Khó thu hút vốn tư nhân, giao thông Việt Nam sẽ trở nên trầm trọng

Tiến Dũng thực hiện 07/03/2018 16:09

Nếu chúng ta không có giải pháp kịp thời nhằm huy động vốn tư nhân, thì tình hình giao thông của Việt Nam trong vài năm tới sẽ trở nên trầm trọng hơn. Đó là khẳng định của Ông Phạm Văn Khôi - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành - Chủ đầu tư tuyến đường BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ khi trao đổi với DĐDN.

Mặc dù thừa nhận tình hình hạ tầng giao thông của Việt Nam trong mấy năm trở lại đây đã có sự cải thiện rõ rệt, nhưng ông Khôi cho rằng đã bắt đầu xuất hiện những tín hiệu mới đáng lo ngại. Nếu chúng ta không có giải pháp kịp thời thì vài năm nữa hiện tượng xuống cấp và tắc nghẽn giao thông sẽ trở nên trầm trọng hơn.

Thưa ông, căn cứ vào đâu mà ông lại cho rằng tình hình giao thông Việt Nam trong những năm tới rất đáng lo ngại, khi mà thời gian qua đã có hàng loạt dự án đường cao tốc mới được đưa vào sử dụng?.

Đúng là thời gian qua, chúng ta đã đưa vào sử dụng nhiều dự án cao tốc mới. Tuy nhiên chỉ trong một thời gian ngắn do tốc độ phát triển của nền kinh tế, tăng trưởng  về phương tiện tham gia giao thông khiến hầu hết các dự án giao thông mặc dù mới đưa vào sử dụng nhưng đã bắt dầu có dấu hiệu quá tải. Có thể kể ra đây như: dự án cao tốc Sài Gòn Trung Lương, cao tốc Pháp Vân Ninh Bình, cao tốc Bắc Nam, cao tốc Hà Nội – Lào Cai, hàng loạt các tỉnh lộ…

Không chỉ quá tải, do trước đây chúng ta chạy theo thành tích, chạy theo tiến độ nên rất nhiều dự án mới đưa vào sử dụng chưa lâu nay đã bắt đầu xuống cấp, bắt đầu nún, nứt, đặc biệt là các dự án được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn nhà nước, vốn ODA. Trước Tết, tôi đã có một chuyến công tác phía Nam và thực sự lo ngại khi chứng kiến tình trạng quá tải, hiện tượng xuống cấp của các dự án như: Quốc lộ 80, Quốc lộ 1 đoạn Trung Lương – Mỹ Thuận, Quốc lộ 91... Nếu chúng ta không kịp thời sửa chữa, nâng cấp hay làm mới thì vài năm nữa tình trạng xuống cấp, kẹt xe sẽ trầm trọng hơn bây giờ nhiều.

Bằng các nguồn vốn tư nhân, hạ tầng giao thông Việt nam đã được cải thiện đáng kể thời gian qua.

Bằng các nguồn vốn tư nhân, hạ tầng giao thông Việt nam đã được cải thiện đáng kể thời gian qua.

Hiện tượng này cũng đã xuất hiện cách đây vài năm và chúng ta đã giải quyết rất tốt đó thôi, Liệu ông có lo ngại thái quá hay không?.

Đúng là những hiện tượng ùn tắc, quá tải và xuống cấp về giao thông đã xuất hiện trước đây và chúng ta đã tích cực giải quyết trong những năm qua. Tuy nhiên, giờ mọi việc đã trở nên khó khăn hơn trước vì tất cả các nguồn vốn đều đã hết, việc khắc phục sẽ nan giải hơn rất nhiều.

Thứ nhất, trước đây chúng ta thuộc diện nước nghèo, việc vay vốn ưu đãi từ nước ngoài (vốn ODA) để phát triển hạ tầng khá thuận lợi. Việc này đã giúp chúng ta có một nguồn vốn dồi dào, cải thiện quan trọng hạ tầng giao thông. Tuy nhiên giờ Việt Nam đã xếp vào hàng các nước đang phát triển nên nguồn vốn đó đã dần mất đi.

Thứ hai, do nguồn vốn ngân sách của nhà nước để phát triển hạ tầng giao thông hàng năm rất hạn hẹp, chỉ đáp ứng một phần nhu cầu rất nhỏ nên thời gian qua chúng ta đã dựa vào nguồn vốn tư nhân, vốn từ doanh nghiệp để đầu tư theo hình thức BT, BOT. Tuy nhiên, do thời gian qua có quá nhiều bất cập trong chính sách đầu tư đối tác công – tư (PPP) nên hiện rất ít nhà đầu tư tư nhân dám tiếp tục bỏ vốn đầu tư theo hình thức này.

Ông nói rằng việc huy động nguồn vốn tư nhân đầu tư theo hình thức BT, BOT là rất quan trọng, nhưng rõ ràng thời gian qua kênh đầu tư này đã có quá nhiều tai tiếng, liệu chúng ta có nên tiếp tục phát triển loại hình này nữa không?.

