Trong những năm gần đây tỉnh Bạc Liêu đã có nhiều nỗ lực trong cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
Đó là ý kiến đánh giá của ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Cần Thơ tại hội nghị phân tích PCI của tỉnh Bạc Liêu vào ngày 22/4. Tuy nhiên, cũng theo ông Lam: bên cạnh những mặt tích cực PCI của tỉnh Bạc Liêu cũng còn nhiều điểm hạn chế, đáng lưu ý là có tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”.
Đi vào phân tích cụ thể, ông Lam cho biết: mặt mạnh của tỉnh Bạc Liêu là tốc độ tăng trường kinh tế trên 8% đứng thứ 3 của vùng, cao hơn bình quân cả nước. Số doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2018 tăng 200%, mức bình quân vốn/doanh nghiệp cũng thuộc hàng khá cao trong khu vực, tỷ lệ doanh nghiệp ngưng hoạt động, giải thể trong năm qua cũng thấp hơn các địa phương trong vùng.
Tổng điểm các chỉ số thành phần tăng từ 61,09 lên 62,53 xếp hạng 39/63 tỉnh, thành, (tăng 3 bậc), tính ổn định cao. Trong chỉ số về gia nhập thị trường thì chỉ tiêu đăng ký kinh doanh, đứng đầu cả nước; cán bộ thực hiện các thủ tục cho doanh nghiệp được đánh giá thân thiện, nhiệt tình; lĩnh vực tiếp cận đất đai cũng là điểm sáng, khi mà doanh nghiệp được cấp chứng nhận QSDĐ đứng thứ hai cả nước chỉ sau tỉnh Tây Ninh. Chỉ số về cạnh tranh bình đẳng cũng được doanh nghiệp đánh giá cao và cho rằng chính quyền tỉnh không phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế, chỉ xếp sau Đồng Tháp, Bến Tre, hơn cả tỉnh dẫn đầu PCI là Quảng Ninh. Hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại cũng được đánh giá cao.
Bên cạnh đó, ông Lam chỉ ra những điểm hạn chế: Tuy số doanh nghiệp được thành lập mới tăng so với các năm nhưng sử dụng rất ít lao động, kim ngạch xuất khẩu hơn 500 triệu USD/năm là thấp hơn các tỉnh trong khu vực.
Chi phí gia nhập thị trường có xu hướng tụt dốc, đây là thực trạng chung của nhiều tỉnh trong vùng chứ không riêng gì Bạc Liêu. Về đất đai: doanh nghiệp cần thêm đất mở rộng kinh doanh rất khó khăn; cung cấp thông tin về đất đai cũng rất chậm, Độ mở của trang website cũng thấp, chi phí không chính thức tăng, chủ yếu là lĩnh vực đấu thầu dự án. Tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp.
Trong khi chỉ số tính năng động tiên phong của lãnh đạo cấp tỉnh được đánh giá tốt nhưng cấp sở, ngành, quận, huyện còn hạn chế. Tòa Án các cấp chậm đưa vụ việc kinh tế ra xét xử, chỉ có 68% vụ việc mất cắp được Công An xử lý hiệu quả…
Để khắc phục những hạn chế trên, ông Lam khuyến nghị: Trong bối cảnh cạnh tranh giữa các địa phương ngày càng gia tăng, cơ sở hạ tầng cũng đang cải thiện, thì việc nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của từng địa phương sẽ quyết định tốc độ phát triển của mỗi địa phương. Do đó, các địa phương cần quyết liệt hơn trong cải cách hành chính, đổi mới phong cách tiếp cận, phục vụ doanh nghiệp. Để chữa căn bệnh “trên nóng, dưới lạnh” thì tỉnh cần phải ban hành bộ chỉ số đánh giá năng lực điều hành kinh tế cấp sở, ngành, quận, huyện (DDCI) để từ đó chỉ ra từng lĩnh vực cần cải thiện cho các đơn vị.
Đồng tình với quan điểm trên, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Nguyễn Quang Dương, cho rằng, tuy xuất phát điểm của Bạc Liêu thấp, cơ sở hạ tầng còn nhiều khó khăn, song mục tiêu, khát vọng phát triển thì không thể khác được. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TU về tập trung nâng cao chỉ số PCI và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Với nghị quyết này, tin tưởng năm 2019 PCI của tỉnh sẽ tiếp tục tăng hạng và trở thành điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư.