Đầu tư FDI tại Việt Nam: Vì sao Nhật Bản soán được "ngôi vương"?
Theo đó, 6 tháng đầu năm 2018, tổng vốn đăng ký từ Nhật Bản vào Việt Nam đạt 6,47 tỉ USD, chiếm 31,8% tổng vốn FDI “chảy” vào Việt Nam.
Theo các chuyên gia, dòng vốn FDI từ Nhật Bản có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam đang thay đổi chiến lược thu hút FDI trong thời gian tới. Bên cạnh đó, câu chuyện về chuyển giao công nghệ đang làm nóng dư luận những ngày gần đây.
Có thể bạn quan tâm
Doanh nghiệp FDI “khất lần” chuyển giao công nghệ
09:30, 28/06/2018
"Chặn" doanh nghiệp “lách” luật để chuyển giá?
00:03, 28/06/2018
Chuyển giao công nghệ: Doanh nghiệp FDI đã thực sự chủ động?
05:42, 27/06/2018
Doanh nghiệp Nhật thâu tóm doanh nghiệp giấy lớn nhất Việt Nam
15:42, 26/06/2018
Hình mẫu của quan hệ hợp tác
Cũng theo các chuyên gia, có thể nói rằng, các nhà đầu tư, doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam đang được xem là một trong những dòng vốn chính, hình mẫu cho mối quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI.
Cũng không quá khi nói rằng, dòng vốn đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam đang đóng vai trò dẫn dắt và làm tăng khả năng cạnh tranh giữa các dòng vốn FDI nói riêng và nâng cao vị trí của doanh nghiệp Việt Nam trong qúa trình thúc đẩy ngành công nghiệp phụ trợ phát triển.
Điều này được thể hiện trong các dự án, lĩnh vực đầu tư mà doanh nghiệp Nhật Bản đang hiện diện trong các lĩnh vực như lọc hoá dầu, công nghệ thông tin, công nghiệp vật liệu xây dựng…
Trước tiên, nhìn một cách tổng quan, có nhiều tập đoàn lớn của Nhật Bản đã sớm có mặt tại Việt Nam với các sản phẩm có uy tín, tính cạnh tranh, hàm lượng kỹ thuật cao và tham gia tích cực vào hoạt động xuất khẩu.
Còn nhớ, tháng 7/2013, Việt Nam đã phê duyệt “Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030”, trong đó ưu tiên phát triển 6 ngành công nghiệp: điện tử, máy nông nghiệp, chế biến nông, thủy sản, đóng tàu, môi trường và tiết kiệm năng lượng, cuối cùng là sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô.
Ngành sản xuất ô tô xe máy đã ghi nhận tỷ lệ nội địa hoá, mặc dù chưa như kỳ vọng, tuy nhiên đã có sự chuyển biến. Ví dụ như tỷ lệ nội địa hoá xe máy là khoảng 80% tính đến cuối năm 2017.
Bên cạnh đó, lĩnh vực lọc hoá dầu cũng được xem như thành công khi nhắc đến dự án Lọc hoá dầu Nghi Sơn tại Thanh Hóa. Đây là kết quả liên doanh giữa các đối tác Idemitsu Kosan Co., Ltd; Mitsui Chemicals, Inc của Nhật Bản với Kuwait Petroleum Europe B.V của Cô Oét và Tập đoàn dầu khí của Việt Nam. Được biết, tổng vốn đầu tư ban đầu là 6,2 tỷ USD, con số này có lẽ đã tăng lên nhiều tỷ USD hơn tính đến thời điểm này.
Ngoài hoạt động đầu tư về hạ tầng tại các khu công nghiệp như Khu công nghiệp Nomura (Hải phòng), Khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội) và Khu công nghiệp Long Bình (Đồng Nai), thì mới đây, các nhà đầu tư, doanh nghiệp đến từ Nhật Bản đã công bố đầu tư dự án thành phố thông minh tại xã Hải Bối và Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, Hà Nội với tổng vốn đầu tư 4,138 tỉ USD, mục tiêu xây dựng khu đô thị thông minh, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và xã hội…
Kỳ vọng sẽ càng lớn hơn
Những con số đầu tư từ dòng vốn Nhật Bản đã góp phần đưa dòng vốn đăng ký 6 tháng đầu năm 2018 đạt 20,33 tỉ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2017. Theo đó, hoạt động góp vốn, mua cổ phần ghi nhận 2.749 lượt góp vốn, mua cổ phần với tổng giá trị vốn góp gần 4,1 tỉ USD, tăng 82,4% so với cùng kỳ 2017.
Như vậy, qua những con số thu hút đầu tư FDI nói chung và dòng vốn từ Nhật Bản nói riêng trong 6 tháng đầu năm 2018, tổng vốn thu hút FDI của Việt Nam dường như đang bắt lại đà tăng trưởng, trước đó dòng vốn ghi nhận tín hiệu giảm từ thị trường đầu tư.
Trong bối cảnh khi các nguồn vốn vay ưu đãi từ các định chế tài chính không còn, và phải vay theo vốn theo nhu cầu thị trường, theo các chuyên gia, dòng vốn FDI tiếp tục ổn định đã giúp cho áp lực biến động tỷ giá giảm đáng kể. Ngoài ra, theo GS. TSKH Nguyễn Mại, “Nếu sử dụng tốt nguồn vốn đầu tư xã hội, trong đó có vốn Nhà nước, vốn tư nhân và vốn từ khu vực FDI, dư địa tăng trưởng Việt Nam đạt được sẽ còn cao hơn nữa”.
Ngoài ra, theo báo cáo của Ngân hàng thế giới (World Bank), hiện nay, dòng vốn FDI đang là nguồn vốn bổ sung quan trọng, chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư Việt Nam, đóng góp khoảng 20% GDP.
Vì vậy, quay trở lại câu chuyện dòng vốn đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam đang không ngừng gia tăng, sẽ tiếp tục mang lại những kỳ vọng về tăng trưởng, về mối liên kết và sự phát triển của ngành công nghiệp phụ trợ.