Thu hút FDI vào Việt Nam nhìn từ GMS6

Ngọc Hà 01/04/2018 05:03

Nhiều nhà đầu tư lớn trong khu vực đã đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam trong khuôn Diễn đàn Thượng đỉnh kinh doanh Tiểu vùng Mekong (GMS).

Lễ trao giấy chứng nhận đầu tư có sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Chính phủ Thái Lan Prayut ChanOCha.

Lễ trao giấy chứng nhận đầu tư cho Tập đoàn Amata có sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Chính phủ Thái Lan Prayut ChanOCha.

Diễn đàn Thượng định Kinh doanh Tiểu vùng sông Mekong mở rộng lần thứ 6 (GMS6 ) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức mới đây đã ghi nhận nhiều dự án đầu tư và thoả thuận hợp tác từ nhà đầu tư lớn trong khu vực này vào Việt Nam.

Tăng cường đầu tư vào Việt Nam

Trong đó, phải kể đến dự án đầu tư xây dựng vào khu công nghiệp trên địa bản tỉnh Quảng Ninh trị giá khoảng 156 triệu USD tương đương khoảng 3.500 tỷ đồng, do Tập đoàn đầu tư bất động sản, công nghiệp Amata (Thái Lan) làm chủ đầu tư. Theo đó, dự án sẽ đầu tư vào xây dựng, kinh doanh cơ sở hạ tầng tại KCN Sông Khoai. Đây là dự án phát triển hạ tầng KCN đầu tiên của nhà đầu tư Thái Lan tại Quảng Ninh. Dự án sẽ do Amata Việt Nam Public Company Limited (Amata VN Pcl) là công ty con của Tập đoàn Amata thực hiện.

Dự án này sẽ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KCN Sông Khoai với hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của nhà đầu tư và thu hút các dự án đầu tư vào KCN, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động sản xuất trong KCN, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh song song với việc đảm bảo sự cân bằng xã hội và bảo vệ môi trường.

Với hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện đại, KCN sẽ ưu tiên các dự án thuộc lĩnh vực: công nghệ chế biến, chế tạo, công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ phần mềm, sản xuất sạch giảm khói bụi và tiếng ồn…

Đối với tỉnh Quảng Ninh, đây là dự án đầu tư hạ tầng KCN thứ 4 do nhà đầu tư nước ngoài thực hiện được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trên địa bàn tỉnh từ năm 2014 trở lại đây.

Có được “trái ngọt” này phải phải kể đến hành trình làm việc giữa nhà đầu tư nước ngoài và địa phương từ những năm trước đây. Còn nhớ tháng 10/2013, UBND Tỉnh Quảng Ninh và Tập đoàn Amata đã ký thoả thuận hợp tác đầu tư chiến lược. Thoả thuận này là một trong những “chất xúc tác” thúc đẩy nhanh quá trình hoàn tất thủ tục cần thiết cho dự án nói trên với quy mô vốn đầu tư của giai đoạn I từ 1,5-2 tỷ USD tại thị xã Quảng Yên, thành phố Hạ Long và thành phố Uông Bí.

Cũng vào thời điểm đó,  ông Vikrom Kromadit- người sáng lập Tập đoàn Amata cho biết Amata sẽ tiếp tục đầu tư nhiều hơn vào Việt Nam sau khi đã thành công với dự án hạ tầng khu công nghiệp Amata ở Đồng Nai. Trong thời gian qua, Khu công nghiệp Amata ở tỉnh Đồng Nai đã thành công trong việc thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất.

Niềm tin vào môi trường kinh doanh  

Như vậy có thể thấy, niềm tin về môi trường kinh doanh và sự thành công trong kinh doanh chính là động lực thúc đẩy các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và nhà đầu tư Thái Lan nói riêng mở rộng đầu tư và “đổ vốn” vào thị trường Việt Nam.

Niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường Việt Nam đã được chứng minh qua kết quả khảo sát Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2017 do VCCI công bố mới đây, khoảng 60% nhà đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục mở rộng kinh doanh tại Việt Nam. Hay như kết quả công bố của của Tổ chức Xúc tiến Mậu dịch Nhật Bản (JETRO) cho kết quả 70% doanh nghiệp Nhật Bản sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam.

Được biết, Diễn đàn GMS 6 đã thông qua cơ chế đối thoại giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp và doanh nghiệp với chính phủ, đây chính là cơ hội giúp Việt Nam tạo sức hấp dẫn lớn hơn nữa trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.

Chỉ số niềm tin của nhà đầu tư tăng, môi trường kinh doanh được cải thiện và cơ chế chính sách ngày càng thông thoáng chính là những xung lực mạnh mẽ giúp Việt Nam tiếp tục là điểm đến đầu tư hấp dẫn của các nhà đầu tư GMS.

Ngọc Hà