Nâng chất dòng vốn FDI: Đường còn xa

Hoàng Phương 12/02/2018 06:30

Không thể phủ nhận những nỗ lực của Chính phủ và các địa phương trong việc nói không với các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) kém chất lượng, và nhờ đó chất lượng dòng vốn FDI trong những năm qua đã được cải thiện đáng kể. Song một cách thẳng thắn, thì chặng đường để Việt Nam tối ưu hóa được lợi ích của FDI vẫn còn xa.

Sự hồ hởi vẫn là điều được nhìn thấy rất rõ, dù Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố kết quả thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong năm 2017 đã một tháng trước đây, với gần 36 tỷ USD. Và một cách khá rõ ràng, nhìn vào con số này, nhìn vào những đóng góp của khu vực FDI cho kinh tế - xã hội Việt Nam thì có thể khẳng định, chất lượng dòng vốn FDI vào Việt Nam đã được cải thiện đáng kể. Nhưng như thế liệu đã đủ?

Chuyển động mới

Chỉ cách đây ít ngày, UBND tỉnh Bắc Giang đã chính thức phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) cho Dự án Nhà máy điện tử Broad Việt Nam. Cùng với việc phê duyệt chính quyền Bắc Giang cũng cảnh báo: Nếu doanh nghiệp gây ô nhiễm, sẽ bị xử phạt và dừng hoạt động. Có chuyện này có lẽ là vì, thời gian gần đây, Bắc Giang đã “vạch mặt, chỉ tên” hàng loạt dự án đầu tư gây ô nhiễm môi trường, trong đó có các dự án FDI. Chẳng hạn, dự án của Công ty TNHH Khải Thần Việt Nam (Trung Quốc), vì gây ô nhiễm môi trường mà bị xử phạt 560 triệu đồng và đình chỉ hoạt động 3 tháng.

Không chỉ Bắc Giang, Hải Dương cũng đã phạt Công ty Dệt Pacific Crystal (Hồng Kông) 1,1 tỷ đồng, cùng lời cảnh báo sẽ đóng cửa nếu còn gây ô nhiễm môi trường...

Sau sự cố tại Formosa, giống như câu chuyện “tái ông thất mã”, các địa phương đã cẩn trọng hơn trong thu hút FDI và không ngần ngại nói không với dự án gây ô nhiễm môi trường. Đà Nẵng, Đồng Nai, Hậu Giang, Quảng Ninh, Hải Phòng… đều lần lượt nằm trong danh sách này. Và đó được coi là một chuyển động tích cực, khi ô nhiễm môi trường vẫn được coi là một hạn chế lớn trong thu hút FDI của Việt Nam, dù trên thực tế, doanh nghiệp trong nước cũng gây ô nhiễm chứ không riêng gì FDI.

Ngay cả Chính phủ Việt Nam cũng không ngừng truyền đi thông điệp rằng, Việt Nam không đánh đổi dự án đầu tư, đánh đổi tăng trưởng ngắn hạn lấy môi trường. Gần đây nhất, khi tới Ấn Độ tham dự Hội nghị ASEAN - Ấn Độ, tiếp các tập đoàn lớn của quốc gia này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa nhắc đến chuyện không tiếp nhận các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Không chỉ có vậy, nhìn vào số lượng và chất lượng các dự án FDI mà Việt Nam thu hút được trong 5 năm qua, kể từ sau khi Việt Nam tổng kết 25 năm thu hút FDI, cũng đã thấy có một sự cải thiện đáng kể. 5 năm qua, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam gần 105 tỷ USD, chiếm gần 33% tổng vốn FDI vào Việt Nam trong 30 năm qua. Trong khi đó, vốn FDI giải ngân đạt 71,8 tỷ USD, bằng gần 42% tổng vốn FDI giải ngân trong 3 thập kỷ thu hút FDI (172,35 tỷ USD).

Điều quan trọng, 5 năm gần đây, nhiều dự án FDI quy mô lớn trong lĩnh vực công nghệ cao đã được cấp chứng nhận đầu tư và đưa vào thực hiện. Việc có ít dự án ảo như giai đoạn trước đây cũng đã cho thấy chất lượng dòng vốn FDI vào Việt Nam đã được cải thiện đáng kể.
“Chất lượng vốn FDI vào Việt Nam thời gian gần đây đã tốt hơn rất nhiều so với giai đoạn trước”, GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp FDI đánh giá.

Nỗi lo cũ

Dù những động thái mới cho thấy chất lượng vốn FDI vào Việt Nam đã được cải thiện đáng kể, nhưng điều đó có lẽ còn chưa đủ. Vẫn còn đó những nỗi lo rất cũ. Gây ô nhiễm môi trường là một chuyện, chuyện khác là nỗi lo về chuyện làm sao liên kết được doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước.

Đây vẫn luôn là “điểm yếu chết người” trong thu hút FDI của Việt Nam, khiến dư luận cho rằng, 30 năm qua, thu hút FDI của Việt Nam vẫn chưa đạt được kỳ vọng. Thậm chí, có chuyên gia còn “đổ lỗi” cho khu vực FDI, rằng các doanh nghiệp nước ngoài chỉ thích “chơi” với doanh nghiệp ngoại, lôi kéo các nhà cung cấp nước ngoài vào Việt Nam, mà ít quan tâm đến sự kết nối với doanh nghiệp trong nước. Song cũng lại có ý kiến nhìn nhận một cách thẳng thắn và công bằng, rằng là do doanh nghiệp nội địa quá yếu, không đáp ứng được yêu cầu của các tập đoàn đa quốc gia.

