Việt Nam - “Thỏi nam châm” thu hút FDI

Ngọc Hà - Đinh Thanh 17/02/2018 06:03

Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam từ các “ông lớn” như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore... đang không ngừng mở rộng, hứa hẹn năm 2018 Việt Nam tiếp tục là “thỏi nam châm” thu hút FDI của khu vực.


Trước hết, chúng tôi – Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) đánh giá rất cao và ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam, đặc biệt dưới sự lãnh đạo mạnh mẽ và quyết liệt của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, môi trường kinh doanh Việt Nam đã có nhiều cải thiện tích cực, trong đó phải kể đến các thủ tục hành chính đã đơn giản và tinh gọn với bước tiến dài trong năm 2017.

Chính điều này là cơ sở quan trọng để Việt Nam trở thành một trong những “thỏi nam châm” thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của khu vực. Theo số liệu từ Tổ chúc Xúc tiến Mậu dịch Nhật Bản (JETRO), năm 2017, Nhật Bản là quốc gia đứng đầu về số vốn đầu tư vào Việt Nam chiếm khoảng 30% tổng số vốn đầu tư, tăng gấp 7 lần so với năm 2016. Trong top 10 dự án đầu tư lớn năm 2017, có 3 dự án đầu tư mới của Nhật Bản và là đầu tư cơ sở hạ tầng. Theo sau là Hàn Quốc, và Singapore. Tổng dòng vốn từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore chiếm 70% vốn FDI của Việt Nam.

Cũng theo báo cáo của JETRO được công bố mới đây, năm 2017, có khoảng 65,1% doanh nghiệp Nhật Bản kinh doanh tại Việt Nam có lãi, tăng 2,3 điểm phần trăm và tỷ lệ doanh nghiệp Nhật Bản báo lỗ đã giảm 5,7 điểm phần trăm so với năm 2016. Vì vậy, có khoảng 88% doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng sẽ mở rộng hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Theo đó, bên cạnh các lĩnh vực truyền thống như công nghiệp chế tạo, cơ sở hạ tầng, khoáng sản thì những lĩnh vực như hạ tầng phục vụ đời sống được mở rộng, trong đó phải kể đến ngành bán lẻ và dịch vụ sẽ tiếp tục được doanh nghiệp Nhật Bản chú trọng đầu tư. Đây là những lĩnh vực Việt Nam có tiềm năng thị trường và Nhật Bản có thế mạnh đầu tư.

Với môi trường kinh doanh nói chung và thủ tục hành chính đã được cải thiện với những bước tiến dài, cùng hoạt động kinh doanh có lãi, tiềm năng thị trường trong những ngành JCCI mở rộng đầu tư lớn ..., sẽ là những cơ sở quan trọng để doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục quan tâm và mở rộng đầu tư tại Việt Nam trong năm 2018 và thời gian tới.

Hiệp định Thương mại Tự do giữa Liên Minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA) là một hiệp định toàn diện nhất mà Việt Nam từng tham gia ký kết. Hiệp định này đã chứng minh rằng Việt Nam là một đối tác thương mại tiên phong của châu Âu. Ngoài ra, năm 2017 là năm nhiều kênh truyền thông lớn châu Âu đã đưa tin về việc Việt Nam cam kết đẩy mạnh tăng trưởng thương mại và tăng cường hội nhập kinh tế Quốc tế cùng với các nền kinh tế APEC khác, sẽ tiếp tục Hiệp định TPP với tên gọi và hình thức mới: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Bình Dương (CPTPP).

Đó là lý do vì sao, ngay từ khi áp dụng chính sách mở cửa Việt Nam đã nhất quán áp dụng chiến lược gia tăng ký hết hiệp định thương mại tự do với các đối tác thương mại chính để hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu. Theo đó, Việt Nam đã là thành viên của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và sau này là thành viên của khu vực Thương mại tự do ASEAN (AFTA). Khi tham gia vào AFTA, các thành viên ASEAN cam kết biến khu vực này thành khu vực giao thương cạnh tranh. Cùng với các nước ASEAN, Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại với nhiều quốc gia quan trọng khác như Nhật Bản, Hàn Quốc...

Chính việc tham gia các FTA là những động lực quan trọng giúp Việt Nam kiện toàn một cách toàn diện môi trường đầu tư kinh doanh, bao gồm luật pháp và thủ tục hành chính.

