Xây Cảng hàng không Sa Pa gần 5.800 tỷ đồng: Có thật sự hiệu quả?

Mộc Miên 11/07/2018 15:20

Cảng hàng không (CHK) Sa Pa, Lào Cai được tỉnh dự kiến tổng chi phí gần 5.800 tỷ đồng và xây dựng theo hình thức xã hội hóa để đẩy nhanh tiến độ. Tuy nhiên, việc xây cảng có thật sự hiệu quả?

Lào Cai muốn đẩy nhanh xây dựng Cảng hàng không Sa Pa với tổng mức đầu tư gần 5.800 tỷ đồng

Lào Cai muốn đẩy nhanh xây dựng Cảng hàng không Sa Pa với tổng mức đầu tư gần 5.800 tỷ đồng

Trong văn bản gửi Cục Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, Tổng công ty Quản lý bay cũng như các bên liên quan, UBND tỉnh Lào Cai khẳng định, sân bay Sa Pa- Lào Cai đã được phê duyệt về quy hoạch.

Dự án CHK Sa Pa nằm trên địa bàn xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai; diện tích đất sử dụng đất là  371 ha.

Cảng hàng không Sa Pa được đầu tư xây dựng với quy mô sân bay dân dụng cấp 4C. Tổng vốn đầu tư gần  5.779 tỷ đồng (không bao gồm chi phí  xây lắp, trang thiết bị của quốc phòng).

Trao đổi trên báo Đất Việt, GS.TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, ĐH KTQD Hà Nội cho biết, Lào Cai là tỉnh miền núi, kinh tế khó khăn, thu nhập người dân còn thấp, xây cảng hàng không là không phù hợp.

GS Đặng Đình Đào đã chỉ ra 3 điểm để khẳng định việc xây cảng hàng không Sa Pa là không phù hợp.

Thứ nhất, về vị trí địa lý. hàng không chỉ có lợi cho cung đường dài, khách đi máy bay sẽ phải chờ đợi làm thủ tục check in – check out mất rất nhiều thời gian. Trong khi, Khoảng cách từ Hà Nội - Lào Cai chỉ vài trăm cây số, máy bay chưa cất cánh đã phải hạ cánh.

Tổng thời gian thực hiện các chuyến bay tại các đường bay lớn hơn so với đường bộ, không có lợi.

Thứ hai, về giao thông, hiện lên Lào Cai đã có đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai. Khách muốn tham quan, du lịch chỉ mất khoảng 3-4 tiếng chạy ô tô. Trong khi đó, chi phí vận chuyển đắt, không phải ai cũng có thể bay được.

Còn để phục vụ vận chuyển hàng hóa, phát triển kinh tế đã có đường sắt. Lợi thế của Lào Cai là đường sắt và đường bộ, Lào Cai cần tận dụng lợi thế, đẩy mạnh đầu tư, phát triển hệ thống đường sắt đôi nối liền từ Trung Quốc tới Lào Cai sẽ đem lại hiệu quả tốt hơn.

Thứ ba, về kinh tế, xã hội. Hàng không không đóng góp nhiều vào phát triển kinh tế Lào Cai vì Lào Cai là tỉnh nghèo, nguồn thu chủ yếu vẫn dựa vào phát triển du lịch.

Tuy nhiên, nếu du khách trong nước đi du lịch đến Sapa thì sẽ bay đến Lào Cai rồi buộc phải đi ô tô. Do vậy, thời gian di chuyển còn lâu hơn, không phù hợp.

Đối với khách nước ngoài thường thích du lịch tự do, thích phượt, tự khám phá, không thích bó buộc, vì thế, hàng không chưa chắc đã là lựa chọn tốt cho mục tiêu phát triển du lịch tại địa phương này. Việc xây dựng cảng hàng không chỉ phù hợp phục vụ một số nhóm người giàu, đại gia có tiền muốn đi du lịch nhưng thực chất là đi nghỉ dưỡng. Số này cũng rất hạn chế, theo mùa, không ổn định, nguồn thu không đủ để bù chi.

Về kinh tế, GS Đặng Đình Đào cũng cho rằng, dự án hoàn toàn không để phục vụ phát triển kinh tế, vì muốn thúc đẩy được kinh tế địa phương phát triển thì Lào Cai phải có được tiềm năng để cất cánh.

"Theo thuyết trình của Lào Cai, dự án sẽ là cầu nối vận chuyển hàng hóa trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và một vành đai kinh tế trên cơ sở phát triển giao thương giữa các tỉnh phía Tây Nam Trung Quốc là không hợp lý. Lào Cai lấy đâu hàng hóa để vận chuyển nhiều như thế? Rõ ràng, các mắt xích để phục vụ cho thuyết trình kết nối, phát triển kinh tế là không thuyết phục, không hiệu quả.

Lào Cai thay vì phát triển hàng không, nên tập trung hiện địa hóa đường bộ, tập trung đầu tư nâng cấp đường sắt hiện tại thành đường sắt cao tốc sẽ hiệu quả mà phù hợp với điều kiện của kinh tế, xã hội của Lào Cai hơn", GS Đặng Đình Đào phân tích trên Đất Việt.

Mộc Miên