Doanh nghiệp sẵn sàng góp vốn xây cảng Liên Chiểu
Nhiều doanh nghiệp muốn tham gia góp vốn xây dựng để đẩy nhanh tiến độ dự án Cảng Liên Chiểu, Đà Nẵng.
Trong số báo 47 ngày 13/6/2018, Báo DĐDN đã có bài “Doanh nghiệp kỳ vọng Cảng Liên Chiểu, Đà Nẵng” phản ánh những kỳ vọng của doanh nghiệp về việc Chính phủ đẩy nhanh tiến độ cảng Liên Chiểu. Ngay sau khi báo ra, rất nhiều doanh nghiệp bày tỏ muốn tham gia đầu tư vào dự án này.
Mất khoảng 10 năm
Theo ông Trần Văn Lĩnh - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước, việc xây dựng Cảng Liên Chiểu có thể mất tới 10 năm nên hãy bắt tay ngay từ bây giờ.
Được biết, tổng mức đầu tư dự kiến cho dự án xây dựng cảng Liên Chiểu lên tới 7.378 tỷ đồng (chia làm 2 hợp phần). Dự kiến 80% kinh phí hợp phần A sẽ được huy động từ nguồn vốn ngân sách Trung ương bao gồm vốn ODA, ngân sách, trái phiếu.
Hợp phần B có tổng chi phí đầu tư dự kiến 3.951,8 tỷ đồng, xây dựng các công trình phục vụ khai thác bến như bến cập tài, kè gầm bến, đường bãi trong cảng, kho, nhà xưởng... Hợp phần này hiện đang được đề xuất thực hiện toàn bộ bằng hình thức xã hội hoá.
Theo đánh giá của Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Đà Nẵng - ông Phạm Bắc Bình, “Hầu như tất cả các doanh nghiệp tại Đà Nẵng đều kỳ vọng vào hai dự án lớn của Đà Nẵng hiện tại, là Cảng Liên Chiểu và Ga đường sắt”, ông Bình nói.
Doanh nghiệp muốn đóng góp
Ông Bình cho biết, hiện có rất nhiều doanh nghiệp mong muốn đóng góp vào việc xây dựng Cảng Liên Chiểu như một nhà đầu tư để mở rộng quy mô cảng.
Một khi dự án được tiến hành, theo ông Phạm Bắc Bình, Đà Nẵng không nên giao tập trung cho một doanh nghiệp để giảm rủi ro khi doanh nghiệp có vấn đề. Dự án có thể thông qua đấu thầu, giao từng phần cho các doanh nghiệp đầu tư thực hiện.
Liên quan tiến độ dự án Cảng Liên Chiểu, vừa qua, tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Singapore, dưới sự chứng kiến của lãnh đạo Chính phủ và hơn 500 doanh nghiệp, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ và ông Douglas Foo - Chủ tịch Liên đoàn sản xuất Singapore (SMF) kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Sakae Corporate Advisory cùng trao Bản Ghi nhớ triển khai các nội dung hợp tác giữa UBND thành phố Đà Nẵng và Liên đoàn sản xuất Singapore và Bản Ghi nhớ đồng ý về mặt nguyên tắc cho nhóm các nhà đầu tư của Singapore hỗ trợ TP nghiên cứu điều chỉnh Quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch khu vực Vịnh Đà Nẵng, nghiên cứu triển khai một số dự án đầu tư trong ngắn hạn và trung hạn tại Đà Nẵng, bao gồm nghiên cứu phát triển hệ thống cảng biển Đà Nẵng.
Nhóm các nhà đầu tư nói trên do Công ty Sakae Corporate Advisory chủ trì, gồm tập đoàn Sakae Holdings, tập đoàn Surbana Jurong, tập đoàn Fission, công ty bất động sản Centra, tập đoàn YCH và các doanh nghiệp khác do SMF giới thiệu.
Trao đổi cùng Báo DĐDN về Cảng Liên Chiểu, bà Võ Thị Tuấn Anh – Trưởng Đại diện Sakae Corporate Advisory tại Việt Nam cho biết phía nhà đầu tư “vẫn đang chờ văn bản chính thức của Thủ tướng Chính phủ, mọi vấn đề vẫn đang phải đợi thêm ý kiến”, bà Tuấn Anh nói.