"Siết" các dự án đầu tư PPP yếu kém về tài chính
19/6/2018 Nghị định 63/2018/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức công tư (PPP) sẽ có hiệu lực, để thay thế Nghị định 15/2015/NĐ-CP sẽ "siết" các dự án đầu tư PPP yếu kém về tài chính.
Nhìn chung, điểm khác biệt của Nghị định 63 so với Nghị định 15 là đơn giản hoá thủ tục thực hiện dự án PPP cho cả nhà đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước.
Trong đó, đáng chú ý phải kể đến Nghị định 63 đã bãi bỏ thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nhằm tháo gỡ vướng mắc trong việc cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án PPP, trên tinh thần đơn giản hoá thủ tục những vẫn phù hợp với thông lệ quốc tế.
Với những vấn đề phát sinh từ việc bãi bỏ thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Nghị định 63 đã bổ sung quy định trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày ký kết hợp đồng dự án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm công khai thông tin hợp đồng dự án trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
Đây được xem như là một trong những giải pháp nhằm tăng cường thông tin về dự án và hợp đồng dự án, từ đó công khai cho bên thứ ba biết để cơ quan quản lý nhà nước về PPP thực hiện trách nhiệm quản lý của mình.
Ngoài ra, trong thời gian chờ Nghị định 63 có hiệu lực, các dự án đã có quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư hoặc thoả thuận đầu tư được ký trước ngày nghị định này có hiệu lực, tuy nhiên chưa thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thì không phải thực hiện thủ tục này. Theo đó, các bên sẽ tiến hành đàm phán và ký kết hợp đồng theo quy định của Nghị định này.
Đối với những dự án đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trước ngày Nghị định 63 có hiệu lực được tiếp tục thực hiện theo nội dung quy định cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Trường hợp dự án điều chỉnh, các bên thực hiện điều chỉnh hợp đồng dự án phù hợp với quy định tại nghị định và pháp luật có liên quan mà không phải thực hiện thủ tục điều chỉnh cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Ngoài ra, trong trường hợp hợp đồng dự án sau khi điều chỉnh có nội dung khác biệt với giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã được cấp trước ngày nghị định có hiệu lực, các bên thực hiện theo hợp đồng dự án được điều chỉnh và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các điều chỉnh đó.
Bên cạnh đó, Nghị định 63 cũng có một số điểm mới quan trọng như tăng cường tính phân cấp, tự chủ, tự chịu trách nhiệm ở các Bộ, Ngành, địa phương. Chính vì vậy, Nghị định 63 có hiệu lực được kỳ vọng sẽ loại bỏ những dự án đầu tư yếu kém về năng lực tài chính, gia tăng hình thức tham gia của Nhà nước vào các dự án PPP, cũng như gia tăng sự tham gia của các nhà đầu tư vào các dự án đầu tư công chuyển đổi sang dự án PPP, và đặc biệt giúp giảm gánh nặng bội chi ngân sách.
Hiện nay, hình thức đầu tư PPP được xem như là một trong những hình thức vừa thu hút được nguồn vốn đầu tư tư nhân vừa tận dụng được kinh nghiệm quản lý, chất lượng thực hiện của nhà đầu tư.