Thị trường mẹ và bé: “Miếng bánh ngon” có dễ xơi?
Sự hiện diện của ngày càng nhiều các nhà đầu tư ngoại, các quỹ ngoại đổ vào thị trường mẹ và bé Việt Nam cho thấy sự hấp dẫn của thị trường. Tuy nhiên, thị trường 7 tỷ USD này không hề dễ xơi.
Được đánh giá là quốc gia có tỷ lệ hộ gia đình có trẻ cao nhất Đông Nam Á với 12% hộ gia đình có con dưới 1 tuổi và 20% hộ gia đình có con từ 1 – 2 tuổi, vì vậy Việt Nam được cho là thị trường đầy tiềm năng cho các công ty cung cấp dịch vụ, sản phẩm liên quan đến bà mẹ và trẻ em.
Cửa rộng cho nhà đầu tư ngoại
Doanh thu của thị trường sản phẩm và dịch vụ dành cho trẻ em tại Việt Nam từng được dự báo có thể đạt quy mô 7 tỉ USD, với tốc độ tăng trưởng lên tới 30-40%.
Ngoài ra, theo Nielsen, với tầng lớp trung lưu đang tăng trưởng mạnh tại Việt Nam, nhu cầu của các bậc cha mẹ đối với những sản phẩm dành cho con sẽ ngày càng cao về cả số lượng và chất lượng. Tại các thị trường phát triển, nơi mà tỉ lệ sinh thấp và các loại sản phẩm chăm sóc em bé đang bão hòa, tăng trưởng sẽ được thúc đẩy bởi sự đổi mới và cao cấp hóa sản phẩm, trong khi ở các thị trường đang phát triển, nhu cầu gia tăng sẽ là động lực tăng trưởng lớn nhất.
Đặc biệt, khi thói quen mua sắm của người tiêu dùng đã dịch chuyển từ mô hình truyền thống là các chợ, các siêu thị sang chuỗi bán hàng sản phẩm dành tiêng cho mẹ và bé một cách rõ rệt.
Sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường mẹ và bé trong những năm gần đây có lẽ là nguyên nhân lý giải sức hấp dẫn của thị trường này trước các nhà đầu tư ngoại. Mới đây nhất phải kể đến hoạt động thâm nhập thị trường Việt Nam của nhà bán lẻ Anh là mothercare. Hãng này chuyên về các dòng sản phẩm tiêu chuẩn Anh dành cho mẹ trong suốt thai kỳ lẫn giai đoạn ở cử và bé sơ sinh đến 5 tuổi.
Lý giải nguyên nhân bắt đầu hành trình thâm nhập thị trường Việt Nam, Mothercare cho biết đó là vì nhận ra cơ hội hấp dẫn từ thị trường mẹ và bé Việt Nam. Vì vậy hãng này tham vọng sẽ gặt hái thành công ở Việt Nam như đã từng thành công ở các thị trường khác.
Trước đó, hồi đầu năm, thị trường mẹ và bé cũng ghi nhận một số thương vụ rót vốn từ một số quỹ ngoại. Mặc dù không tiết lộ giá trị đầu tư song Tập đoàn Đầu tư Việt Nam (VI Group) thông báo đã đầu tư vào Công ty Cổ phần Kids Plaza. Ngoài ra, Con Cưng cũng đã nhận thêm vốn và hỗ trợ từ Quỹ Đầu tư tăng trưởng Việt Nam Daiwa-SSIAM II.
Còn nhớ hồi cuối năm 2017, Bibo Mart cũng bắt tay với ACA Investments (thuộc tập đoàn Nhật Sumitomo) để nhận từ quỹ đầu tư này những hợp tác hỗ trợ về tài chính, nhân lực.
"Miếng bánh ngon" không... dễ xơi
Tiềm năng thị trường lớn, tốc độ tăng trưởng cao, cho thấy sức hấp dẫn của ngành là hiển nhiên. Tuy nhiên, để “chiếm lĩnh” được thị trường được dự báo sẽ tăng trưởng đạt con số 7 tỷ USD là không hề dễ dàng.
Điều này được thể hiện bằng việc “đến rồi đi” của không ít tên tuổi ngoại đã từng hiện hữu tại thị trường Việt Nam như Kids World, Deca, Beyeu, Babysol…Một trong những nguyên nhân đã được chỉ ra của các tên tuổi này đó là sự cạnh tranh “gay gắt” của ngành.
Bà Trịnh Lan Phương - CEO Bibo Mart, đã từng thừa nhận rằng: “Để chiếm lĩnh thị trường mẹ và bé là bài toán khó”.
Điều này được thể hiện ở việc, nhiều khác hàng cho biết các chuỗi cửa hàng mua sắm đồ dành cho mẹ và bé hiện nay mới chỉ đáp ứng được nhu cầu bình dân mà chưa đáp ứng được nhu cầu của một bộ phận khách hàng trung lưu – đối tượng khách hàng được cho là không tiếc tiền mua sắm cho con trẻ. Cụ thể, theo tìm hiểu, nếu người tiêu dùng sẵn sàng chi tiêu tới 10 triêu VNĐ khi mua sắm ở nước ngoài hàng tiêu dùng cho mẹ và bé thì họ chỉ chi khoảng 500 ngàn VNĐ để mua tại các của hàng sản phẩm chuyên dụng cho mẹ và bé. Điều này đã phần nào chỉ ra, khách hàng tiêu dùng không phải là dễ tính.
Đây thực sự là một khó khăn mà cả doanh nghiệp nội và nhà đầu tư ngoại phải vượt qua trước khi tham vọng thống lĩnh thị trường.