Giải ngân vốn đầu tư công vẫn đang “chậm”
Nhiều đơn vị chưa thực sự quyết liệt trong công tác triển khai giải ngân vốn đầu tư công.
Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 5 tháng đầu năm 2018, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của nhiều Bộ, ngành, địa phương có sự chênh lệch lớn.
Bộ Khoa học và Công nghệ đạt mức cao nhất, 78,04% kế hoạch năm, theo sau là tỉnh Nam Định, đạt 53,76%, Ninh Bình xếp thứ 3, đạt 50,51%, Hà Giang đạt 45,04%, Lai Châu đạt 43,58%....
Bên cạnh đó cũng có nhiều đơn vị có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công rất thấp. Trong đó phải kể đến Vĩnh Phúc, tỷ lệ giải ngân mới đạt 0,65% kế hoạch năm, Ngân hàng Nhà nước đạt 0,93%, Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đạt 1,35%, Kiên Giang đạt 5,99%, Long An đạt 6%.
Theo các chuyên gia, mặc dù tốc độ giải ngân vốn đầu tư 5 tháng năm 2018 đã có nhiều cải thiện tuy nhiên đây vẫn là mức thấp.
Số liệu từ Bộ KH&ĐT công bố như trên có thể thấy, trên một nền chính sách nhưng tiến độ giải ngân không đồng đều giữa các bộ, ngành, địa phương.
Được biết từ đầu năm, Thủ tướng Chính phủ đã thực hiện giao kế hoạch vốn ngay từ đầu năm. Tuy nhiên, việc giải ngân vốn đầu tư công chậm bên cạnh các yếu tố khách quan như khó khăn về quy định pháp lý, quy trình thủ tục, tỷ lệ giải ngân đầu năm thấp, cuối năm cao, nguyên nhân chủ quan vẫn rất lớn.
Theo phân tích của Bộ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, nhiều đơn vị Trung ương và địa phương chưa thực sự quyết liệt trong công tác triển khai, từ khâu giao kế hoạch chi tiết, hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án, giải phóng mặt bằng đến khâu thanh toán giải ngân vốn đầu tư công.
Vì vậy Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị để đẩy nhanh tiến độ hoạt động giải ngân vốn đầu tư công, bên cạnh việc hoàn thiện Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 vào cuối năm nay, Chính phủ đã chỉ đạo làm rõ trách nhiệm các nhân đối với một số đơn vị giải ngân chậm cũng như kiên quyết thu hồi một số vốn đã giao những không triển khai thực hiện, đặc biệt là công khai kết quả giải ngân của các đơn vị, bộ, ngành, địa phương để theo dõi, giám sát.