Thay đổi hình thức triển khai Dự án PPP cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết
Nghị quyết 20 của Chính phủ ban hành ngày 28/3 vừa qua về dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc – Nam dẫn đến một số thay đổi trong triển khai dự án cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết.
Theo đó, Công ty Bitexco – nhà đầu tư thứ nhất của dự án sẽ tiếp tục hoàn thiện và cập nhật báo cáo nghiên cứu khả thi đã được Thủ tướng Chính phủ giao trước đây.
Dự án cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cơ chế quản lý và thực hiện thí điểm theo hình thức PPP trong quyết định số 1597/2012. Hình thức PPP (Public- Private Partner) là hình thức phối hợp thực hiện Dự án phát triển kết cấu hạ tầng, cung cấp dịch vụ công trên cơ sở Hợp đồng dự án giữa Nhà nước và nhà đầu tư. Với mô hình PPP, Nhà nước sẽ thiết lập các tiêu chuẩn về cung cấp dịch vụ và tư nhân được khuyến khích cung cấp bằng cơ chế thanh toán theo chất lượng dịch vụ. Đây là hình thức hợp tác tối ưu hóa hiệu quả đầu tư và cung cấp dịch vụ công cộng chất lượng cao, mang lại lợi ích cho cả nhà nước và người dân. Cùng với tiến trình cổ phần hóa, tái cấu trúc nền kinh tế, PPP là xu hướng không phải chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, bên cạnh các ưu điểm của mô hình PPP nói trên thì việc triển khai theo hình thức này cũng gặp những khó khăn nhất định. Đó là việc chưa thực sự hoàn thiện khung pháp lý, hướng dẫn thực hiện vào đào tạo quản lý cho cán bộ Nhà nước trong lĩnh vực này. Mặt khác, nguồn vốn đầu tư công cũng có hạn chế và khó khăn trong việc phân bổ nguồn vốn Nhà nước tham gia dự án PPP.
Do đó, nhằm rà soát và tăng cường cơ chế giám sát, quản lý và sử dụng vốn hiệu quả vốn đầu tư, Nghị quyết 20 của Chính phủ xét đề nghị của Bộ Giao thông vận tải được ban hành bổ sung và hướng dẫn chi tiết việc thực hiện triển khai xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc- Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020, trong đó có dự án cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết.
Là một phần tất yếu trong quy trình thay đổi hình thức triển khai dự án, theo quy định pháp luật sau khi thay đổi hình thức PPP, Thủ tướng Chính phủ quyết định chấm dứt việc chỉ định Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco (Công ty Bitexco) là Nhà đầu tư thứ nhất thực hiện dự án. Tuy nhiên, với kinh nghiệm của đơn vị này trong các dự án mô hình PPP cùng Nhà nước, Công ty Bitexco vẫn tiếp tục hoàn chỉnh và cập nhật báo cáo nghiên cứu khả thi theo nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao trước đây. Cũng theo Nghị quyết này, Bộ GTVT phối hợp Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính tổ chức xác định chi phí chuẩn bị dự án và chi phí cơ hội cho Công ty Bitexco, đàm phán với Công ty Bitexco theo 2 phương án để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Cụ thể, phương án 1 (Công ty Bitexco không tiếp tục tham gia đầu tư dự án): Nhà nước sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ bố trí cho dự án để thanh toán chi phí chuẩn bị dự án và khoản chi phí cơ hội cho Công ty Bitexco ngay sau khi báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt.
Phương án 2 (Công ty Bitexco tham gia đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư): Công ty Bitexco được hưởng ưu đãi theo quy định tại Nghị định số 30/2015/NĐ-CP của Chính phủ; kinh phí chuẩn bị dự án nằm trong chi phí đầu tư của dự án và được thanh toán bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ bố trí cho dự án ngay sau khi có kết quả đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Đây được coi như những thủ tục hành chính tất yếu, hoàn thiện giai đoạn 1 để bước sang giai đoạn 2 triển khai dự án của Thủ tướng Chính phủ.
Theo thông tin từ phía Nhà đầu từ thứ nhất của Dự án, Công ty Bitexco vẫn đang xem xét, cân nhắc và chưa quyết định lựa chọn phương án nào trong hai phương án trên. “Việc trước mắt và cần thiết là thực hiện tốt nhiệm vụ hoàn chỉnh nghiên cứu khả thi mà Chính phủ đã giao” – Đại diện Tập đoàn Bitexco khẳng định.