Masan Consumer trở lại top 3 công ty chi cho quảng cáo lớn và hiệu quả ở Việt Nam

T. Hóa 25/04/2018 05:19

Tăng chi phí cho marketing liệu có phải là giải pháp mang đến hiệu quả tối ưu? Và đây là câu trả lời của Masan Consumer.

Rời khỏi top 10 các công ty chi cho quảng cáo - marketing sản phẩm theo chiến lược bán hàng của giai đoạn 2008-2015, CTCP Hàng Tiêu dùng Masan (Masan Consumer, MCH-sàn UPCoM) đã nhận thấy ngày tồn kho hàng hóa tăng lên đáng kể.

Từ chỗ top 3 công ty chi cho quảng cáo lớn nhất ở Việt Nam và gặt hái tăng trưởng doanh thu "trên mọi mặt trận" các sản phẩm thuộc ngành hàng tiêu dùng, Masan Consumer đã để ngày hàng tồn kho lên tới 80 ngày, dù người phân phối được lợi do chính sách khuyến mãi lớn và mua hàng giá rẻ, nhưng dĩ nhiên doanh thu và dòng tiền có được của công ty theo đó đã giảm xuống.

Giỏ hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của MCH sẽ ngày càng tỷ lệ các sản phẩm phân khúc cao cấp

Giỏ hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của MCH sẽ ngày càng tỷ lệ các sản phẩm phân khúc cao cấp

Nhận thấy mối bất lợi của chiến lược bán hàng cũng như sự hỗ trợ cần thiết của marketing cho những sản phẩm mới, đặc biệt khi Masan Consumer đang hoạch định sẽ gia tăng tỷ lệ sản phẩm cao cấp của mình, Công ty đã quay trở lại với chiến lược góp phần mang về thành công trong giai đoạn trước: Đầu tư marketing xây dựng các thương hiệu mạnh.

Theo thuyết minh báo cáo tài chính hợp nhất cuối 2017 của MCH, đầu kỳ 2017, MCH có chi phí Marketing và quảng cáo là 105,248 tỷ đồng, đến cuối kỳ 31/12/2017, mức chi phí này đã tăng lên với 109,894 tỷ đồng. Tuy mức tăng chưa cao nhưng sự chuyển đổi của mô hình từ chiến lược "bán hàng hóa" sang "xây dựng thương hiệu", theo Masan Consumer, đã mang lại kết quả tích cực vào 2 kỳ cuối 2017 với tăng trưởng tốt hơn, và thể hiện rõ ở kết quả kinh doanh quý I/2018. 

Tại kỳ quý I/2018, hàng tồn kho của Masan Consumer duy trì ở mức tối ưu 2-3 tuần, bằng cuối năm 2017. Doanh thu thuần của công ty tăng trưởng 74,9%. Lợi nhuận thuần phân bổ cho cổ đông của công ty là 780 tỷ đồng, tăng khoảng 6,5 lần so với cùng kỳ năm trước.

Ông Trương Công Thắng - Chủ tịch HĐQT Masan Consumer cho biết, cuối 2017, mặt hàng thực phẩm tiện lợi (mì ăn liền) của Masan có 22% thị phần, trong đó mì Omachi chiếm 75% thị phần mì ăn liền dòng cao cấp trên toàn thị trường và đóng góp doanh thu lớn nhất cho MCH.

Masan Consumer đặt mục tiêu tăng trưởng 20-25% trên các ngành hàng trong năm nay, trong đó, tiếp tục nâng tỷ trọng doanh thu của đồ uống tiệm cận tỷ lệ 40/50 của thực phẩm. Các mặt hàng trọng điểm Masan Consumer đã có động thái mới để đẩy mạnh tỷ trọng doanh thu đồ uống là Bia (với Sư Tử Trắng) và nước tăng lực (Wake-Up 247, Compact), cà phê (Phil và Wake-Up..).

Đây có thể sẽ là những mặt hàng tiếp tục hút ngân sách chi cho marekting của Masan Consumer, bên cạnh nhiều dòng sản phẩm ở các mặt hàng từ gia vị, thực phẩm tiện lợi, thịt chế biến, đồ uống với cà phê dòng viên nén, hòa tan và nước suối/khoáng Vĩnh Hảo.

Với kết quả lợi nhuận 2017, mặc dù doanh thu thuần giảm so với 2016, Masan Consumer đã thông qua kế hoạch chi trả cổ tức cho cổ đông ở tỷ lệ 45%. Như vậy, Công ty có 2 năm liên tiếp chia cổ tức ở mức cao.

Kết thúc phiên giao dịch 24/4, ngày đại hội cổ đông của Masan Consumer, với các thông tin khá tích cực đặc biệt về cổ tức, cổ phiếu MCH mở cửa ở 104.000đ/cp đã tăng lên 106.500đ/cp. Khối lượng chuyển nhượng thấp. Dư mua còn 117.310 đơn vị. Trong năm 2018, Masan Consumer đặt mục tiêu chung: Tăng trưởng doanh thu thuần và lợi nhuận phân bổ cho cổ đông cao hơn 2017, với tỷ trọng trong tổng doanh thu của Tập đoàn đạt 40% và tiếp tục duy trì "Con đường chúng ta đi", hướng tới phục vụ mỗi gia đình Việt ít nhất 1 sản phẩm Masan. 

T. Hóa