“Đừng ngồi điều hòa, sofa rồi than vãn tại sao ta mãi không phát triển được. Khi tổng kết 30 năm thu hút FDI, cũng cần có những thống kê làm rõ các vấn đề này để có định hướng rõ ràng hơn trong việc phát triển công nghiệp phụ trợ”, GS. Nguyễn Mại nói.

Liên quan đến vấn đề này, trên thực tế, thời gian qua mới chỉ có một số ít doanh nghiệp FDI, ví dụ Samsung, Honda, Toyota… tập trung phát triển chuỗi cung ứng cho mình tại Việt Nam. Samsung thậm chí còn chủ động tìm kiếm đối tác, hỗ trợ họ phát triển. Bởi thế, cho đến hết năm 2017, Samsung đã phát triển được hệ thống 215 nhà cung cấp là doanh nghiệp Việt Nam, trong đó 29 doanh nghiệp nhà là cung cấp cấp 1. Theo kế hoạch, đến năm 2020, con số sẽ là 50 doanh nghiệp.

Nhưng chỉ một Samsung thôi chưa đủ. Chính phủ Việt Nam cũng đã nhận rõ điều này. Thế nên, trong Nghị quyết 01/NQ-CP về các giải pháp điều hành kinh tế - xã hội năm 2018, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá tình hình các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm phụ kiện đầu vào cung cấp cho các doanh nghiệp FDI tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Đây là lần đầu tiên công việc này được thực hiện.

Bên cạnh đó, trong nhiệm vụ chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội 2018, Chính phủ cũng nhấn mạnh việc phát triển công nghiệp hỗ trợ gắn với liên kết chuỗi giá trị của các tập đoàn đa quốc gia. Đó là những động thái đáng mừng, vấn đề chỉ là liệu các giải pháp này có thực thi hiệu quả hay không, hay vẫn sẽ để “những nỗi lo cũ” tồn tại mãi.

Bắt FDI phục vụ kinh tế Việt Nam

Vào 5 năm trước, sau khi tổng kết 25 năm thu hút FDI, Chính phủ đã có Nghị quyết 103/NQ-CP về Định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý FDI trong thời gian tới. Khi ấy, rất nhiều định hướng ưu tiên đã được đề cập, từ tập trung thu hút dự án công nghệ cao, dự án của các tập đoàn xuyên quốc gia…

Việt Nam đã thực hiện được bao nhiêu trong định hướng này là câu hỏi không dễ trả lời, khả năng phải đợi một báo cáo chính thức từ Chính phủ về tổng kết 30 năm thu hút FDI. Song một đề án về “thu hút FDI thế hệ tiếp theo” đang được các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) xây dựng.
Dù vẫn còn những tranh cãi về câu chuyện thế nào là “thế hệ tiếp theo”, thì một trong những đề xuất rất đáng chú ý, đó là các chuyên gia WB cho rằng, đã đến lúc Việt Nam phải chuyển từ mở cửa thu hút FDI sang gõ đúng cửa. Có nghĩa là, phải “bắt” FDI phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của mình.

“Phần lớn vốn FDI vào Việt Nam vẫn tập trung trong các lĩnh vực sản xuất, tìm kiếm thị trường như bất động sản và bán lẻ cùng với sản xuất giá trị gia tăng tương đối thấp. Tới đây, cần chuyển dịch trọng tâm từ thu hút và báo cáo về số lượng FDI sang chất lượng FDI, phải chuyển dịch từ chính sách FDI chủ yếu mang tính bị động là mở cửa, sang chính sách FDI chủ động và có mục tiêu, tức là phải gõ đúng cửa”, ông Simon Bell, cố vấn cao cấp Chính sách đầu tư của WB nói.

Gõ đúng cửa, theo phân tích của ông Simon Bell, đó là vẫn không được quên những dự án FDI trong các lĩnh vực cơ bản như nông nghiệp, sản xuất cơ bản…, song đồng thời phải chuyển hướng sang những lĩnh vực công nghệ nguồn, mang hoạt động nghiên cứu và phát triển vào Việt Nam, giá trị gia tăng cao hơn, thu nhập tốt hơn, qua đó thúc đẩy tăng năng suất, đổi mới sáng tạo, duy trì tăng trưởng kinh tế “xanh” và toàn diện của Việt Nam…
Trong Nghị quyết 01 của Chính phủ, định hướng này cũng đã bắt đầu được nhắc tới. Theo chỉ đạo của Chính phủ, phải “thu hút các nguồn vốn, nhất là FDI và ODA hướng vào các lĩnh vực ưu tiên của đất nước”.

“Đây là một định hướng đúng đắn. Bởi đã đến lúc không chỉ cần quan tâm đến vốn FDI đăng ký, vốn giải ngân, mà phải làm sao để định hướng dòng vốn đó đến được với lĩnh vực mà Việt Nam ưu tiên phát triển, để FDI phục vụ được nhiều hơn cho sự phát triển của kinh tế - xã hội Việt Nam”, GS. Nguyễn Mại nói.

Vấn đề còn lại là, làm sao để Việt Nam có thể làm được điều này? Con đường còn xa và cũng không hễ dễ dàng! 

Hoàng Phương