trường xuất khẩu ở một số ngành hàng như hồ tiêu, trái cây…,thưa Bộ trưởng?

Chia sẻ với những khó khăn của các doanh nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã trao đổi với các tỉnh, thành phố, nhất là các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh về việc triển khai nhanh các giải pháp thiết thực, đồng bộ, như: thành lập các Tổ Công tác hỗ trợ thúc đẩy sản xuất, kết nối tiêu thụ nông sản; thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận thông tin, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong sản xuất, thu hoạch, vận chuyển nông sản, vật tư nông nghiệp.

Tạo điều kiện hoạt động thuận lợi cho các nhà máy chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, cơ sở giết mổ gia súc gia cầm, các cảng cá, tàu đánh bắt hải sản,… vừa đáp ứng điều kiện phòng, chống dịch, vừa không làm đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng kể cả trước mắt và lâu dài.

Trường hợp các doanh nghiệp được yêu cầu tạm dừng hoạt động, các tỉnh, thành phố sẽ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hướng dẫn cụ thể để các đơn vị tuân thủ thực hiện các tiêu chuẩn an toàn và sớm hoạt động trở lại.

Đề nghị Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh, thành phố xem xét ưu tiên tiêm vacxin phòng Covid-19 cho các đối tượng tham gia chuỗi sản xuất, thu hoạch, sơ chế, chế biến, giết mổ và bảo quản, tiêu thụ nông sản, như: Các tổ thu hoạch nông lâm thủy sản, nhân lực vận hành xe, máy, thiết bị (phương tiện vận chuyển, máy gặt, làm đất, cấy; lò sấy, cơ sở chăn nuôi, giết mổ; chế biến thủy sản, cảng cá, lâm sản…), sản xuất, vận chuyển giống, vật tư nông nghiệp,…

Song song đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang trao đổi, phối hợp với các Bộ, Ban, Ngành để sớm triển khai các giải pháp thiết thực, đồng bộ hỗ trợ cho doanh nghiệp.

- Bộ trưởng từng khẳng định: “Chúng ta cần phải có được một chiến lược đặc trọng mang tính dài hạn, bởi câu chuyện của nông nghiệp không phải chỉ có trong 1 mùa vụ mà phải rất nhiều năm hay kế hoạch 5 năm, để chúng ta giải quyết được những vấn đề nội tại” vậy lời giải nào cho “tam nông” trong tình hình mới, thưa Bộ trưởng?

Theo gợi mở và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, với quan điểm nhìn thẳng, nói thật, phân tích đầy đủ, đánh giá xác đáng về những hạn chế, thách thức, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang tập trung xây dựng Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, tầm nhìn đến năm 2030, Chiến lược nông nghiệp, không phải là điều chuyển, phân bổ quy mô, tăng giảm nội ngành đơn thuần, mà hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, với yêu cầu quan trọng nhất là chuyển đổi mô hình phát triển, không gian phát triển, tư duy phát triển.

Theo đó, ngành nông nghiệp chuyển từ “tư duy sản xuất” sang “tư duy kinh tế”, hướng tới những “giá trị xanh” được tạo nên từ “chuyển đổi xanh, tiêu dùng xanh, kinh tế xanh”. Bên cạnh việc duy trì, cải thiện năng suất, sản lượng, nền nông nghiệp cần phát triển tích hợp “đa giá trị”. Tích hợp đa giá trị là tạo ra giá trị gia tăng tối ưu trên một đơn vị diện tích canh tác, trong điều kiện đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp diện tích và chịu tác động từ biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh. 

Chiến lược nông nghiệp quan tâm đến việc định vị đúng vai trò của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, tiếp cận thời cơ từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đem đến. 

Chiến lược nông nghiệp tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi về nguồn nhân lực trong nông nghiệp, về nâng cao năng suất lao động, về cơ hội việc làm từ quá trình chuyển đổi kinh tế nông thôn, về nền tảng và động lực cho xây dựng nông thôn mới.

Chiến lược nông nghiệp tiến tới sự chuẩn bị chủ động về vật tư, nguyên liệu đầu vào của từng nội ngành và hạn chế, giảm thiểu rủi ro, sẵn sàng các kịch bản ứng phó với các cú sốc tăng giá nguyên liệu như trong thời gian qua hay hiện nay. Chiến lược nông nghiệp mở ra định hướng phát triển công nghiệp chế biến, công nghiệp thực phẩm.

