“Cửa mới” cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp
Khó khăn về tích tụ ruộng đất, khó chuyển giao công nghệ, và rủi ro cao là những khó khăn khiến doanh nghiệp FDI “ngại” đầu tư vào nông nghiệp.
Đây là một trong những thông tin được đưa ra tại Họp báo “Hội nghị toàn quốc thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức chiều nay.
Nhiều rủi ro cản bước doanh nghiệp
Bên cạnh đó, các rủi ro khi đầu tư vào nông nghiệp như phụ thuộc quá nhiều vào yếu tố tự nhiên và ngành công nghiệp cơ khí hỗ trợ cho nông nghiệp ở Việt Nam còn hạn chế, nhiều thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh trong nông nghiệp còn bất hợp lý. Ngoài ra, hiệu quả của hầu hết các loại hình tổ chức sản xuất nhìn chung chưa cao, ứng dụng khoa học và công nghệ, liên kết chuỗi giá trị sản xuất trong nông nghiệp còn rất hạn chế, mới chỉ dừng ở bước đầu phát triển.
Xuất phát từ thực tế này, một trong những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn về việc tích tụ ruộng đất, hiện nay tại một số địa phương như Thái Bình, Hà Nam chính quyền đã đứng ra tích tụ ruộng đất, sau đó cho doanh nghiệp thuê lại, tạo diện tích lớn để doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao, giống cây trồng, tạo sản lượng lớn để xuất khẩu.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết: “Tuy nhiên những phương án này cũng có những xung đột với các những pháp luật hiện hành”.
Chính vì vậy, số lượng doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này còn hạn chế. Cụ thể tính đến quý II/2018 ước tính cả nước có khoảng 49.600 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, chiếm khoảng 8% tổng số doanh nghiệp hoạt động trên cả nước. Tuy nhiên, nếu nhìn về con số giá trị đầu tư, dòng vốn vào ngành này chỉ bằng một nửa. Theo số liệu từ Cục đầu tư nước ngoài, có khoảng 4% tổng vốn đầu tư FDI vào nông nghiệp tính đến tháng 7/2018. Ngoài ra, các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp chủ yếu ở quy mô nhỏ và siêu nhỏ, chiếm 92,35%, tiếp đến là doanh nghiệp có quy mô lớn với 5,59% và doanh nghiệp có quy mô vừa với 2,06%. Các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp đã tạo ra hơn 4,5 triệu việc làm, chiếm 32,5% lao động của toàn bộ doanh nghiệp.
Có thể bạn quan tâm
Sức bật và sức ép để doanh nghiệp nội chuyển mình mạnh mẽ
04:44, 27/07/2018
Khó lựa chọn nhà đầu tư các dự án PPP vì đâu?
07:00, 26/07/2018
Cảng cạn "ngóng" vốn tư nhân
05:53, 25/07/2018
3 điểm mới của Nghị định 57/2018/NĐ-CP
Xuất phát từ thực tế trên, việc Nghị định số 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn được ban hành ngày 17/04/2018 được kỳ vọng tạo bước ngoặt, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Theo đó, những điểm mới của Nghị định này tập trung vào 3 điểm mới nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Một là, phương thức hỗ trợ sau đầu tư có định mức. Hai là, tập trung vào cải cách thủ tục hành chính, vừa là giảm vừa là lồng ghép và minh bạch hoá các thủ tục để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận đầu tư vào nông nghiệp nông thôn. Ba là, quỹ đất. Trong nghị định này có 3 hướng, trong phong trào nông thôn mới, chủ trương cũng tích cực dồn điền đổi thửa. Thay vì các hộ chia nhỏ 7-8 mảnh thì giờ dồn về để sản xuất tập trung nhờ thuỷ lợi hoá tốt. Ngoài ra, tập trung đất, có nhiều cách, cách mà hiệu quả được nhiều địa phương thực hiện đó là cùng sản xuất, cùng xuống giống và cùng thu hoạch. Cuối cùng là tích tụ đất, hướng tới có hai cơ chế hỗ trợ: một là góp vốn qua quyền sử dụng đất hai là tài sản trên đất phải được tính vào tài sản trên đất để thế chấp vay vốn để tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận tài chính cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, cùng với các chính sách khác như Nghị định 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp được coi là những động lực quan trọng giúp doanh nghiệp đang đầu tư vào nông nghiệp yên tâm đầu tư và doanh nghiệp chưa đầu tư vào nông nghiệp có thể tìm kiếm cơ hội đầu tư mới.