Vì đâu TAEL rẽ ngang đầu tư vào giáo dục Việt?
Giáo dục được cho là ngành có tỷ suất lợi nhuận ổn định, tuy nhiên cần đầu tư lâu dài. Do đó, ngành này đang thu hút được khá nhiều nhà đầu tư nước ngoài.
Mới đây, nhà đầu tư đến từ Singapore là TAEL đã thực hiện thương vụ đầu tư vào chuỗi giáo dục IvyPrep Education với giá trị ước đạt 10 triệu USD.
TOP 10 ngành thu hút FDI
Thương vụ đầu tư này được thực hiện trong bối cảnh thị trường đầu tư giáo dục tưởng chừng như đang “trầm lắng”. Tuy nhiên, khi nhìn vào những con số đầu tư sẽ thấy được sự sôi động, bởi các hoạt động đầu tư vào ngành này khá kín kẽ.
Tính riêng tháng 5/2018, tổng vốn đăng ký vào ngành giáo dục và đào tạo trị giá 23,45 triệu USD. Trong đó, có 21 dự án đăng ký đầu tư mới trị giá khoảng 11 triệu USD; 5 dự án tăng vốn, trị giá 4,23 triệu USD; 28 lượt góp vốn, mua cổ phần trị giá 8,63 triệu USD. Tuy nhiên, nếu nhìn vào con số luỹ kế đến tháng 5 sẽ thấy đây là một ngành được doanh nghiệp, nhà đầu tư FDI khá quan tâm. Cụ thể, số dự án đăng ký vào ngành này đạt 409 dự án, với tổng vốn đăng ký đạt hơn 4,3 tỷ USD và nằm trong top 10 ngành thu hút FDI của Việt Nam.
Những con số này cho thấy, thị trường đầu tư giáo dục của Việt Nam đã có sự tham gia và góp mặt của khá nhiều các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài Trong đó, phải kể đến việc rót vốn của Mekong Capital vào Công ty Cổ phần Yola vào năm 2017 trị giá 4,9 triệu USD. Ngoài ra, quỹ đầu tư Nhật CyberAgent Ventures cũng từng rót hơn 50 triệu USD vào website đào tạo trực tuyến kỹ năng mềm và chuyên môn Kyna.vn...
Trước khi có sự nhập cuộc của TAEL, thị trường đào tạo ngôn ngữ quốc tế đã có những tên tuổi như: Hội đồng Anh, Apollo... Sự gia nhập của TAEL khiến cho thị trường sẽ có sự cạnh tranh khốc liệt hơn khi đang có khoảng 450 trung tâm đào tạo ngôn ngữ quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam.
Nhiều lý giải được đưa ra lợi nhuận thị phần đào tạo ngôn ngữ tốt có thể là điểm hấp dẫn nhà đầu tư. Được biết tỷ suất lợi nhuận của ngành này từ trước đến nay đang ở mức trung bình là 15%. Tuy nhiên theo các chuyên gia, đây là mức chưa đủ hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài, chỉ có điều đây là mức tương đối ổn định. Chưa kể mô hình của IvyPrep Education cũng là mô hình mới.
Sẵn sàng chi “khủng”
Nhà đầu tư TAEL đã là cái tên không mấy xa lạ tại thị trường quỹ đầu tư Việt Nam, với sự góp mặt trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong đó, phải kể đến y tế, lương thực nông nghiệp, giáo dục, vận tải và bất động sản. Điều này được thể hiện trong tỷ lệ sở hữu cổ phần của TAEL đang là 22% tại GTNFoods, một trong những công ty đầu ngành trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm sạch từ chuỗi nông nghiệp. Bên cạnh đó, TAEL cũng đang nắm giữ ít nhất 20,66% vốn cổ phần tại Pan Group, một doanh nghiệp chuyên cung cấp giống cây trồng, nông sản, thực phẩm đóng gói và hải sản đông lạnh. Có thể thấy, nhà đầu tư này đã sớm bén duyên trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam. Chính vì vậy, quyết định rẽ ngang đầu tư thêm vào ngành giáo dục trong bối cảnh thị trường đang cạnh tranh khốc liệt khiến người quan tâm và giới đầu tư không khỏi đặt câu hỏi vì sao?
Theo các chuyên gia, IvyPrep Education – được đánh giá là mô hình giáo dục không đơn thuần chỉ là dạy tiếng Anh, mà còn đào tạo kỹ năng cần thiết để học viên du học tại quốc gia sử dụng Anh ngữ. Điều đáng nói, chưa có nhiều công ty, nhà đầu tư tham gia vào mô hình này, vì vậy, đây được xem như tín hiệu mới trong đầu tư giáo dục.
Nói như vậy là hoàn toàn có cơ sở bởi theo thống kê của UNESCO, hiện có tới 64.000 sinh viên Việt Nam có nhu cầu theo đuổi các chương trình đại học và sau đại học trên thế giới, chưa kể con số du học sinh các bậc phổ thông hay trung học.
Ngoài ra, theo ước tính hàng năm, người Việt cũng đầu tư khoảng 3 tỷ USD cho con cái đi du học. Hay thậm chí là việc “chịu chi” 1,5 triệu USD để tìm kiếm các cơ hội học tập tại Mỹ của một gia đình Việt Nam đã gây xôn xao báo chí Mỹ thời gian gần đây cũng là minh chứng cho thấy xu hướng du học đang không ngừng gia tăng tại Việt Nam.
Vì vậy, dù đất có thể đã chật, cạnh tranh ngày càng cao, nhưng cơ hội và dư địa đầu tư vào ngành này vẫn còn lớn. Nắm bắt được cơ hội từ thị trường được hay không là do nhà đầu tư và doanh nghiệp, điều đáng quan tâm và kỳ vọng đó là sự gia nhập của nhiều nhà đầu tư ngoại sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tại Việt Nam.