Điều này được thể hiện rất rõ trong khảo sát Chỉ số Môi trường Kinh doanh (BCI) năm 2017, 67% doanh nghiệp châu Âu đang hoạt động kinh doanh tại Việt Nam cho rằng tình hình kinh doanh hiện tại là rất tốt và tốt. Theo đó, những yếu tố đóng vai trò trung tâm trong cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam theo ghi nhận của doanh nghiệp châu Âu đó là tăng cường minh bạch, thuận lợi trong thủ tục hành chính và thuế. Điều này phản ảnh các điều kiện kinh doanh của Việt Nam đã dược cải thiện theo hướng tích cực hơn.

Vì vậy, ngay trong những ngày đầu năm 2018, EuroCham đã triển khai một số chương trình hợp tác với Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương lân cận, trong đó có xúc tiến quảng bá tiềm năng kinh tế của Thành phố Hồ Chí Minh đến với các doanh nghiệp châu Âu. Ngoài ra,  vận động Quốc hội các nước châu Âu phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Đồng thời, làm việc với các cơ quan chức năng, doanh nghiệp Việt Nam để giới thiệu về lợi ích, tầm quan trọng của EVFTA....

Năm 2017, nhà đầu tư nước ngoài nói chung và Hàn Quốc nói riêng ghi nhận nhiều thay đổi mạnh mẽ trong môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Mới đây nhất phải kể đến Nghị định quy định chi tiết Luật Thương mại và Luật Quản lý ngoại thương. Sự tổ hợp những yếu tố vừa nêu khiến Việt Nam tiếp tục là điểm đến ưu tiên đầu tư và hợp tác của Hàn Quốc. Hiện nay, Việt Nam là một trong ba đối tác quan trọng nhất của Hàn Quốc, điều này được thể hiện rõ nhất qua câu chuyện kinh doanh của Sam Sung. Hiện nay, các nhà máy sản xuất của Samsung tại Việt Nam chiếm 50% tổng sản lượng nguồn cung cho thị trường trên toàn thế giới.

Trong chuỗi cung ứng của Samsung hiện nay, doanh nghiệp Việt Nam đã có sự gia tăng đáng kể. Cụ thể, nếu như năm 2014, số doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi cung ứng của Samsung chỉ dừng ở con số 4 thì năm năm 2017 đã có 19 doanh nghiệp. Dự kiến, năm 2020 số doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi cung ứng của Samsung sẽ là 50. Điều này đã phản ánh, mối quan hệ giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI nói chung và doanh nghiệp Hàn Quốc nói riêng đã có sự cải thiện trong tác động lan toả.

Ngoài ra, các doanh nghiệp Hàn Quốc sẵn sàng thực hiện các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) với nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Những doanh nghiệp này có thể gặp khó khăn về vốn và công nghệ trong việc mở rộng thị trường, tuy nhiện những doanh nghiệp này có hoạt động kinh doanh tốt và am hiểu thị trường Việt Nam. M&A là cách nhanh nhất để doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp nhận kinh nghiệm sản xuất, rút ngắn khoảng cách giữa ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam so với các nước trong khu vực.

Quay trở lại câu chuyện của Samsung, năm 2017, doanh thu của Samsung đạt khoảng 50 tỷ USD, Samsung đã mở rộng vốn đầu tư lên tới 1,5 tỷ USD vào dự án sản xuất Module EL organic tại tỉnh Bắc Ninh. Hay mới đây nhất là dự án Công ty TNHH Kefico Việt Nam, cấp phép năm 2009 với mục tiêu sản xuất phụ tùng và bộ phận phụ trợ cho xe có động cơ tại Hải Dương điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 120 triệu USD. Công ty TNHH Kefico Việt Nam là liên doanh giữa hai tập đoàn Huyndai Motor (Hàn Quốc) và Robert Bosch (Đức).

Theo đó, bên cạnh lĩnh vực như công nghiệp chế tạo thì nông nghiệp công nghệ cao cũng sẽ là lĩnh vực nhà đầu tư Hàn Quốc quan tâm để đầu tư kinh doanh tại Việt Nam trong thời gian tới. Cụ thể là một số doanh nghiệp Hàn Quốc có thế mạnh về mảng nông nghiệp như CJ đã tham gia khảo sát tại thị trường phía Nam Việt Nam.

Ngọc Hà - Đinh Thanh