“Trò chơi” năng lượng “trời cho”

Quốc Anh 11/08/2018 16:07

Hàng loạt dự án điện gió và điện mặt trời xin cấp phép đầu tư cũng như được khởi công thời gian gần đây đã cho thấy “trò chơi” năng lượng “trời cho” đang trở nên hấp dẫn.

Mới đây, dự án Nhà máy Điện mặt trời Trung Nam đã được khởi công tại tỉnh Ninh Thuận. Đây là dự án điện mặt trời lớn nhất Việt Nam hiện nay. Dự án do Công ty cổ phần Điện Mặt trời Trung Nam đầu tư với tổng vốn 5.000 tỷ đồng. Nhà máy có tổng công suất 204MW, xây dựng trên diện tích 300 ha đất kết hợp của dự án điện gió Trung Nam thuộc địa bàn hai xã Bắc Phong và Lợi Hải, huyện Thuận Bắc.

Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam (thành viên Trungnam Group) đã tổ chức lễ khởi công Dự án nhà máy điện mặt trời Trung Nam có tổng công suất 204MW, với tổng mức đầu tư gần 5 nghìn tỉ đồng

Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam (thành viên Trungnam Group) đã tổ chức lễ khởi công Dự án nhà máy điện mặt trời Trung Nam có tổng công suất 204MW, với tổng mức đầu tư gần 5 nghìn tỉ đồng

Nhiều dự án được triển khai

Trước đó, vào tháng Tư, tại Khu kinh tế Nhơn Hội, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, Công ty CP Fujiwara Bình Định đã tổ chức Lễ khởi công nhà máy điện mặt trời và điện Fujiwara. Dự án điện mặt trời kết hợp điện gió có tổng quy mô công suất 100 MW, gồm hai giai đoạn: giai đoạn 1 - đầu tư nhà máy điện mặt trời với công suất 50 MW; giai đoạn 2 - đầu tư nhà máy điện gió với công suất 50 MW

Đó mới chỉ là hai trong số vài chục dự án trong lĩnh vực năng lượng mặt trời đã được khởi công, trong khi còn rất nhiều dự án khác đã trình lên các chính quyền địa phương khắp cả nước đã được chấp thuận hoặc đang chờ phê duyệt.

Đơn cử, báo cáo từ UBND tỉnh Bình Thuận, trong 6 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn tỉnh này có 9 dự án điện mặt trời và 1 dự án điện gió được chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng số vốn đầu tư là 15.380 tỷ đồng. Ở ngay bên cạnh Bình Thuận, UBND tỉnh Ninh Thuận cuối tháng 5 vừa qua cũng trao giấy chứng nhận đầu tư cho 9 dự án điện mặt trời với tổng số vốn đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng.

Rõ ràng, bức tranh đầu tư vào năng lượng điện mặt trời và điện gió từ đầu năm tới nay đã khởi sắc, trái ngược với sự ảm đạm mấy năm trước, khi nhiều dự án thất bại như: Global Spheres rút khỏi dự án ở Thừa Thiên Huế và Cty Công nghiệp năng lượng Đông Dương (IC Energy) phải dừng dự án ở Quảng Nam... Điển hình nhất là thất bại của tập đoàn First Solar, một trong những tập đoàn danh tiếng của Mỹ trong lĩnh vực năng lượng mặt trời.

Cần điều chỉnh giá điện?

Điều đáng nói là mặc dù bức tranh đầu tư vào năng lượng tái tạo đã chuyển màu nhưng về cơ bản, các chuyên gia nhìn nhận, Việt Nam vẫn chưa tận dụng hết những lợi thế để phát triển hai nguồn năng lượng “trời cho” này.

Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) thừa nhận, hiện giá điện gió chưa đủ hấp dẫn các nhà đầu tư. “Bộ Công Thương đang nghiên cứu để đưa ra một giá điện gió hài hòa hơn trong thời gian tới nhằm đảm bảo sự công bằng giữa các nguồn năng lượng tái tạo và phù hợp với công nghệ hiện nay trên thế giới”, ông Thành nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

  • Điện gió gặp khó

    01:05, 15/06/2018

  • Gỡ nút thắt cho điện gió

    05:24, 13/06/2018

  • Điện gió gặp khó vì hợp đồng mua bán điện

    15:38, 07/06/2018

  • Bình Thuận: Xây dựng nhà máy điện mặt trời kết hợp dự án điện gió

    14:32, 09/11/2017

Đồng quan điểm, GS.TS Lê Chí Hiệp, Chủ tịch Hội đồng Viện nghiên cứu năng lượng bền vững, Đại học Quốc gia TP HCM nhấn mạnh, với chính sách giá hơn 2.000 đồng/1kWh điện là chưa đủ hấp dẫn nhà đầu tư. “Tôi có tiếp xúc với nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực này. Họ rất quan tâm đến chính sách về giá nhưng vẫn ở trạng thái đắn đo vì giá chưa hấp dẫn” - ông Hiệp chia sẻ.

Ở một quan điểm khác, theo ông Steve Sawyer, Tổng thư ký Hiệp hội Điện gió Toàn cầu (GWEC) là, Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa để cải thiện tính hiệu quả, minh bạch trong các quy định của thị trường cũng như quy trình đấu thầu mua sắm. GWEC có thể hợp tác với Chính phủ Việt Nam giải quyết một số vấn đề về quy định pháp lý, ngành điện gió Việt Nam sẽ có thể phát triển mạnh mẽ, mang lại những lợi ích to lớn, đồng thời giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư quốc tế.

Rõ ràng, mấu chốt trong câu chuyện phát triển nguồn năng lượng “trời cho” này không phải là tiềm năng mà là cơ chế chính sách đủ hấp dẫn nhà đầu tư.

Quốc Anh