Việt Nam đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Đông – Tây mới
Việc triển khai xây dựng tuyến đường sắt Đông – Tây tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thương và đi lại không chỉ với Trung Quốc mà còn các nước châu Á và châu Âu.
Theo quy hoạch được Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT) công bố mới đây, tuyến đường sắt Hải Phòng – Hà Nội – Lào Cai (tuyến đường sắt Đông – Tây) sẽ giữ nguyên tuyến cũ và phát triển tuyến mới song song. Cụ thể, tuyến mới có nhiệm vụ vận chuyển hàng hòa và toàn bộ hành khách, được xây dựng khổ tiêu chuẩn 1.435 mm thay vì 1.000 mm như cũ, điện khí hóa, tốc độ tàu khách đạt 160 km/h, tàu hàng 90 km/h. Về lâu dài, tuyến mới sẽ làm đường đôi, điện khí hóa tập trung.
Tuyến đường sắt Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai bắt đầu từ ga Lào Cai hiện tại, theo hướng Đông qua các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng và kết thúc tại cảng Lạch Huyện (Hải Phòng), tổng chiều dài tuyến là 391 km; đoạn kết nối đường sắt Hà Khẩu (Trung Quốc) - Lào Cai (Việt Nam) có chiều dài 6,29 km.
Đơn vị tư vấn lập quy hoạch tuyến đường sắt này là Viện Nghiên cứu khảo sát và thiết kế đường sắt số 5 Trung Quốc, bao gồm cả việc nghiên cứu kết nối đường sắt Hà Khẩu (Trung Quốc) - Lào Cai (Việt Nam).
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông khẳng định đây là tuyến đường sắt Đông – Tây có ý nghĩa không chỉ có ý nghĩa phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương có tuyến đường sắt đi qua mà còn là cầu nối giao thông, giao thương quốc tế, đặc biệt là với Trung Quốc.
Dự án kỳ vọng sẽ rút ngắn quãng đường vận chuyển hàng hóa từ nội địa phái Tây Trung Quốc, tiết kiệm chi phí. Trước đây, hàng hóa từ nội địa phía Tây Trung Quốc ra hệ thống cảng biển phía Đông Nam Trung Quốc sẽ phải mất hơn 1.500 km. Trong khi đi từ Côn Minh (thủ phủ tỉnh Vân Nam) qua Lào Cai đến cảng Hải Phòng chỉ hết hơn 800 km.
Việc triển khai khổ 1.435 mm sẽ giúp thống nhất với hệ thống đường sắt hiện nay của Trung Quốc. Trước đây, Trung Quốc đã xây dựng đường sắt khổ tiêu chuẩn 1.435 mm, duy trì đường sắt khổ 1.000 mm và đường lồng (gồm cả hai khổ đường trên). Trong khi đó, đường sắt trong nội địa Việt Nam vẫn là khổ 1.000 mm tại một số đoạn tuyến, nhà ga khu vực biên giới.
Dẫn đến việc khi vận chuyển hàng hóa hai chiều phải sang toa, chuyển tải tại nhà gao Lào Cai, Sơn Yên (Trung Quốc) … gây phát sinh chi phí vận chuyển, không phát huy được hết tiềm năng.
Thứ trưởng Bộ GTVT lưu ý: “Cần xác định vấn đề kết nối với đường sắt cũ như thế nào, kết nối vào các cảng biển, cảng ICD, các đầu mối hàng hóa ra sao…; đặc biệt là ở 3 đầu mối quan trọng là kết nối khổ đường với đường sắt Trung Quốc ở Lào Cai, khu vực đầu mối Hà Nội và khu vực cảng biển Hải Phòng. Có vậy mới đảm bảo được hiệu quả của tuyến đường”.
Được biết tuyến đường sắt Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai là tuyến đường sắt có vai trò kết nối với đường sắt Trung Quốc, từ đó kết nối với đường sắt các nước châu Á, châu Âu khác.
Theo ông Vũ Quang Khôi, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam, tổng sản lượng vận chuyển hàng hóa giữa Việt Nam – Trung Quốc năm 2017 khoảng 700.000 tấn. Trong đó, tuyến Côn Minh – Hà Khẩu – Lào Cai – Hải Phòng và ngược lại đạt khoảng 650.000 tấn. Mục tiêu phấn đấu năm 2018 trên tuyến này đạt 1 triệu tấn.