Thu hút FDI liên tục giảm: Đã đến lúc phải lo?
Những con số thu hút FDI tính đến thời điểm hiện tại dường như chưa tương xứng với tốc độ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam.
Nói như vậy là bởi, mặc dù Việt Nam đã ghi nhận những phản hồi tích cực từ các tổ chức Quốc tế, các Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài như World Bank, EuroCham, AmCham, KorCham, Nhật Bản... rằng tỷ lệ doanh nghiệp có xu hướng mở rộng đầu tư tại Việt Nam là rất cao, nhìn chung đều trên 60%. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, chưa có dự án tỷ USD nào được cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Có thể bạn quan tâm
Vì sao thu hút FDI liên tục giảm?
11:00, 03/05/2018
Thu hút FDI quý I/2018: Dòng vốn giảm nhưng đi vào chất
06:34, 03/04/2018
Không thể không lo
Theo số liệu cập nhật mới nhất từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng dòng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đang dừng lại ở mức khoảng 8,06 tỷ USD. Vì vậy, với đà này, năm 2018, dự báo dòng vốn FDI đăng ký đầu tư vào Việt Nam sẽ chỉ ở mức khoảng 16-18 tỷ USD. Nghĩa là chỉ tương đương khoảng ½ so với năm 2017 là 36 tỷ USD.
Điều này hoàn toàn đi ngược lại những kỳ vọng hồi cuối năm 2017 của các nhà phân tích rằng, với dòng vốn FDI thu hút đạt mức kỉ lục sẽ là tiền đề tốt để thị trường đầu tư Việt Nam tiếp tục thu hút thêm ngày càng nhiều dòng vốn nước ngoài “chảy” vào.
Còn nhớ, ngay từ những tháng đầu năm khi chứng kiến dòng vốn đầu tư FDI giảm, các chuyên gia đã từng lý giải, một trong những nguyên nhân của việc giảm dòng vốn đăng ký đầu tư FDI vào Việt Nam là do mang tính kỹ thuật. Cụ thể, theo thông tin từ Cục Đầu tư nước ngoài, dòng vốn FDI giảm so với cùng kỳ năm 2017 là do 2 dự án tỷ đô được cấp phép gồm: Dự án điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 2,5 tỷ USD của Samsung Display Việt Nam và việc cấp mới của dự án đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn tại Kiên Giang với vốn đầu tư 1,27 tỷ USD, và ngược lại, năm 2018 thì... chưa có dự án nào như vậy.
Ngoài ra, những thay đổi chính sách từ các thị trường lớn trên thế giới, mà đặc biệt là chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 35% xuống còn 21% của Mỹ, cũng đã được chỉ ra là một nguyên nhân có ảnh hưởng tới hoạt động thu hút vốn FDI của Việt Nam. Bởi các phân tích dự báo rằng, có khả năng các nhà đầu tư Mỹ đang có hoạt động đâu tư tại thị trường nước ngoài, trong đó có Việt Nam sẽ “rút” nguồn vốn và không có hoạt động tái đầu tư để hưởng lợi từ chính sách mới của Chính quyền Tổng thống Donald Trump về thuế doanh nghiệp và “né” khoản đánh thuế 10,5% khi các doanh nghiệp Mỹ chuyển hoạt động đầu tư về Mỹ cũng vẫn phải chịu khoản thuế này.
Tuy nhiên, vào thời điểm đó, đa số các chuyên gia đều tỏ ra lạc quan rằng, bây giờ vẫn đang ở những tháng đầu năm, chưa vội lo. Hoặc như, không phải nước nào cũng có thể thực hiện tiến trình cải cách thuế như Mỹ để có cuộc cạnh tranh “xé rào” về thuế giữa các quốc gia.
Tuy nhiên, đặt câu chuyện thu hút FDI liên tục giảm vào thời điểm khi quý II/2018 sắp hết, rõ ràng không thể không lo.
... nhưng lo như thế nào?
Nhìn chung, từ hiệu quả thực tế, câu chuyện thu hút FDI đang có xu hướng giảm là một trong những “bất cập” đang dần bộc lộ trong chính sách thu hút đầu tư FDI. Bên cạnh các câu chuyện khác như ky vọng chưa như mong đợi, tính lan toả chưa tốt, liên kết chuỗi giá trị các ngành “rời rạc”. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, đã đến lúc Việt Nam cần đưa ra chính sách khác đi đối với FDI.
Theo ông Bùi Ngọc Sơn - Trưởng phòng Kinh tế Quốc tế, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị Thế giới khuyến nghị: “Việt Nam cần cẩn trọng xem xét để có biện pháp khiến nhà đầu tư giữ lại vốn để đầu tư theo chiều sâu, cải tiến kỹ thuật...” dựa trên tính toán kỹ lưỡng về hiệu quả, và hiệu ứng".
Bên cạnh đó, GS. TSKH Nguyễn Mại – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thì cho rằng, hiện nay Việt Nam đang duy trì mức thuế phổ thông với các dự án FDI là 20% và các mức thuế ưu đãi khác là 10%... đây đều là những mức ưu đãi thấp hơn của Mỹ. Tuy nhiên, Việt Nam cần rà soát lại các chính sách, cụ thể là thủ tục hành chính, chi phí không chính thức, tham nhũng mặt... khiến chi phí không chính thức có thể ở đâu đó còn cao hơn tiền nộp thuế.
Như vậy, thực tiễn đang yêu cầu các chính sách thu hút FDI đã phải khác đi, bên cạnh câu chuyện ưu đãi đầu tư vào đặc khu đang “dậy sóng”. “Ưu đãi không phải là tất cả”, xin được trích dẫn câu nói của một vị chuyên gia để một lần nữa nhấn mạnh, chính sách ưu đãi không phải nhiều là tốt mà dựa trên cơ sở nhà đầu tư cần gì, muốn gì? Tuy nhiên, cũng không phải là “chiều chuộng” để tạo sự ra khoảng cách với doanh nghiệp, nhà đầu tư nội.