Xây Cảng hàng không Sa Pa: Phải thận trọng!

Mộc Miên 12/07/2018 11:05

Khi xem xét xây dựng quy hoạch cảng hàng không, các tỉnh, thành, địa phương phải có báo cáo luận chứng kinh tế rất cụ thể.

Theo quy hoạch, Cảng hàng không Sa Pa là sân bay lưỡng dụng, nằm trên địa bàn xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, có diện tích đất sử dụng 371ha.

Cảng hàng không Sa Pa được đề xuất với quy mô sân bay dân dụng cấp 4C.

Đại tá Phan Tương - nguyên Giám đốc Sân bay Tân Sơn Nhất: Việc Lào Cai muốn xin được thực hiện dự án bằng nguồn vốn xã hội hóa là không dễ

Trong đó, giai đoạn 1 (đến năm 2020) đạt công suất 560.000 khách/năm và 600 tấn hàng hóa/năm, loại máy bay khai thác là A320, A321 và tương đương, kinh phí đầu tư khoảng 4.745 tỷ đồng (đã bao gồm kinh phí giải phóng mặt bằng của cả dự án).

Giai đoạn 2 (đến năm 2030), quy mô sân bay cấp 4C; công suất 1,5 triệu khách/năm và 2.880 tấn hàng hóa/năm, kinh phí đầu tư khoảng 1.033 tỷ đồng.

Tỉnh Lào Cai đề xuất phương án đầu tư theo hình thức xã hội hóa kết hợp hỗ trợ từ ngân sách địa phương, trong đó đầu tư cho phần khu bay và giải phóng mặt bằng, tái định cư, tổng kinh phí khoảng 2.861 tỷ đồng. Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đầu tư hạng mục quản lý bay với kinh phí khoảng 160 tỷ đồng. Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam đầu tư các hạng mục còn lại, tổng kinh phí khoảng 1.724 tỷ đồng.

Tỉnh Lào Cai cũng đề nghị Cục Hàng không, Tổng công ty Cảng hàng không và Tổng công ty Quản lý bay tư vấn, hỗ trợ về phương án đầu tư xây dựng Cảng hàng không này để dự án sớm triển khai giai đoạn 1 trước năm 2020.

Có thể bạn quan tâm

  • Xây Cảng hàng không Sa Pa gần 5.800 tỷ đồng: Có thật sự hiệu quả?

    Xây Cảng hàng không Sa Pa gần 5.800 tỷ đồng: Có thật sự hiệu quả?

    15:20, 11/07/2018

Trao đổi với Đất Việt về đề xuất này, Đại tá Phan Tương - nguyên Giám đốc Sân bay Tân Sơn Nhất cho rằng cần phải thận trọng bởi nguyên tắc khi xem xét xây dựng quy hoạch cảng hàng không, các tỉnh, thành, địa phương phải có báo cáo luận chứng kinh tế rất cụ thể.

Theo Đại tá Phan Tương, xây dựng sân bay không đơn giản như làm bãi đá bóng. Muốn làm sân bay phải đưa ra những luận chứng kinh tế đủ sức thuyết phục như: Dự kiến khai thác nguồn khách ở đâu? Sân bay vận chuyển nguồn hàng gì? Nguồn hàng đó ở đâu? Kết nối với những địa phương nào? Vì sao...?

Ông lấy ví dụ, Chính phủ đang có chủ trương xây dựng 3 Đặc khu kinh tế là: Vân Đồn, Phú Quốc, Bắc Vân Phong. Ở đây, chủ trương đã xác định rõ sẽ xây dựng 3 địa điểm trên trở thành các đặc khu kinh tế với những ưu thế và tiềm năng phát triển nổi bật. “Ở trường hợp này, xây dựng cảng sân bay có thể chấp nhận được nhằm tạo sự kết nối, thúc đẩy cho các đặc khu phát triển”. – Đại tá Phan Tương nhìn nhận. 

Còn đối với Lào Cai, theo ông Tương, kinh tế tỉnh này chưa có gì nổi bật, lợi thế để phát triển kinh tế địa phương không có nhiều. Nguồn khách du lịch thì hạn chế, theo mùa... Chưa làm đã nhìn thấy rõ không hiệu quả, vậy tại sao Lào Cai vẫn muốn đề xuất được làm? Xin làm cảng hàng không là ý tưởng của Lào Cai hay là gợi ý của chủ đầu tư, doanh nghiệp? Việc này cần phải được xem xét rất thận trọng để tránh tình trạng bị chủ đầu tư, doanh nghiệp dẫn dắt theo lợi ích của họ", Đại tá Phan Tương thẳng thắn.

Về nguồn vốn kêu gọi đầu tư, theo Nguyên Giám đốc Sân bay Tân Sơn Nhất, việc Lào Cai muốn xin được thực hiện dự án bằng nguồn vốn xã hội hóa là không dễ bởi xin thực hiện theo chủ trương xã hội hóa thực chất là đổi đất lấy hạ tầng hoặc đổi dự án lấy dự án.

“Nếu quá trình thực hiện công tác giám sát, kiểm tra thiếu chặt chẽ, khách quan rất dễ nảy sinh những tiêu cực, gây thất thoát lớn cho ngân sách nhà nước. Trong khi đó, nếu phân tích thấu đáu, dự án không giúp cải thiện nhiều cho cuộc sống của người dân, không đem lại động lực để phát triển kinh tế, trái lại, nó còn đổ thêm gánh nặng cho nền kinh tế, lên những người nộp thuế", Đại tá Phan Tương cảnh báo trên Đất Việt.

Mộc Miên