M&A ngành dược Việt Nam "hút" vốn ngoại
M&A ngành dược sẽ tiếp tục sôi động trong thời gian tới, khi SCIC có kế hoạch thoái vốn khỏi nhiều doanh nghiệp như Dược Hậu Giang, Traphaco,...
Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) có kế hoạch thoái vốn khỏi nhiều doanh nghiệp ngành dược tới năm 2020, trong đó có các thương hiệu đáng chú ý như Dược Hậu Giang, Traphaco, Domesco, Công ty Trang thiết bị kỹ thuật y tế TP.HCM.
Hút nhà đầu tư ngoại
Có thể bạn quan tâm |
Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), Việt Nam là 1 trong 21 nước được IMS Health xếp vào nhóm có ngành dược tăng trưởng cao nhất.
Việc một số doanh nghiệp dược dự kiến sẽ nới room ngoại lên 100% cũng là cơ hội tốt để các nhà đầu tư ngoại thâm nhập vào thị trường Việt Nam thông qua M&A, thay vì phải tốn nhiều tiền bạc và thời gian để xin giấy phép đầu tư và đầu tư dây chuyền sản xuất tại Việt Nam.
Theo luật sư Albert Franceskinj, Công ty luật Fidal AsiAttorneys, Việt Nam đang dần trở thành miền đất hứa tràn ngập cơ hội đối với những doanh nghiệp hoạt động trong các ngành y tế và dược phẩm. Những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam đã tiến hành một số cải cách và ban hành luật mới nhằm khuyến khích đầu tư tư nhân và nước ngoài vào các lĩnh vực trên. Trong bối cảnh đó, các nhà đầu tư nước ngoài đang tận dụng triệt để hoạt động M&A để nhanh chóng tiếp cận thị trường Việt Nam và vượt qua được những rào cản của hệ thống cấp phép hành chính phức tạp.
Trước đó phải kể đến tập đoàn dược phẩm lớn thứ hai của Ba Lan là Adamed Group bất ngờ chi ra 50 triệu USD để thâu tóm 70% cổ phần của một tên tuổi kín tiếng trên thị trường dược Việt Nam: Đạt Vi Phú (Davipharm).
Đây là thương vụ đầu tư lớn nhất của các nhà đầu tư Ba Lan vào thị trường Việt Nam. Theo các nhà đầu tư này, việc thực hiện các thương vụ M&A chính là bước đệm để đón đầu Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU dự kiến có hiệu lực vào năm 2019. Nhờ thương vụ M&A lần này, mức vốn hóa thị trường của Davipharm được định giá ở mức 71,4 triệu USD (khoảng 1.614 tỉ đồng).
“Các nhà đầu tư ngoại có thể chuyển giao công nghệ, kiến thức cũng như mang vốn đến Việt Nam”, Tiến sĩ Oliver Massmann, Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn Duane Morris Việt Nam cho biết và nhận định xu thế đầu tư của khối ngoại vào ngành dược Việt Nam sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.
“Công xưởng” dược
Để cạnh tranh với dòng thuốc giá rẻ của Ấn Độ và Trung Quốc, nhiều công ty dược của Mỹ đã nhượng quyền sản xuất hoặc mua cổ phần các công ty dược ở những nước có thị trường dược chưa phát triển như Việt Nam, để có thể sử dụng lao động giá rẻ hơn, nhằm hạ giá thành sản phẩm.
Vì vậy, Việt Nam được xem là điểm đến hấp dẫn để các tập đoàn dược phẩm đa quốc gia thành lập cơ sở sản xuất để từ đó xuất sang các quốc gia khác. Hơn thế nữa, Chính phủ đã đặt ra tham vọng đưa Việt Nam trở thành cường quốc sản xuất thuốc generic tại khu vực Đông Nam Á vào năm 2020 với những chính sách hỗ trợ, càng tiếp thêm động lực cho các doanh nghiệp trong ngành.
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược đầu tư của Công ty Cổ phần Chứng khoán Maritime Bank, nhận định: “Ngày càng nhiều các đơn vị, công ty dược nước ngoài đã và đang mua cổ phần chi phối, hoặc trở thành đối tác chiến lược của các công ty dược nội địa”,.
Bởi hiện nay, thị trường dược phẩm Việt Nam đang khá phân mảnh khi có tới 178 doanh nghiệp sản xuất thuốc, trong đó có 98 doanh nghiệp sản xuất thuốc tân dược và 80 doanh nghiệp sản xuất thuốc đông dược, ngoài ra còn có trên 300 cơ sở sản xuất thuốc nhỏ lẻ. Cơ hội mở rộng thị phần dược tiếp tục mở ra cho tất cả các nhà đầu tư bởi ngay cả doanh nghiệp đầu ngành như Dược Hậu Giang chỉ mới đạt doanh thu khoảng hơn 4.154 tỉ đồng năm 2016.
Việc các doanh nghiệp ngoại thực hiện các M&A trong ngành dược Việt Nam được kỳ vọng sẽ giúp các doanh nghiệp trong nước tận dụng được dây chuyền, công nghệ sản xuất hiện đại và nguồn tài chính dồi dào để nâng cao hiệu quả phát triển sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, người tiêu dùng sẽ có cơ hội sử dụng các sản phẩm thuốc chất lượng quốc tế với giá Việt Nam.