Dự án đầu tư 350 triệu USD của nhà đầu tư Hong Kong còn nhiều "khoảng mờ"
Dự án dệt - nhuộm của Tập đoàn TAL trị giá 350 triệu USD tại Khu công nghiệp Bá Thiện II được nhiều chuyên gia môi trường khuyến cáo tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Đây là ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia và đại diện các Bộ, ngành liên quan tại Hội thảo khoa học đánh giá hiệu quả kinh tế xã hội và tác động môi trường của dự án nhà máy dệt – nhuộm do nhà đầu tư đến từ Hong Kong đó là tập đoàn TAL được UBND Tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức mới đây.
Theo đó, có nhiều nguyên nhân được chỉ ra lý giải vì sao việc cấp phép phải thận trọng và sáng suốt. Trước tiên, phải kể đến để xuất vị trí triển khai dự án không phù hợp với quy hoạch của tỉnh.
Cụ thể, quy hoạch chung xây dựng đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011 và quy hoạch phân khu phát triển công nghiệp và đô thị phụ trợ tại huyện Bình Xuyên của UBND tỉnh Vĩnh Phúc năm 2014 đều khẳng định, Khu công nghiệp Bá Thiện II nằm trong lõi đô thị Vĩnh Phúc và một phân khu thuộc đô thị Vĩnh Phúc, ưu tiên phát triển các khu công nghiệp với các ngành nghề công nghiệp sạch, công nghệ cao, không gây ô nhiễm môi trường.
Trong khi đó, các nhà khoa học cho rằng, nếu phân tích kỹ công nghệ xử lý nước thải nhà máy này sử dụng theo công bố của Tập đoàn TAL thì đây không phải là công nghệ tiên tiến và hiện đại. Cụ thể, theo PGS-TS Phùng Chí Sỹ, chuyên gia khoa học công nghệ khuyến nghị Vĩnh Phúc từ chối dự án, vì công nghệ này rất cũ, lạc hậu và có nguy cơ ô nhiễm môi trường rất lớn. Chính vì vậy, đề xuất vị trí xây dựng dự án này đã không phù hợp với quy hoạch của Tỉnh. Đây có thể là lý do chắc chắn để UBND Tỉnh Vĩnh Phúc “nói không” với dự án này.
Ngoài ra, cũng chính vì vị trí đề xuất chưa phù hợp mà kéo theo đó là các nhu cầu về điện nước, hoá chất theo đề xuất của dự án cũng “vượt ngoài” khả năng có thể đáp ứng.
Theo thông chi tiết, dự án có nhu cầu sử dụng tới 12.000 m3 nước/ngày đêm, dự kiến lấy nước ở 2 nguồn. Một là, 6,000m3 từ hệ thống nước công ty cấp nước và hai là,4,000m3/ngày đêm từ Hồ Thanh Lanh. Như vậy, tổng nguồn nước theo dự kiến mới đạt 10.000m3 và thiếu tới 2.000m3.
Ngoài ra, lượng nước thải trung bình của dự án là 11,840 m3/ngày đêm và xả thải ra đầu nguồn sông Mây tại xã Thiện Kế, rồi đổ về sông Cà Lồ vào sông Cầu.
Thêm nữa, nhà máy của TAL còn sử dụng khối lượng lớn hóa chất, với khoảng 17.000 tấn/năm, bao gồm các chất như natri hydroxit, peroxit, axit sunforic… là những hóa chất tiềm ẩn nguy cơ lớn đến chất lượng nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản…
Theo phân tích của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vĩnh Phúc, vào mùa khô, dòng chảy tại điểm xả thải dự kiến tại sông Mây thời điểm thấp nhất (tháng 2) chỉ đạt 4.000 m3/ngày đêm, trong khi lượng xả thải trung bình của dự án này là 11.840 m3/ngày đêm, nhiều hơn gấp đôi lượng nước sông, nên nước sông không bảo đảm đủ để pha loãng nồng độ nước thải của dự án trên (nếu thực hiện).
Chính vì vậy, dự án này có tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Và nếu xảy ra ô nhiễm, các địa phương lân cận khác như tỉnh Bắc Ninh cũng có nguy cơ bị ô nhiễm theo bởi dự án nằm trên nguồn nước của sông Cầu.
Vì vậy, đa số các chuyên gia, nhà khoa học và ý kiến của các cơ quan liên quan đều khuyến cáo không cấp phép cho dự án dệt nhuộm này.