Hà Nội đổi "đất vàng" để đầu tư hạ tầng giao thông
Hà Nội vừa cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 4 dự án đường đầu tư hạ tầng giao thông dài 13,303 km với tổng vốn đầu tư khoảng 5.727 tỷ đồng, theo hợp đồng BT.
Theo đó, với việc đầu tư 13,303 km, các nhà đầu tư sẽ được nhận lại tổng diện tích đất đối ứng là 162,71 ha.
Trước tiên phải kể đến dự án xây dựng các tuyến đường giao thông đấu nối hạ tầng các khu đô thị, dân cư quận Hà Đông do Liên danh Công ty CP Đầu tư Văn Phú Invest và Công ty CP Đầu tư Hải Phát đề xuất và đầu tư với kinh phí 1.961 tỷ đồng.
Có thể bạn quan tâm
Nhà đầu tư Đài Loan ưa nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam
03:38, 19/06/2018
Đầu tư PPP: Chậm ban hành nghị định hướng dẫn khiến nhà đầu tư “mắc kẹt” vốn
03:29, 18/06/2018
EuroCham quan tâm và sẵn sàng cùng Hà Nội xây dựng thành phố thông minh
16:09, 17/06/2018
Theo đó, hai liên danh chủ đầu tư này được nhận 6 khu đất đối ứng rộng khoảng 68 ha, gồm: Khu đô thị Bắc Lãm (41,84 ha); Khu chức năng đô thị Kiến Hưng (7,568 ha); Khu nhà ở Phú Lãm (12,92 ha); Khu nhà ở Hà Cầu (2,3 ha); Khu nhà ở Dương Nội (2,55 ha) và Khu nhà ở cao tầng Kiến Hưng (0,998 ha).
Được biết, dự án này được TP. Hà Nội đề xuất năm 2009, đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư vào năm 2010, UBND Thành phố phê duyệt tại Quyết định số 1581/QĐ-UBND ngày 7/4/2010. Dự án được chỉ định cho chính nhà đầu tư đề xuất. Theo đó, nhà đầu tư sẽ xây dựng đồng bộ 5 tuyến đường (tuyến 2, 3, 4, 6, 7) với tổng chiều dài khoảng 6,2 km, mặt cắt ngang từ 17 - 40 m, thuộc địa bàn các phường Văn Quán, Phúc La, Kiến Hưng, Phú Lãm, Phú Lương, Dương Nội (quận Hà Đông) và 2 xã Đông La, La Phù (huyện Hoài Đức).
Tuy nhiên, đến năm 2013, dự án đã bị yêu cầu ngừng thực hiện theo hình thức BT và phải giao lại quỹ đất dự kiến đối ứng cho các sở, ngành để chuẩn bị các thủ tục đấu thầu, đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định. Một năm sau đó, Dự án lại tiếp tục được UBND Thành phố cho phép tiếp tục triển khai.
Dự án thứ 2 đó là dự án xây dựng tuyến đường Lê Trọng Tấn đến đường Vành đai 3 do Liên danh Công ty CP Phát triển nhân lực LOD - Công ty TNHH Phát triển Bắc Việt đầu tư với kinh phí hơn 1.400 tỷ đồng.
Theo đó, quỹ đất đối ứng là quỹ đất rộng gần 40 ha nằm tại các ô quy hoạch 3-1, 3-2, 4-1, 4-2 phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm (Quy hoạch phân khu S4) để hoàn vốn đầu tư. Quy hoạch phân khu S4 thuộc chuỗi đô thị phía Đông đường Vành đai 4.
Được biết, tuyến đường có chiều dài 2,85 km, kết nối với đường Vành đai 2, đi qua Vành đai 2,5 và nối với Vành đai 3. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2018 - 2020. Khi đi vào hoạt động, dự án được kỳ vọng sẽ góp phần giảm tải cho các tuyến đường Nguyễn Trãi, Giải Phóng.
Dự án Tuyến đường Minh Khai - Vĩnh Tuy - Yên Duyên đoạn nối từ đường Minh Khai đến đường vành đai 2,5 do Công ty CP Đầu tư phát triển hạ tầng và đô thị Vĩnh Hưng đầu tư với kinh phí là 1.373 tỷ đồng, là dự án thứ 3. Tuyến đường có chiều dài 1,653 km. Thời gian thực hiện dự án là từ quý IV/2017 - quý II/2019.
Được biết, có 3 quỹ đất để đối ứng cho dự án này. Thứ nhất, là Khu nhà ở Ao Mơ rộng 22,9 ha; Thứ hai, là các ô đất tại dự án xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật khu di dân Tổ 24, Tổ 25 với diện tích khoảng 11,29 ha; Thứ ba, là 0,52 ha của Dự án Ao Cây Dừa, 11,9 ha tại dự án khu sinh thái Vĩnh Hưng và 13 ha tại khu chức năng đô thị Vĩnh Hưng - Thanh Trì.
Dự án số 4 là tuyến đường từ đê sông Hồng đến Khu đô thị mới C2, Gamuda Gardens, quận Hoàng Mai do Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh đầu tư với kinh phí là 989 tỷ đồng. Tuyến đường có chiều dài 2,6 km nối từ trung tâm quận Hoàng Mai đến sông Hồng, qua các phường Thanh Trì, Lĩnh Nam, Vĩnh Hưng, Yên Sở. Quy mô sử dụng đất hơn 11 ha, thiết kế 8 làn xe. Dự kiến dự án sẽ hoàn thành cuối năm nay.
Được biết, vốn đối ứng cho dự án này là khu đất 20 ha tại trung tâm quận Hoàng Mai.