Uber sẽ nhường thị trường Đông Nam Á cho Grab?

Nguyễn Long 10/03/2018 06:15

Grab có thể sắp đạt được thỏa thuận mua lại cổ phần của Uber Technologies Inc. hoạt động tại Đông Nam Á, thương vụ này có thể sẽ giống như thỏa thuận giữa Uber Didi Chuxing ở Trung Quốc vào năm 2016.

Uber sẽ nhường thị trường Đông Nam Á cho Grab?

Uber sẽ nhường thị trường Đông Nam Á cho Grab?

Theo thỏa thuận, Grab sẽ mua các hoạt động của Uber tại một số thị trường nhất định ở Đông Nam Á và Uber sẽ nắm giữ cổ phần của Grab. Nội dung cơ bản của thương vụ này sẽ giống như thỏa thuận giữa Uber với Didi Chuxing ở Trung Quốc vào năm 2016, khi Uber bán hoạt động tại Trung Quốc để đổi lấy cổ phần trong công ty Didi Chuxing. Theo một kịch bản được xem xét, cổ phần của Uber trong Grab có thể sẽ cao hơn 20%.

Hiện nay, Grab đã có những cuộc thảo luận riêng với các nhà tài trợ hiện có, bao gồm SoftBank Group Corp., và các nhà đầu tư mới để bổ sung vốn. Theo CB Insights, Grab hiện đạt trị giá 6 tỷ USD và các cuộc đàm phán giữa các bên hiện tại có thể vẫn chưa kết thúc, các điều khoản và thời gian ký kết có thể thay đổi. Cả Grab và Uber đều từ chối đưa ra bất kỳ bình luận nào.

Theo nhà đồng sáng lập, Giám đốc điều hành của Grab, ông Anthony Tan, thỏa thuận này sẽ chấm dứt một cuộc cạnh tranh khốc liệt trên thị trường dịch vụ xe chung đang phát triển nhanh chóng ở Đông Nam Á. Doanh nghiệp của ông đang bị kìm hãm bởi cuộc chiến dành quyền thống lĩnh thị trường tại nhiều thành phố lớn tại Đông Nam Á, khu vực sinh sống của hơn  620 triệu dân.

Trong khi đó, tân Giám đốc điều hành của Uber, ông Dara Khosrowshahi, đang nỗ lực cải thiện tình hình tài chính của công ty để chuẩn bị cho đợt IPO lần đầu ra công chúng vào năm tới. Nhường thị trường Đông Nam Á cho Grab có thế giúp Uber thu thêm lợi nhuận từ khoản lỗ 10,7 tỷ USD từ khi thành lập 9 năm trước. Tháng trước, vị CEO của Uber trong chuyến thăm châu Á đã cam kết rằng Nhật Bản và Ấn Độ sẽ là thị trường trọng điểm họ hướng tới.

Ông Zafar Momin, Phó giáo sư tại Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore cho rằng hiện nay Grab có lợi thế hơn Uber khi nắm bắt được nhu cầu của từng thị trường, trong khi đó Uber lại chỉ đơn điệu “nhân bản” một cách kinh doanh tại tất cả các quốc gia, có chăng chỉ có vài sự thay đổi nhỏ cho phù hợp với từng nước hơn mà thôi.

Vào tháng 1 vừa qua, ông Rajeev Misra, một thành viên của SoftBank đã tham gia Hội đồng quản trị của Uber, đưa ra đề nghị trong cuộc phỏng vấn với Financial Times rằng Uber nên tập trung vào các thị trường cốt lõi như Mỹ, Châu Âu, Mỹ Latinh và Australia. 

Hiện Grab có hơn 81 triệu lượt tải xuống ứng dụng dành cho điện thoại di động, đang cung cấp dịch vụ tại 178 thành phố trên khắp Singapore, Indonesia, Philippines, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam, Myanmar và Campuchia.

Tại Việt Nam, vấn đề quản lý Uber và Grab vẫn đang gây nhiều tranh cãi, đặc biệt cơ quan quản lý không nắm được có bao nhiêu xe Uber và Grab đang chạy trên đường. Trong phát biểu mới nhất tại cuộc họp bàn về Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, ông Nguyễn Văn Thể Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết, muốn quản lý Uber và Grab như loại hình taxi. Ông cũng cho rằng, dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 phải làm thật chặt chẽ, đặc biệt là những quy định liên quan tới quản lý Uber, Grab. 

"Uber, Grab hay taxi truyền thống thì bản chất là như nhau. Nếu Grab và Uber chấp nhận hoạt động chịu sự quản lý như taxi truyền thống thì Bộ Giao thông Vận tải đồng ý. Nếu không chấp hành nghiêm thì mời ra khỏi Việt Nam,” Bộ trưởng Thể nói.

Nguyễn Long