Ấn Độ đẩy mạnh đầu tư vào năng lượng tái tạo Việt Nam
Chuyến thăm cấp Nhà nước tại Cộng hoà Ấn Độ của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và phu nhân sẽ mở ra nhiều làn sóng đầu tư của Ấn Độ vào Việt Nam. Theo đó, dòng vốn đầu tư sẽ tập trung vào những lĩnh vực như năng lượng tái tạo, kết cấu hạ tầng, giáo dục và công nghệ thông tin..
Nhiều “ông lớn” Ấn Độ đã có mặt tại thị trường Việt Nam từ rất sớm, trong đó phải kể đến TATA, một trong những tập đoàn hàng đầu của Ấn Độ đã hoạt động kinh doanh và đầu tư trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, hay những cái tên khác như Tập đoàn Adani Green Energy và Suzlon.
“Ông lớn” quen thuộc
Mới đây nhất, phải kể đến dự án đầu tư điện mặt trời của Tập đoàn Ta Ta tại Bình Phước với tổng vốn đầu tư trị giá 54 triệu USD. Được biết, dự án điện mặt trời này có công suất khoảng 49 MW với diện tích thuê đất khoảng 55 ha đất tại xã Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước.
Lý giải một trong những nguyên nhân khiến nhà đầu tư hàng đầu Ấn Độ này triển khai dự án tại Bình Phước, ông Shenbagam Manthiram, Trưởng đại diện Tập đoàn TaTa Power cho biết: “Qua khảo sát, số giờ nắng của Bình Phước đạt tỷ lệ khá cao. Ngoài ra, xã Lộc Tấn có hạ tầng kết nối về đường giao thông và điều kiện đấu nối điện hòa mạng lưới quốc gia khá thuận lợi. Vì vậy đây là những cơ sở để doanh nghiệp chọn địa bàn này để triển khai dự án”.
Ngoài ra, “ông lớn” của Ấn Độ cũng đã có đề nghị với UNBD tỉnh Bình Phước về việc tạo điều kiện cho dự án hoàn thành trước tháng 6/2019 để nhà đầu tư có thể tận dụng ưu đãi về giá bán điện của Chính phủ Việt Nam.
Trước đó, năm 2013, nhà đầu tư đến từ Ấn Độ này cũng đã đầu tư 1,8 tỷ USD vào nhà máy nhiệt điện Long Phú 2 tại Sóc Trăng với công suất 1.200 MW. Long Phú 2 là một trong ba nhà máy điện thuộc Trung tâm Điện lực Long Phú. Nhiệt điện Long Phú 1 với công suất 1.200 MW do tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) làm chủ đầu tư. Nhiệt điện Long Phú 2 đã được giao cho tập đoàn Sông Đà làm chủ đầu tư từ tháng 5/2010, nhưng vào tháng 8/2012, do phải tập trung nguồn lực tài chính để thực hiện các dự án thủy điện nên tập đoàn Sông Đà đã xin trả lại dự án này.
Việc nhà máy nhiệt điện Long Phú II được hoàn thành và đi vào triển khai là bước ngoặt quan trọng góp phần thúc đẩy đầu tư giữa Việt Nam - Ấn Độ được khai thông và mở đường cho nhiều dự án của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Ấn Độ vào Việt Nam sau này.
Năm 2017, TATA triển khai các dự án điện mặt trời tại 4 tỉnh của Việt Nam với tổng công suất dự kiến là 250 MW. Được biết, sau khi đầu tư vào năng lượng tái tạo và lĩnh vực đồ uống, tập đoàn này sẽ mở rộng đầu tư sang các lĩnh vực khác tại Việt Nam.
Cam kết sử dụng công nghệ hiện đại nhất
Những cái tên sau này như Công ty Adani Green Energy Limited đã khảo sát và tìm hiểu một số địa phương ở Việt Nam để phát triển nhiều dự án năng lượng tái tạo.
Mặc dù không tiết lộ con số cụ thể về dự án, song ông Jayant Parimal, Giám đốc điều hành Công ty Adani Green Energy Limited đã bày tỏ mong muốn sẽ phát triển ít nhất 1.000 MW năng lượng tái tạo ở Việt Nam.
Bên cạnh hai nhà đầu tư lớn của Ấn Độ nêu trên, Tập đoàn Suzlon cũng bày tỏ quan tâm đầu tư vào các dự án phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam bằng những công nghệ hiện đại nhất trên thế giới.
Được biết, Suzlon là một trong những tập đoàn có thế mạnh vượt trội trong lĩnh vực công nghệ điện năng tái tạo với nhiều trung tâm nghiên cứu có đội ngũ kỹ sư đầu ngành, trình độ cao. Suzlon cũng là một trong số ít các doanh nghiệp Ấn Độ lọt vào top 10 thế giới trong lĩnh vực này.
Ông Himanshoo Raj Khare, Giám đốc các thị trường mới nổi của Tập đoàn Suzlon cho biết: “Trong một năm rưỡi qua, Tập đoàn đã đến Việt Nam để tiến hành khảo sát tại 5 địa phương, gặp gỡ, làm việc với nhiều bộ, ngành, địa phương ở Việt Nam. Tập đoàn mong muốn được tạo thuận lợi trong quá trình đàm phán cấp phép đầu tư, xây dựng dự án tại Việt Nam”.
Những dự án đầu tư từ Ấn Độ với cam kết sử dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến luôn được Việt Nam hoan nghênh và đón nhận. Những dự án này không chỉ đáp ứng được yêu cầu bảo vệ môi trường, năng lực cạnh tranh của dự án, nhà đầu tư mà còn mở ra những kỳ vọng về chuyển giao công nghệ và chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam được nâng cao trong thời gian tới.
Hiện nay, Ấn Độ đầu tư tại Việt Nam với 176 dự án với tổng vốn đầu tư đạt khoảng 814 triệu USD và xếp thứ 28 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư tại Việt Nam.