Theo ước tính, từ nay tới năm 2020, nhu cầu vốn đầu tư phát triển giao thông của Việt Nam vào khoảng 50 tỷ USD. Chỉ tính riêng vốn đầu tư cho cao tốc Bắc Nam đã là xấp xỉ 120 ngàn tỷ đồng, tương đương gần 6 tỷ USD, đây quả là con số cực lớn, vượt xa lượng cung của ngân sách Quốc gia.

Với con số này tôi xin khẳng định không có bất cứ một nguồn vốn nào đáp ứng nổi trừ việc huy động nguồn vốn tư nhân theo hình thức đối tác công – tư, điển hình là đầu tư BOT, tức là tư nhân bỏ vốn đầu tư xây dựng, sau đó khai thác thu phí hoàn vốn như chúng ta đã làm trước đây. Đây cũng là hình thức phổ biến và hiệu quả nhất không chỉ ở các nước đang phát triển, mà ngay ở cả các nước giàu có cũng đang áp dụng hình thức này.

Thời gian qua đúng là việc đầu tư theo hình thức BOT đã xảy ra quá nhiều bất cập, gây tai tiếng và mất niềm tin trong nhân dân, Theo tôi, để xảy ra tình trạng đó có những nguyên nhân sau

Thứ nhất đó là chúng ta chưa có một hành lang pháp lý an toàn, những quy định chặt chẽ, phù hợp khiến việc đầu tư BOT thời gian qua thiếu minh bạch, thiếu công bằng, tạo ra nhiều kẽ hở để một vài kẻ xấu lợi dụng làm những điều không đúng.

Tiếp theo đó là sự vào cuộc thiếu trách nhiệm và quyết liệt của các cơ quan quản lý khiến các nhà đầu tư tư nhân đơn độc, tự mình phải giải quyết những việc đáng ra không phải là trách nhiệm của họ. Tôi có thể đơn cử như việc giải phóng mặt bằng lẽ ra phải là việc của địa phương nhưng hầu hết các nhà đầu tư phải bỏ công sức, tiền của để tự mình giải quyết khiến thời gian đầu tư bị kéo dài, chi phí không chính thức tăng lên, hiện tượng tiêu cực vì thế mà phát sinh.

Bên cạnh đó, chính sách không nhất quán về chế độ thu phí hoàn vốn khiến nhiều nhà đầu tư tư nhân bị rới vào tình trạng thua lỗ.

Giờ đây nói thật là nhà đầu tư như chúng tôi rất sợ bỏ tiền vào đầu tư theo hình thức BT, BOT. Nếu chúng ta không có những giải pháp kịp thời thì tình hình giao thông nói riêng và đầu tư hạ tầng nói chung sẽ rơi vào tình trạng thiếu vốn trầm trọng.

Vậy theo ông chúng ta cần phải làm gì để có thể vừa huy động được nguồn lực lại vừa sử dụng hiệu quả nguồn vốn kinh tế tư nhân mà vẫn hạn chế thấp nhất việc phát sinh tiêu cực trong đầu tư hạ tầng giao thông những năm tiếp theo?.

Để nâng cao hiệu quả, thu hút tối đa nguồn vốn tư nhân cũng như hạn chế thấp nhất tiêu cực chúng ta cần những giải pháp đồng bộ từ Chính phủ, các cơ quan quản lý và hệ thống giám sát nhân dân.

Đầu tiên, chúng ta phải xây dựng và ban hành những quy định rõ ràng, chặt chẽ, nhất quán về đầu tư công, về việc huy động nguồn vốn tư nhân, về đầu tư đối tác công - tư, để khuyến khích và thu hút tư nhân đầu tư vào hạ tầng giao thông.

Niêm yết và công bố công khai các dự án đầu tư, phương thức đầu tư, chính sách đầu tư và đấu thầu công khai minh bạch các dự án để dân biết, dân kiểm tra cũng như chọn lựa được các nhà đầu tư đủ năng lực tài chính và năng lực thi công.

Các cơ quan quản lý nhà nước cần chủ động và tích cực ngay từ đầu làm tốt công tác lên kế hoạch, tính toán, đánh giá và thẩm định dự án khoa học, chặt chẽ, tránh thay đổi chính sách đầu tư, tránh tình trạng thanh kiểm tra trong quá trình triển khai, giúp nhà đầu tư yên tâm thực hiện dự án.

Các cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương cũng cần làm tốt phần việc của mình trong việc nhanh chóng hoàn thiện thủ tục hành chính, đặc biệt là công tác GPMB, thúc đẩy dự án vào khai thác đúng tiến độ, góp phần bảo vệ nhà đầu tư, bảo vệ quyền lợi nhân dân.

Điều mong muốn cuối cùng của các nhà đầu tư tư nhân đó là nhà nước và các cơ quan quản lý hãy trân trọng và công nhận những nổ lực của nhà đầu tư bằng cách tối đa hóa năng lực thi công, cải tiến phương pháp và áp dụng công nghệ mới trong thi công nhằm tiết giảm chi phí, gia tăng lợi nhuận, tránh tình trạng soi mói, nghi ngờ và bắt lỗi vô cớ, giúp các nhà đầu tư yên tâm và hào hứng bỏ tiền tham gia các dự án khác.

        Xin cảm ơn ông

Tiến Dũng thực hiện