Kỳ vọng 60 tỷ USD tại Quảng Nam

Nguyễn Hoàng 16/02/2018 06:30

Một tổ hợp khí điện đạm của mỏ Cá Voi Xanh đã được Chính phủ cho phép đầu tư tại Quảng Nam trên diện tích 1.000 ha tại xã Tam Quang, huyện Núi Thành, thuộc Khu Kinh tế mở Chu Lai với tổng nguồn vốn đầu tư hơn 4,6 tỷ USD đang được xúc tiến đầu tư…

Tại cuộc làm việc với tỉnh Quảng Nam và trực tiếp khảo sát địa điểm xây dựng trạm tiếp khí Dự án Khí điện Cá Voi Xanh tại xã Tam Quang, huyện Núi Thành vào giữa năm 2017, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng khẳng định đây là dự án quy mô, chuẩn bị nguồn nhiên liệu sạch khối lượng lớn phục vụ nhu cầu phát triển của đất nước trong những năm tới.

Dự án động lực

Dự án Khí điện Cá Voi Xanh nằm cách bờ biển Quảng Nam khoảng 88km về phía Đông, do Tập đoàn Exxon Mobil của Mỹ thăm dò và phát hiện. Trữ lượng thu hồi tại chỗ của mỏ khí này khoảng 150 tỷ mét khối, gấp 3 lần mỏ Lan Tây và Lan Đỏ - thuộc dự án khí Nam Côn Sơn, lớn nhất Việt Nam tại thời điểm hiện tại.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các Bộ, ngành chứng kiến Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác, đầu tư dự án mỏ khí Cá Voi Xanh giữa PVN, Tập đoàn Exxon Mobil và tỉnh Quảng Nam. Ảnh: PVN

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các Bộ, ngành chứng kiến Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác, đầu tư dự án mỏ khí Cá Voi Xanh giữa PVN, Tập đoàn Exxon Mobil và tỉnh Quảng Nam. Ảnh: PVN

Theo kế hoạch, Tập đoàn Exxon Mobil sẽ đầu tư một giàn đầu giếng để xử lý tách nước ngoài khơi. Đầu tư hai cụm khai thác ngầm, mỗi cụm có 4 giếng khai thác và một đường ống dài khoảng 88km nối vào bờ biển Chu Lai. Điểm tiếp khí tại bờ được bố trí trên khu đất rộng 1.000ha của xã Tam Quang, huyện Núi Thành, thuộc địa bàn Khu KTM Chu Lai.

Tập đoàn Dầu khí sẽ đầu tư một nhà máy xử lý khí với tổng vốn đầu tư 1,4 tỷ USD, dự kiến vận hành vào năm 2023; một nhà máy điện 2 tổ máy, công suất mỗi tổ máy khoảng 600MW – 700MW, dự kiến vận hành vào năm 2023. Cả hai nhà máy xử lý khí và điện này sẽ đặt tại huyện Núi Thành.

Một nhà máy điện nữa cũng sẽ được xây dựng tại tỉnh Quảng Ngãi với quy mô đầu tư tương tự nhà máy điện ở Quảng Nam và hoàn thành vào năm 2023; với tổng sản lượng khí hàng năm khai thác khoảng 9 - 11 tỷ mét khối, trong đó dành 1 tỷ mét khối để kết nối với Nhà máy Lọc dầu Dung Quất phục vụ chế biến sâu.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho rằng việc lựa chọn địa điểm tại Tam Quang, thuộc địa bàn Khu KTM Chu Lai là phương án tối ưu nhiều mặt, đặc biệt là đảm bảo dân sinh, không gây xáo trộn lớn, cũng như hạn chế tối đa ảnh hưởng đến cuộc sống người dân trong vùng.

Đánh giá cao tính khả thi, đồng thời thống nhất với lựa chọn của Exxon Mobil và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, trong việc lựa chọn địa điểm xây dựng điểm tiếp khí đất liền tại xã Tam Quang (huyện Núi Thành), Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi tiếp tục vào cuộc, cùng với nhà đầu tư xúc tiến, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, làm tốt công tác chuẩn bị, đặc biệt là mặt bằng, giải quyết hài hoà các vấn đề liên quan đến dân sinh, cố gắng đến năm 2020 dự án có thể cho ra sản phẩm đầu tiên…

Tổng mức đầu tư toàn dự án khoảng 4,6 tỷ USD. Theo thiết kế và tính toán, vòng đời của dự án là 25 năm; doanh thu từ khí dự kiến khoảng 30 tỷ USD; doanh thu từ điện khoảng 30 tỷ USD. Tổng doanh thu đời dự án của toàn Tổ hợp khoảng 60 tỷ USD; trong đó đóng góp cho ngân sách Nhà nước khoảng 24 tỷ USD.

