Ngành dược Việt đang tuổi "mới lớn"
Ngành dược Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng khoảng 10 - 15%/năm trong các năm tới, trong đó quy mô thị trường dược đến năm 2019 sẽ đạt giá trị 7,3 tỷ USD.
Theo Công ty Nghiên cứu Ngành và Tư vấn Việt Nam (VIRAC), một trong những nguyên nhân khiến Việt Nam chưa thể làm chủ nguồn nguyên liệu sản xuất trong ngành dược là do chi phí đầu tư công nghệ và nghiên cứu tốn kém nên phần lớn cơ sở vật chất và các trang thiết bị của các cơ sở sản xuất thuốc cũng như của các cơ sở nghiên cứu để triển khai sản xuất hiện nay còn thiếu và không đồng bộ. Chính vì vậy, việc áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất còn nhiều trở ngại.
Điều này cũng có thể dễ hiểu khi hiện nay mới chỉ có khoảng hơn 130 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất dược phẩm đạt tiêu chuẩn GMP. Đây là những con số “nhỏ bé” so với nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của hơn 94 triệu dân Việt Nam, với nhu nhập ngày càng cao.
Vì vậy, những dự án đầu tư mở rộng, đầu tư mới bằng dòng vốn trực tiếp hoặc thông qua M&A trong ngành dược được kỳ vọng sẽ giúp cho thị trường ngành dược sớm khắc phục được một trong những hạn chế đang tồn tại, đó là khả năng sản xuất chưa bắt kịp được nhu cầu tiêu thụ.
Hiện nay, dòng vốn đầu tư từ Singapore đang chiếm vị trí thứ 3 trên tổng số 126 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Tháng 3/2018 ghi nhận dòng vốn đầu tư từ Singapore đã đạt con số là 649 triệu USD.
Chỉ tính riêng dự án điều chỉnh vốn tăng thêm của nhà đầu tư đến từ Singapore là Công ty cổ phần Dược phẩm OPV tại khu công nghiệp Biên Hoà 2 (Đồng Nai) là 47,7 triệu USD đã chiếm tới 7,3% tổng vốn đăng ký mới trong tháng 3/2018 của nhà đầu tư này.
Được biết, OPV đã đầu tư nhà máy sản xuất tại Việt Nam từ năm 2003 với số vốn đăng ký khi đó là 20 triệu USD. Theo đó, các sản phẩm chính được sản xuất tại nhà máy là dược phẩm dạng viên, dạng lỏng dùng để uống hoặc sử dụng ngoài da… Ngoài việc tăng vốn của nhà đầu tư Singapore cũng phải kể đến việc tăng vốn của nhà đầu tư trong nước là công ty Hoa Thiên Phú. Công ty này đã được cấp phép điều chỉnh tăng vốn hơn 79 tỷ đồng, đưa tổng số vốn đầu tư của doanh nghiệp này lên 104 tỷ đồng.
Được biết, cả hai dự án mở rộng này đều dành các khoản đầu tư nhất định cho việc đầu tư dây chuyền công nghệ phục vụ cho hoạt động sản xuất. Việc làm chủ công nghệ, dây chuyền, cơ sở sản xuất sẽ là những bước đầu tiên giúp doanh nghiệp ngành dược làm chủ được nguồn nguyên liệu để sản xuất và đáp ứng nhu cầu thị trường đang có xu hướng tăng trưởng “nóng”.
Theo báo cáo của Công ty Nghiên cứu thị trường Euromonitor International, mức chi tiêu thuốc bình quân theo đầu người ở Việt Nam chỉ mới dừng lại ở mức 49,9 USD vào năm 2016, bằng 1/3 mức trung bình của thế giới (147,4 USD). Do đó, ngành dược được kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh 10 - 15%/năm trong các năm tới và quy mô thị trường đến năm 2019 sẽ đạt giá trị 7,3 tỷ USD. Ngoài ra, trong vòng 5 năm tiếp theo, Việt Nam được dự đoán sẽ tiếp tục nằm trong nhóm 20 quốc gia có mức tăng trưởng mạnh và ổn định nhất thế giới về dược phẩm.