Thuế của Mỹ sẽ “bóp” dòng đầu tư FDI vào Việt Nam năm 2018?
Mới đây, Luật Thuế sửa đổi của Mỹ đã được thông qua. Trong đó thuế thu nhập của doanh nghiệp đã giảm từ 35% xuống còn 21%. Điều này đã dấy lên nhiều lo ngại dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam sẽ có nhiều ảnh hưởng?
Mỗi thay đổi trong chính sách của Chính quyền Mỹ đều được cho là sẽ có những tác động nhất định tới kinh tế toàn cầu. Trong đó có dòng vốn thu hút từ Mỹ vào Việt Nam cũng như dòng vốn đầu tư FDI chung vào Việt Nam.
Nguy cơ ảnh hưởng từ chính sách thuế của Mỹ
Ngay sau khi thông tin này được công bố, Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này và có đề cập những lo ngại về việc kinh tế Việt Nam, trong đó có thu hút FDI, có nguy cơ bị ảnh hưởng.
Mới đây, theo số liệu từ Tổng Cục Thống kê, tính đến ngày 20/1/2018, cả nước có 166 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 442,59 triệu USD, bằng 35,6% so với cùng kỳ năm 2017. Theo đó, vốn đăng ký đầu tư đăng ký cấp mới trong tháng 1/2018 giảm 24% so với cùng kỳ năm 2017.
Lý giải một trong những nguyên nhân khiến chính sách thuế của Mỹ có thể ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư của Mỹ vào Việt Nam cũng như dòng vốn FDI vào Việt Nam nói chung, đó là việc giảm thuế có thể khiến các nhà đầu tư Mỹ xem xét lại kế hoạch đầu tư tại Việt Nam. Cụ thể, khi làm ăn có lãi, thay vì mở rộng đầu tư tại Việt Nam, các nhà đầu tư Mỹ có thể sẽ rút lợi nhuận kinh doanh chuyển về Mỹ đầu tư để được hưởng lợi từ chính sách thu hút Thuế của Chính quyền Tổng thống Donald Trump.
Ông Vũ Viết Ngoạn, Tổ trưởng Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng đã từng nhận định: “Một số nước trong khu vực sẽ ban hành các chính sách ưu đã thuế để thuyết phục các nhà đầu tư, doanh nghiệp Mỹ ở lại đầu tư. Điều này sẽ khiến cho cuộc đua thu hút FDI của Việt Nam trở nên cạnh tranh khốc liệt hơn”.
Trước đó, Mỹ cũng “đột ngột” áp dụng chính sách bảo hộ thương mại đối với sản phẩm máy giặt và tấm pin năng lượng mặt trời nhập khẩu vào Mỹ với quy mô toàn cầu không riêng gì Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam hiện nay là địa điểm đặt nhiều nhà máy sản xuất hai mặt hàng này của Sam Sung và LG. Vì vậy, các nhà phân tích cho rằng, Việt Nam sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng.
Không đáng lo
Cũng theo số liệu của Tổng Cục Thống kê, luỹ kế đầu tư của Mỹ vào Việt Nam tính đến thời điểm hiện nay đạt khoảng 9,9 tỷ USD, xếp vị trí số 9 các quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư tại Việt Nam với 862 dự án đầu tư, chiếm khoảng 3% tổng vốn thu hút FDI của Việt Nam.
Tuy nhiên, GS. TSKH Nguyễn Mại thì cho rằng: “Việt Nam không nên quá lo lắng. Bởi nếu so sánh các lợi thế khác về ưu đãi đầu tư giữa Việt Nam và Mỹ về chi phí nhân công rõ ràng Việt Nam có lợi thế hơn”.
Ngoài ra, các nhà phân tích khác cũng cho rằng, nếu thực sự có chính sách thay đổi, điều này cũng có độ trễ nhất định, chưa thể có tác động trong một sớm một chiều.
Thêm nữa, những “ông lớn” đầu tư của Việt Nam lại thuộc về Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký là 58,1 tỷ USD, chiếm 18,1% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Nhật Bản đứng thứ hai với 49,46 tỷ USD chiếm 15,4% tổng vốn đầu tư, và tiếp theo lần lượt là Singapore và Đài Loan, Britishvirgin Island, Hồng Kông.
Cũng theo Cục Đầu tư nước ngoai, vốn đầu tư đăng ký cấp mới trong tháng 1/2018 giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2017 là do trong 1/2017 có nhiều dự án quy mô vốn từ 100 tới gần 300 triệu USD được cấp phép, trong khi đó tháng 1/2018 số dự án cấp phép trên 100 triệu USD là không có. Vì vậy có độ chênh nhất định giữa hai năm trong số liệu so sánh.