Kỳ vọng lớn

Là người tham gia từ lúc dự án mới hình thành, ông Đỗ Xuân Diện, Trưởng BQL KKT mở Chu Lai cho biết: đến thời điểm hiện tại, Tập đoàn Exxon Mobil của Mỹ đã đầu tư 600 triệu USD vào dự án và hiện nay, các bên liên quan đang tập trung để đẩy nhanh các hạng mục liên quan đến dự án để đến năm 2023 sẽ đưa dòng khí đầu tiên vào bờ theo đúng kế hoạch đã đề ra.

“Hiện Quảng Nam đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất cần thiết và chuẩn bị mặt bằng sạch khoảng 1.000 ha để nhà đầu tư triển khai nhanh dự án khi hoành thành các thủ tục đầu tư theo qui định. Hy vọng, dự án sẽ sớm triển khai nhanh theo đúng tiến độ đã cam kết.”, ông Diện nói.

Ông Đỗ Xuân Diện, Trưởng Ban quản lý KKT mở Chu Lai

Ông Đỗ Xuân Diện, Trưởng Ban quản lý KKT mở Chu Lai

Cũng theo Trưởng BQL KKT mở Chu Lai thì tỉnh Quảng Nam – được Chính phủ giao lo mặt bằng và hạ tầng giao thông kết nối cũng như những điều kiện phục vụ hậu cần cho dự án. Đến thời điểm này, Quảng Nam đã tiến hành rất tốt công tác này. Cụ thể, tỉnh Quảng Nam đã quy hoạch 1000 ha mặt bằng để phục vụ cho dự án. Trong đó, có 160 ha phục vụ cho Exxon Mobil, 200 ha để phục vụ cho dự án nhà máy điện khí,…. Với một diện tích lớn như vậy nên trước khi bắt đầu thực hiện thăm dò dự án, Exxon Mobil đã tiến hành điều tra xã hội học, đến từng người dân và yêu cầu địa phương khi tiến hàng giải toản phải đưa ra được bài toán an sinh: người dân sẽ làm việc gì, thu nhập đến từ đâu, người dân ở tại khu vực cũ trước khi bị giải toả thì họ làm việc gì để sống và dự án của Exxon Mobil có ảnh hưởng gì đến cuộc sống của họ hay không?... nên chúng tôi đã tiến hành rất kỹ càng và đến thời điểm hiện tại, Quảng Nam đã chuẩn bị xong mặt bằng tái định cư để phục vụ cho việc giải phóng mặt bằng dự án và chỉ chờ khi nhà đầu tư công bố quy hoạch là sẽ giải toả và giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư.

Đặc biệt, cùng với chuẩn bị mặt bằng cho dự án điện khí từ mỏ Cá Voi Xanh, BQL KKT mở Chu Lai đang tiến hành các bước quy hoạch thuận lợi nhất cho việc đưa khí sạch từ nhà máy khí đến các KCN nhằm xúc tiến các dự án sử dụng sản phẩm khí sau khi đã được đưa vào bờ để sản xuất vật liệu xây dựng, các sản phẩm sử dụng nhiên liệu từ nguồn nhiên liệu khí làm sao đó để các sản phẩm từ các nhà máy này khi sản xuất ra có giá thành cạnh tranh toàn cầu

“Cụ thể, theo kế hoạch, dự án sẽ dành 1 tỷ m3 khí và xây dựng các hệ thống đường ống để kéo đến các KCN trên địa bàn tỉnh Quảng Nam như Bắc Chu Lai, Tam Hiệp, Tam Anh,… để xúc tiến các dự án sử dụng nguồn khí này do giá thành rẻ hơn sử dụng điện. Ví dụ như đốt sản xuất kinh, nấu để sản xuất nước giải khát Number One, đúc để phục vụ cho nhà máy ô tô,… và dự án này đang được rất nhiều nhà đầu tư đăng ký đầu tư”, ông Diện nói.

Còn ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam thì kỳ vọng vào dự án tỷ USD điện khí Cá Voi Xanh sẽ là đòn bẫy và điểm tựa vững chắc để đẩy nhanh phát triển công nghiệp tại Quảng Nam nói riêng và miền Trung nói chung.

Ông Thu khẳng định, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Nam đồng thuận một lòng đã và đang tập trung mọi nguồn lực cần thiết để đẩy nhanh triển khai các dự án lớn tại khu vực ven biển với quyết tâm đưa Quảng Nam trở thành tỉnh công nghiệp trong tương lai gần.

Nguyễn Hoàng