SMEs ứng dụng công nghệ 4.0: "đầu tiên là... tiền đâu"

Nguyễn Long 24/03/2018 06:30

Đây là chia sẻ của ông Hà Quyết Thắng – Giám đốc Cty TNHH sản xuất và dịch dịch vụ thương mại Kim Long khi nói về những khó khăn của doanh nghiệp nhỏ khi tiếp cận công nghệ mới.

 Ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất có dễ dàng?

Ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất có dễ dàng?

Chia sẻ kinh nghiệm của Kim Long tại hội thảo về đổi mới sản xuất và quản lý doanh nghiệp, ông Thắng cho biết, bản thân là một doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) để có được dây chuyền tự động, quản lý thông minh như hiện nay là cả một quá trình tích lũy và đầu tư kỹ thuật lâu dài.

Việc các doanh nghiệp SMEs muốn thay đổi để bắt kịp xu hướng cách mạng công nghệ 4.0 như hiện nay cần một quá trình đầu tư bài bản và lâu dài, cũng theo vị giám đốc này, để đổi mới trong sản xuất điều quan nhất chính là nguồn vốn. 

Việc đầu tư cho dây chuyền sản xuất mới là bài toàn gây đau đầu không ít doanh nghiệp lớn chứ không nói đến là các doanh nghiệp nhỏ và vừa do chi phí bỏ ra rất lớn. “Nguồn vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng, máy móc tăng gấp 3-4 lần so với công nghệ cũ" - ông Thắng khẳng định.

Tuy nhiên, đây sẽ là khoản đầu tư xứng đáng bởi “sản phẩm làm ra từ dây chuyền với công nghệ cũ có mẫu mã không đẹp, quy trình sản xuất chậm, nhưng với dây chuyền hiện đại, sản phẩm đạt độ chính xác cao, quá trình sản xuất được đẩy nhanh. Một số chi tiết cần độ chính xác cao, bắt buộc phải có máy móc mới để đạt được yêu cầu”- ông Thắng cho biết.

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng lạc quan với việc áp dụng công nghệ 4.0 vào trong sản xuất. Bà Dương Thị Liên Hương, Giám đốc Công ty TNHH SX & TM Tân Bắc Đô chuyên sản xuất và kinh doanh hàng dệt may xuất khẩu cho rằng, nếu chỉ dừng lại ở việc thay đổi sang dây chuyền sản xuất tự động, máy móc hiện đại hơn thì mới dừng lại ở mức công nghệ 3.0. Điều này các doanh nghiệp dệt may nói riêng và các doanh nghiệp SMEs có thể thực hiện được. Nhưng với cuộc cách mạng công nghệ 4.0, doanh nghiệp còn cần đến trí thông minh nhân tạo (AI) trong quá trình sản xuất, quản lý.

Theo bà Hương, AI có thể áp dụng được với các doanh nghiệp sản xuất các linh phụ kiện, máy móc bởi việc sản xuất các chi tiết được áp dụng có thông số kỹ thuật quốc tế, những quy ước chung quốc tế. Nhưng với may mặc, đặc thù là sản phẩm thời trang, trang phục phụ thuộc vào từng đối tượng hướng đến như khách hàng châu Âu, châu Á, "người Việt Nam thích mặc chiết eo, trong khi châu Âu họ lại thích rộng rãi" - bà Hương cho biết, dẫn đến không thể áp dụng một cách máy móc trong sản xuất.

Đại diện doanh nghiệp này cho biết, với việc sản xuất trang phục may mặc thời trang với số lượng hạn chế, AI chưa thể phát huy được vai trò của mình, nhưng khi áp dụng sản xuất số lượng lớn, ví dụ như sản xuất đồng phục cho học sinh, đồng phục y tế thì AI lại phát huy được thế mạnh. Khi đưa yêu cầu về sản phẩm cho AI, nó sẽ tính toán cho ra kết quả về mẫu mã, loại vải, thời gian trung bình sản xuất một sản phẩm, chi phí dự tính, từ đó tính toán được thời gian hoàn thiện hợp đồng, như vậy sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí nghiên cứu cho doanh nghiệp.

Giáo sư Byeong Jun Song

Giáo sư Byeong Jun Song khẳng định: việc đổi mới doanh nghiệp theo cuộc cách mạng 4.0 ngoài việc hiện đại hóa dây chuyền sản xuất các doanh nghiệp còn phải thực hiện số hóa và hệ thống hóa thông tin

Bên cạnh đó, Giáo sư Byeong Jun Song, thuộc Ban chuyên gia phát triển Smart Factory cho biết, việc đổi mới doanh nghiệp theo cuộc cách mạng 4.0 ngoài việc hiện đại hóa dây chuyền sản xuất các doanh nghiệp còn phải thực hiện số hóa và hệ thống hóa thông tin. “Thay đổi cách quản lý truyền thống qua giấy tờ sổ sách bằng việc số hóa các thông tin. Thông tin sau khi được số hóa sẽ được chia sẻ cho các thành phần liên quan của doanh nghiệp như bộ phận kỹ thuật, bộ phận sản xuất … Để trở thành một nhà máy thông minh, thì số hóa và hệ thống hóa thông tin là yếu tố tiên quyết” - ông Byeong Jun Song khẳng định.

Nguyễn Long