Tập đoàn T&T lấn sân mảng bán lẻ và sức ép cạnh tranh

Nguyễn Long 25/02/2018 08:10

Thị trường bán lẻ Việt Nam hiện nay được xem như đất chật người đông khi có khá nhiều tập đoàn trong và ngoài nước tham gia. Kể từ cuối năm 2017, mảnh đất lại kết nạp thêm một thành viên mới là chuỗi Qmart của Tâp đoàn T&T.

Thị trường bán lẻ có thêm thành viên Qmart của Tập đoàn T&T

Thị trường bán lẻ có thêm thành viên Qmart của Tập đoàn T&T

Tháng 10 năm 2017, Ban Lãnh đạo Tập đoàn T&T đã quyết định thành lập công ty T&T Consumer gọi tắt là TTC. TTC sẽ xây dựng, quản lý và phát triển hệ thống chuỗi siêu thị mang thương hiệu Qmart, dự kiến sẽ có mặt trên toàn quốc.

Sau 2 tháng kể từ khi ra mắt thương hiệu, T&T đã liên tiếp khai trương 4 siêu thị Qmart tại Hà Nội. Trong đó, 2 siêu thị Qmart có diện tích 700m2 và 2 siêu thị Qmart+ có diện tích 100m2. Như vậy, T&T mở cả siêu thị và siêu thị mini, tương tự như cách mà Tập đoàn Vingroup mở Vinmart và Vinmart+.

Trước khi mở hệ thống siêu thị, T&T đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng vào một loạt công ty trong lĩnh vực nông nghiệp Vegetexco, Vigecam, Vinafor và sắp tới đây là Vinafood 2. Các công ty này sẽ giúp cung ứng sản phẩm đầu vào cho các siêu thị Qmart và Qmart+.

Như vậy, có thể thấy hiện nay do sinh sau đẻ muộn nên chuỗi Qmart và Qmart+ mới có mặt ở Hà Nội và chưa chiếm lĩnh được thị trường cũng như tạo được dấu ấn đậm nét đối với người tiêu dùng. Trong khi đó, thời gian qua thị trường đã có nhiều "ông lớn" cả trong và ngoài nước đi trước, chiếm được những vị trí đẹp, đông dân cư tại Hà Nội, chưa kể họ đã có được dấu ấn đối với người tiêu dùng Hà Nội.

Ví dụ một doanh nghiệp trong nước là Tập đoàn Vingroup với chuỗi siêu thị Vinmart. Không thể phủ nhận một điều đó là nhắc đến Vinmart người dân Hà Nội đều ấn tượng bởi tần suất xuất hiện dày đặc, gần như mọi con phố đều thấy Vinmart. Với chiến lược mở rộng nhanh, liên tục, kinh doanh theo chuỗi khép kín từ khâu đầu vào đến đầu ra, dần dần Vinmart đã gây thiện cảm cho người tiêu dùng về sự tiện lợi cũng như giá cả phải chăng, chất lượng đảm bảo.

Còn với doanh nghiệp nước ngoài phải kể đến chuỗi Circle K. Sự cạnh tranh giữa Circle K và Vinmart có thể thấy rõ bởi gần như ở đâu có Vinmart thì Circle K cũng nằm gần đó. Đối tượng hướng đến của Circle K chính là giới trẻ và khách du lịch. Việc phục vụ 24/24 giờ, cung cấp thực phẩm ăn nhanh tại chỗ, có phục vụ chỗ ngồi, là dấu ấn và hướng đi riêng biệt của Circle K. Đặc biệt, ở đây lại có các sản phẩm nhập khẩu được giới trẻ ưa thích theo xu hướng mà các địa điểm bán lẻ khác không có.

Vậy với Qmart sinh sau đẻ muộn như vậy, Tập đoàn T&T sẽ định hướng thương hiệu của mình trên thị trường bán lẻ như thế nào? Qmart hiện có vốn điều lệ 100 tỷ đồng và do Tập đoàn T&T sở hữu 100%. Nhưng hiện nay, Tập đoàn T&T lại chưa có nhiều kinh nghiệm trong ngành bán lẻ, ba lĩnh vực đầu tư chính của tập đoàn này là bất động sản, tài chính và công nghiệp.

Trong khi đó, thị trường bán lẻ Việt Nam lại đang ngày một phát triển, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, thị trường bán lẻ hàng hóa trong nước năm 2017 ước đạt 2.937.300 tỉ đồng (khoảng 129,56 tỉ đô la Mỹ), tăng 10,9% so với năm 2016. Trong năm qua, Việt Nam cũng đã tăng 5 bậc lên vị trí thứ 6 trong Chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu (GRDI).

Cùng với đó, theo đánh giá của các chuyên gia ngành bán lẻ, hiện nay thị phần của nhà đầu tư nước ngoài chiếm 50% kênh bán lẻ hiện đại và trong xu hướng ngày càng tăng.

Như vậy, với một thị trường tiềm năng, có sự cạnh tranh mạnh của các thương hiệu nước ngoài lẫn trong nước, liệu Qmart sẽ chọn hướng đi nào để khẳng định chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng đang là câu hỏi đặt ra cho ban lãnh đạo công ty.

Nguyễn Long