Chiến lược nông nghiệp hài hoà mục tiêu tăng trưởng nhanh, đột phá với phát triển bền vững, vừa hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế, vừa bảo vệ môi trường, gìn giữ hệ sinh thái và đa dạng sinh học. Chiến lược nông nghiệp đặt ra yêu cầu vừa tạo ra giá trị gia tăng, vừa giảm thiểu chi phí sản xuất, chi phí xã hội, chi phí môi trường,… 

Chiến lược nông nghiệp tích hợp đa giá trị “văn hoá”, “xã hội”, tích hợp giá trị “đa ngành”, “liên ngành”. Chiến lược nông nghiệp quan tâm đến “an ninh lương thực, thực phẩm, cân bằng dinh dưỡng”, bảo đảm khả năng và quyền tiếp cận của người dân đối với lương thực, thực phẩm an toàn, chất lượng, bảo đảm dinh dưỡng. 

- Để hiện thực mục tiêu mà Bộ trưởng vừa nói, thì thu hút đầu tư vào nông nghiệp được xem là giải pháp then chốt, vậy giải pháp nào cho doanh nghiệp “rộng đường” vào nông nghiệp, thưa Bộ trưởng?

Vừa rồi, tôi có viết thư gửi đến Quý Hiệp hội ngành hàng và cộng đồng doanh nghiệp nông nghiệp để chia sẻ, gửi gắm những tâm tư, ý tưởng, định hướng về sự phát triển của nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Với quan điểm xây dựng “Chính phủ đồng hành, kiến tạo” nhất quán từ trước đến nay, cộng đồng doanh nghiệp được chào đón ở tất cả các lĩnh vực nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng. Để ngày càng có thêm nhiều doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp, cần kiên trì tạo dựng và phát triển hệ sinh thái nông nghiệp bền vững, trên nền tảng hài hoà mối quan hệ “nhà nước - thị trường - xã hội”. Dù đã, đang hay sẽ đầu tư vào nông nghiệp, tin rằng, các doanh nghiệp đều được sợi dây bền chặt mang tên “Khát vọng Nông nghiệp Việt Nam” nối kết lại với nhau.

Theo nhiều cách khác nhau, chúng ta đang cùng dựng xây và vận hành “hệ sinh thái nông nghiệp”, với vai trò quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp nông nghiệp.

Trong khi cơ quan nhà nước giữ vai trò cầu nối từ doanh nghiệp đến người nông dân, cộng đồng doanh nghiệp giới thiệu, dẫn dắt người nông dân từng bước tiếp cận các quy chuẩn của thị trường, xu thế tiêu dùng, điều chỉnh từ quán tính “tự cung tự cấp” sang sản xuất theo tín hiệu, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường. Cộng đồng doanh nghiệp hỗ trợ tư vấn kiến thức kinh tế, cập nhật thông tin thị trường cho cơ quan nhà nước quản lý chuyên ngành. Đó là mối quan hệ tương hỗ và bình đẳng, cần nhau, bổ trợ lẫn nhau, chứ không phải “xin cho”. Như vậy, với cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp là đối tác đồng hành, hoàn toàn không phải đối tượng để quản lý. 

Đội ngũ lãnh đạo, quản lý, cán bộ, công chức ngành nông nghiệp cần chia sẻ, thấu hiểu rằng: các rào cản, khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải cũng là trở lực cho sự phát triển một ngành nói riêng và của cả nền kinh tế đất nước nói chung.

Cần biết ghi nhận, trân trọng thành quả của doanh nghiệp nông nghiệp như thành tựu của ngành nông nghiệp. Cần biết trăn trở về việc đem đến sự hài lòng của doanh nghiệp là thước đo hoàn thành nhiệm vụ. Chính thái độ cầu thị, tôn trọng của cơ quan quản lý nhà nước sẽ giúp các doanh nghiệp đến đầu tư, không chỉ hướng đến doanh thu, lợi nhuận, mà còn ý thức về trách nhiệm hỗ trợ các nông hộ, hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, khơi gợi tinh thần khởi nghiệp nông nghiệp, lan toả tri thức, nâng cao chất lượng sống người nông dân, chung tay tạo dựng hệ sinh thái nông nghiệp.

Ở tầm vĩ mô hơn, cộng đồng doanh nghiệp không chỉ đóng góp vào nguồn thu ngân sách, tạo thêm cơ hội việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, mà còn giữ vai trò phản biện và góp ý chính sách, tư vấn kinh tế, định hình đường hướng phát triển của địa phương, của quốc gia.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nông nghiệp “đa giá trị”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO