Khai thông vốn cho đường sắt
Luật Đường sắt (sửa đổi) đã bổ sung một số quy định được cho là cú hích lớn cho đường sắt.
Lotte E&C (Hàn Quốc) đang sốt sắng muốn đầu tư Dự án Nâng cấp tuyến đường sắt Yên Viên - Lào Cai và xây dựng đoạn đường sắt kết nối Lào Cai - Hà Khẩu theo hình thức PPP.
Vốn nội “nóng lòng”, vốn ngoại “sốt sắng”
Nhà đầu tư Hàn Quốc này khẳng định họ sẵn sàng bỏ kinh phí lập đề xuất dự án nâng cấp cho tuyến đường đang đứng thứ hai về sản lượng vận tải hàng hóa trong mạng đường sắt quốc gia. Ngoài đề nghị áp dụng hình thức hợp đồng xây dựng - thuê dịch vụ - chuyển giao (BLT), Lotte còn muốn nhận thêm một số ưu đãi trong quá trình triển khai Dự án. “Với chi phí lớn và thời gian nghiên cứu khá dài, việc ưu tiên cho nhà đầu tư độc quyền nghiên cứu lập dự án là cần thiết”, ông Cho Tae Hawn, Phó Chủ tịch Lotte E&C cho biết.
Được biết, với loại hợp đồng BLT, Lotte sẽ bỏ vốn đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng. Sau khi hoàn thành, nhà đầu tư được quyền cung cấp dịch vụ trên cơ sở vận hành khai thác công trình đó trong khoảng thời gian được xác định là 20 năm. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền thuê dịch vụ và thanh toán cho nhà đầu tư, hết thời hạn, nhà đầu tư bàn giao lại cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý khai thác.
Không chịu thua vốn ngoại, vốn nội cũng tỏ ra đầy “nóng vội” khi thời gian gần đây, các doanh nghiệp này liên tục đề xuất rót vốn vào đầu tư đường sắt. Gần đây nhất, Công ty TNHH Dịch vụ du lịch đường sắt Đông Dương (TP HCM) đề nghị Bộ GTVT chấp thuận cho họ khai thác 2 đôi tàu du lịch sử dụng đầu máy hơi nước trên đoạn Huế - Đà Nẵng.
Theo kế hoạch mà Bộ GTVT phê duyệt, đến năm 2030, tổng nguồn vốn dành cho cải tạo, nâng cấp đường sắt hiện hữu là 110.000 tỷ đồng, trong đó giai đoạn đến năm 2020 là 48.000 tỷ đồng và 2020-2030 khoảng 62.000 tỷ đồng.
Ngoài cung cấp đầu máy hơi nước, toa xe cho đoàn tàu du lịch, doanh nghiệp này sẽ tự bỏ kinh phí xây dựng một số hạng mục phục vụ vận dụng đầu máy hơi nước như cầu quay, họng cấp nước... tại ga Huế, Lăng Cô, Kim Liên và các tài sản này thuộc hạ tầng đường sắt Việt Nam. Công ty Đông Dương sẽ trả phí điều hành vận tải, phí dịch vụ, phí sử dụng hạ tầng đường sắt cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam. Những đề xuất của Lotte hay Đông Dương là chưa có tiền lệ và chưa được đề cập trong Luật Đường sắt 2005, nên rất khó để cơ quan quản lý nhà nước thông qua, dù các đề xuất đó đều có tính hợp lý cao.
Trước đó, Chính phủ đã phê duyệt chiến lược phát triển đường sắt. Từ năm 2020 đến 2030, ngành giao thông sẽ xây dựng hệ thống đường sắt đạt tốc độ chạy tàu 160-200 km/h, đường đôi khổ 1,435 m và nâng cấp hạ tầng để có thể khai thác tàu cao tốc 350 km/h trong tương lai. Đến năm 2050, ngành sẽ hoàn thành đường sắt đôi tốc độ cao khổ 1,435 m trên toàn trục Bắc Nam; sau 2050 sẽ khai thác tàu cao tốc 350 km/h.
“Đường lớn đã mở”
Nói như Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, trong những năm qua, do chưa có cơ chế chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước kinh doanh vận tải trên đường sắt quốc gia, dẫn đến dịch vụ vận tải đường sắt trong thời gian dài không có sự cạnh tranh, nên ngày một kém chất lượng, mất dần thị phần. Có lẽ, đây chính là lý do mà cả nhà nước, nhà đầu tư đang mong đợi Luật Đường sắt (sửa đổi) nhằm phá bỏ những nút thắt, những điểm nghẽn cơ chế để khơi thông dòng vốn tư nhân vào lĩnh vực đường sắt.
Luật Đường sắt (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2018. Hiện, Bộ GTVT đang hoàn thiện xây dựng 5 Nghị định dưới luật để triển khai thực hiện kịp thời khi luật có hiệu lực. Đáng chú ý, Luật Đường sắt (sửa đổi) đã bổ sung một số quy định được cho những cú hích lớn cho lĩnh vực đường sắt, trong đó nổi bật là việc kinh doanh vận tải đường sắt được xác định là ngành, nghề được ưu đãi đầu tư; tổ chức, cá nhân hoạt động đường sát được hưởng ưu đãi, hỗ trợ như miễn tiền sử dụng đất đối với diện tích đất xây dựng kết cấu hạ tầng, các mức ưu đãi cao nhất về thuế suất thu nhập doanh nghiệp, vay tín dụng ưu đãi nhất; áp dụng cơ chế giá đối với phương thức cho thuê hoặc chuyển nhượng quyền khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt.