Bùng nổ đầu tư vào năng lượng tái tạo

Nguyễn Long 14/02/2018 06:30

Chỉ trong hơn 1 tháng đầu năm, hàng loạt dự án năng lượng tái tạo được các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài liên tục triển khai tại Việt Nam trị giá hàng tỷ USD.

Các tuabin trên biển thuộc Nhà máy điện gió Bạc Liêu

Các tuabin trên biển thuộc Nhà máy điện gió Bạc Liêu

Hiện nay, Việt Nam đã chuyển từ một nước xuất khẩu năng lượng đã trở thành nước nhập khẩu ròng về năng lượng. Sự thay đổi này sẽ ảnh hưởng đến an ninh nguồn cung năng lượng. Dự kiến, tỉ trọng của năng lượng nhập khẩu trên tổng nguồn cung năng lượng sơ cấp sẽ tăng lên 37,5% vào năm 2025 và 58,5% vào năm 2035. Điều này sẽ gây tác động lớn tới an ninh nguồn cung năng lượng và Việt Nam sẽ phải phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu, đặc biệt là than.

Các dự án cả tỷ USD

Đối với các doanh nghiệp trong nước, đầu tiên, dự án trị giá hơn 8.000 tỷ đồng của CTCP Super Wind Energy Công Lý Bạc Liêu. Doanh nghiệp này vừa khởi công Dự án Nhà máy Điện gió Bạc Liêu 3, công suất 142 MW, tại xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu.

Tổng mức đầu tư dự án dự kiến là 8.229 tỷ đồng, được xây dựng trên diện tích 6.254 ha, sản lượng điện phát hàng năm dự kiến đạt 373 triệu kWh.

Doanh nghiệp này cũng đã khởi công giai đoạn I của Dự án Nhà máy Điện gió Sóc Trăng ở xã Lai Hòa, thị xã Vĩnh Châu, sát cạnh Nhà máy Điện gió Bạc Liêu. Tại dự án này sẽ có 15 tua-bin công suất 30 MW được xây dựng, vốn đầu tư 1.683 tỷ đồng.

Tiếp theo là dự án điện mặt trời của CTCP Phong điện Thuận Bình, doanh nghiệp này  đang có kế hoạch đầu tư khoảng 150 MW điện mặt trời theo 3 giai đoạn.

Đối với các dự án đầu tư từ nước ngoài, kể đến mới nhất là dự án 1,76 tỷ USD của Superblock Pcl, công ty năng lượng mặt trời lớn nhất Thái Lan, để xây dựng các trang trại điện gió có tổng công suất 700MW ở Việt Nam.

Trong giai đoạn đầu, Superblock Pcl dự kiến rót 651,84 triệu USD để xây dựng 3 nhà máy điện gần bờ tại 3 tỉnh phía Nam là Bạc Liêu, Sóc Trăng và Cà Mau, với công suất lần lượt là 142MW, 98MW và 100MW, Chủ tịch công ty Jormsup Lochaya cho biết. Tới giai đoạn hai, Superblock Pcl sẽ lắp đặt thêm 360MW tại 3 tỉnh nói trên và sẽ khởi công sau khi giai đoạn một kết thúc.

Tại sao lại đầu tư vào thời điểm này?

Việt Nam đã ban hành nhiều cơ chế chính sách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, như ưu đãi về tín dụng đầu tư, thuế nhập khẩu, thuế xuất khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cho các dự án năng lượng tái tạo, … đáng chú ý nhất phải kể đến việc ban hành Quyết định  11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam.

Theo Quyết định 11/2017/QĐ-TTg,  bên mua điện có trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng điện từ các dự án nối lưới với giá mua điện tại điểm giao nhận điện là 2.086 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, tương đương với 9,35 Uscents/kWh, theo tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố ngày 10 tháng 4 năm 2017 là 22.316 đồng/USD).

Giá bán điện được điều chỉnh theo biến động của tỷ giá đồng/USD. Giá điện này chỉ áp dụng cho các dự án nối lưới có hiệu suất của tế bào quang điện (solar cell) lớn hơn 16% hoặc module lớn hơn 15%.

Việc điều chỉnh giá mua bán điện theo biến động của tỷ giá đồng/USD cho các dự án nối lưới được thực hiện theo Hợp đồng mua bán điện mẫu do Bộ Công Thương ban hành.

Tuy nhiên, để được hưởng mức ưu đãi trên, trong Quyết định trên cũng nêu rõ, các dự án phải hoành thành việc xây dựng và nối lưới trước tháng 6/2019 để được hưởng mức giá 9,35 UScent/kWh. Như vậy, sau thời điểm trên, các dự án sẽ không còn được hưởng hỗ trợ và phải chờ đợi chính sách mới của Chính phủ.

Liệu đây có phải lý do mà mới chỉ đầu năm 2018 đã có hàng tỷ USD đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo?

Nguyễn Long