PAN có tham vọng "nuốt trọn" NSC?

Nguyễn Long 17/03/2018 05:40

Pan Farm- công ty con của CTCP Tập đoàn PAN (PAN) đăng ký mua thêm 800.000 cổ phiếu của CTCP Giống cây trồng Trung ương (Vinaseed, MCK: NSC) để nâng tỷ lệ sở hữu tại doanh nghiệp này lên hơn 80% vốn cổ phần.

Tham vọng PanFarm khi muốn nuốt trọn Vinaseed

Pan Farm được cho là đang có tham vọng ôm trọn Vinaseed

Từ 19/3 đến 18/4/2018, Pan Farm đăng ký sẽ mua thêm 800.000 cổ phiếu NSC (Hiện Pan Farm đang sở hữu 75,06% vốn điều lệ NSC).

Nếu giao dịch này được thực hiện thành công sẽ giúp Pan Farm tăng lượng cổ phiếu nắm giữ tại NSC từ 11,47 triệu cổ phiếu lên hơn 12,27 triệu cổ phiếu, tương đương hơn 80% vốn cổ phần.

Trước đó, Pan Farm đã thông qua NSC để chào mua toàn bộ gần 3,4 triệu cổ phiếu của CTCP Giống cây trồng Miền Nam (MCK: SSC) với giá dự kiến 70.000 đồng/cp nhằm nâng sở hữu lên 100%.

Tại thời điểm cuối năm 2017, PAN có nợ phải trả chỉ chiếm 30,6% tổng nguồn vốn chủ sở hữu, trong đó vay ngắn hạn là 682 tỷ đồng và vay dài hạn 236 tỷ đồng. Tuy vốn điều lệ chỉ 1.177 tỷ đồng nhưng vốn chủ sở hữu của Pan đạt 4.164 tỷ đồng nhờ có thặng dư 1.021 tỷ đồng cùng các quỹ, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối và lợi ích cổ đông không kiểm soát.

Về mặt tài sản, PAN đang có gần 1.119 tỷ đồng nằm tại tiền và các khoản tương đương tiền, chiếm gần 1/6 tổng tài sản. Khoản mục chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản của tập đoàn là tài sản cố định với 1.712 tỷ đồng gồm 806 tỷ tài sản cố định hữu hình (nguyên giá 1.521 tỷ) và 905 tỷ tài sản cố định vô hình (nguyên giá 948 tỷ).

PAN là một tập đoàn ban đầu hoạt động trong lĩnh vực vệ sinh công nghiệp, nhưng 5-6 năm trở lại đây đã chuyển sang nông nghiệp và thực phẩm. Để thực hiện việc chuyển đổi này, hướng đi của PAN chính là các thương vụ M&A.

Được biết NSC cùng 10 doanh nghiệp thành viên khác tạo nên chuỗi giá trị ngành nông nghiệp của PAN, bao gồm nghiên cứu & phát triển, giống thương mại, trồng trọt công nghệ cao, đóng gói và phân phối.

Cùng với NSC, PAN còn sở hữu PAN Salad Bowl (hợp tác cùng Nhật Bản) trong lĩnh vực trồng trọt; Aquatex Bến Tre, Thực phẩm Sao Ta và Nước mắm 584 Nha Trang trong lĩnh vực thực phẩm tiêu dùng hàng ngày; Bibica, Chế Biến Hàng Xuất Khẩu Long An và PAN Food Manufacturing trong lĩnh vực thực phẩm tiện lợi.

PAN đang định hướng trở thành tập đoàn nông nghiệp - thực phẩm số một, chủ yếu thông qua chiến lược M&A quy mô lớn. Đồng hành cùng Tập đoàn là nhiều quỹ đầu tư lớn như Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) - thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới, TAEL Two Partners, Government of Singapore (GIC), PYN ELITE FUND (NON-UCITS), Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI), NDH Invest, CSC Việt Nam.

Năm 2017, mảng nông nghiệp đóng góp 37% vào tổng doanh thu trên 4.000 tỉ đồng của Tập đoàn. PAN kỳ vọng sẽ cán mốc 1 tỉ USD doanh thu và 95-100 triệu USD lợi nhuận trước thuế, theo chiến lược phát triển giai đoạn 2018-2022. Trong đó, 50% động lực tăng trưởng sẽ đến từ hoạt động M&A và 50% còn lại đến từ tăng trưởng bằng nguồn lực sẵn có.

Nguyễn Long