Vì sao chuyên gia phản đối đề xuất “xây đảo lấn Vịnh” Đà Nẵng?
Trong khi thông tin về dự án đảo Hoa Sen lấn biển tại Vịnh Đà Nẵng còn xuất hiện nhỏ giọt thì tại hội thảo về Quy hoạch TP Đà Nẵng đến 2030 tầm nhìn 2045, các chuyên gia đã lên tiếng phản đối dự án.
Ông Bùi Văn Tiếng - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Đà Nẵng, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng nêu quan điểm: “Cần hết sức thận trọng trong câu chuyện đô thị biển trên Vịnh Đà Nẵng. Trong dự thảo báo cáo, điều này được nêu khá đậm đặc, thể hiện quyết tâm chính trị rất cao”.
Lý giải quan điểm không ủng hộ của mình, ông Tiếng cho biết: “Có người nghĩ Rạch Giá cũng đang lấn biển ở Vịnh Thái Lan, Quảng Ninh cũng đang lấn biển ở Vịnh Bắc Bộ, có sao đâu. Nhưng nên nhớ, Vịnh Thái Lan có tổng diện tích mặt nước vào khoảng 320.000 km2, Vịnh Bắc Bộ có tổng diện tích mặt nước vào khoảng 126.000km2, trong khi diện tích Vịnh Đà Nẵng quá nhỏ bé so với hai vị trí nói trên. Điều này dẫn đến chế độ thủy văn khác nhau, điều kiện cũng khác hoàn toàn khi xung quanh Vịnh Đà Nẵng là núi đá bao bọc”.
Ông Bùi Văn Tiếng phát biểu tại hội thảo.
Cũng với lập luận này, ông Tiếng cho biết với mô hình như Dubai lấn Vịnh Ba Tư trong khi Vịnh Ba Tư có tổng diện tích mặt nước là 251.000km2 – cũng là một diện tích rộng lớn.
Thêm vào đó, Vịnh Đà Nẵng là đầu ra của hai con sông Cu Đê và sông Hàn. Nếu bị thu hẹp, nhất định sẽ ảnh hưởng đến dòng chảy của hai con sông này. Đó là chưa kể phương án hút cát tại chỗ để bồi đắp đảo sẽ gây hậu quả sạt lở bờ biển, điều này là chắc chắn, ông Tiếng khẳng định.
Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử thành phố Đà Nẵng cũng nêu trường hợp của Singapore, nhưng theo ông, đất nước Singapore xây đảo bằng cát nhập khẩu, vì lý do này mà Singapore đã trở thành quốc gia nhập khẩu cát đứng đầu thế giới.
Bên cạnh quan ngại về các tác động đến môi trường của dự án, ông Bùi Văn Tiếng còn lo lắng đến các nguy cơ an ninh quốc phòng mà theo ông là không quá khó để nhận ra.
Chuyên gia cho rằng cần đánh giá kỹ đối với đề xuất xây đảo lấn biển tại Vịnh Đà Nẵng
Cũng liên quan đề xuất “xây đảo lấn vịnh”, KTS Trần Ngọc Chính, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam đề cập vấn đề, vì thiếu đất Đà Nẵng nghĩ đến việc xây dựng đô thị biển. Nhưng ông Trần Ngọc Chính cho biết đã “rất ngạc nhiên” trước thông tin hơn 1000 hecta xây dựng trên biển ở Vịnh Đà Nẵng.
Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, lúc trước ông đã từng có đề xuất rằng trên Vịnh Đà Nẵng nên có một đảo nhỏ và một thủy cung.
“Mọi người có thể ra đảo bằng thủy cung, tạo một điểm sáng để ra chơi thì được. Nhưng làm đảo như kiểu Dubai thì không được vì sẽ liên quan đến dòng chảy, đến hạ tầng.", ông Chính cho biết.
Ông Chính phân tích, Vịnh Đà Nẵng là một vòng cung, với một bên là núi Sơn Trà, một bên là Hải Vân. "Nếu xây dựng đô thị ở đó thì tất cả bên trong này sẽ ảnh hưởng, kể cả ảnh hưởng đến sân bay Đà Nẵng, nhà cao tầng không làm được vì ảnh hưởng đường lên xuống của các máy bay ở sân bay", ông nói.
Từ đó vị chuyên gia quy hoạch cho rằng “Cần nghiên cứu lại quy hoạch trong trường hợp này."
Ông Trần Ngọc Chính – Chủ tịch Hội Quy hoạch Kiến trúc đô thị Việt Nam phát biểu tại Hội thảo ở Đà Nẵng ngày 11/6
Vịnh Đà Nẵng được sản sinh tự nhiên có hình vòng cung là một không gian đã quá đẹp, “Đà Nẵng tại sao phải làm mất đi vẻ đẹp đó”, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam nói.
Về vấn đề này, TS. Trần Du Lịch – thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời nằm trong nhóm chuyên gia nghiên cứu Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng đến 2030, tầm nhìn 2045 cho biết: Ý tưởng (lấn vịnh- PV) đầu tiên là của bên quy hoạch đô thị chứ không phải ý tưởng của tổ tư vấn. Nhưng, theo ông Trần Du Lịch, đây mới là ý tưởng nêu ra xem có thể phải chăng làm dạng như Dubai được không.
Ông cũng khẳng định, đề xuất này cần phải được đánh giá vì tác động đến cảnh quan, tự nhiên, môi trường và chắc chắn cần phải được thảo luận tiếp.
Về dự án đảo nhân tạo kiểu Dubai lấn Vịnh Đà Nẵng, như Báo Diễn đàn Doanh nghiệp đã đưa tin trước đó, thông tin ban đầu dự án được đề xuất thực hiện bởi một nhóm các nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư danh tiếng nước ngoài, vốn đã thực hiện nhiều dự án nổi bật trong lĩnh vực thương mại, địa ốc. Theo quy định, thẩm quyền quyết định dự án này sẽ thuộc Thủ tướng.